Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga khi tập kích hạ tầng năng lượng Ukraine để bào mòn sức chống chịu của đối phương

ĐNA -

(Nga). Tận dụng chậm trễ viện trợ từ phương Tây cho Kiev, Nga tăng cường tập kích hạ tầng năng lượng Ukraine để bào mòn sức chống chịu của đối phương. Theo Reuters, đêm 10/4/2024, Nga phát động một cuộc tấn công lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào hạ tầng năng lượng Ukraine, phá hủy nhà máy điện Trypilska, cơ sở năng lượng lớn nhất gần thủ đô Kiev, gây thiệt hại cho những cơ sở khác ở tỉnh Odessa, Kharkov, Zaporizhzhia và Lviv.

Cơ sở năng lượng của Ukraine bị hư hại sau đòn tập kích của Nga ở Kharkov ngày 10/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukrainer Zelensky gần đây cảnh báo, Ukraine sẽ cạn tên lửa phòng không nếu Nga duy trì tốc độ và cường độ tập kích như hiện nay. Lãnh đạo Ukraine cho biết kho dự trữ cạn kiệt khiến Kiev phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về mục tiêu quan trọng cần bảo vệ. Ông thêm rằng Ukraine sẽ cần 25 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ tất cả lãnh thổ của mình.

Trước nhu cầu cấp bách của Ukraine, Đức tuyên bố sẽ chuyển giao thêm một hệ thống Patriot cho nước này để đối phó các đợt tập kích của Nga. Tuy nhiên, Mỹ, bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, đến nay chưa có thêm bất cứ động thái nào tương tự.

Các cuộc tấn công mới nhất của Nga cho thấy rủi ro mà hạ tầng năng lượng Ukraine phải đối mặt. Franz Stefan-Gady, nhà phân tích quốc phòng ở Áo, cho biết khi tăng cường nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng, Nga tìm cách đặt nền móng cho các đợt tấn công trong tương lai, bằng cách làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine và khiến Kiev phải rút bớt nguồn lực từ tiền tuyến để bảo vệ mục tiêu ở hậu phương.

“Tình hình phòng không của Ukraine có thể trở nên khá nghiêm trọng vào mùa hè”, ông nói.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson mô tả chiến dịch tập kích hạ tầng năng lượng của Nga là “lời nhắc nhở đáng sợ về nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm bẻ gãy tinh thần của người Ukraine và đẩy họ vào cảnh tối tăm”. Watson kêu gọi Hạ viện Mỹ nhanh chóng thông qua gói viện trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn.

Tổng thống Putin ngày 11/4/2024 cho biết, các cuộc tập kích gần đây vào hạ tầng năng lượng Ukraine nằm trong kế hoạch “phi quân sự hóa” của Moskva, một trong những mục tiêu mà Nga tuyên bố khi phát động chiến dịch ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2/2022.

“Chúng tôi cho rằng có thể gây hậu quả cho tổ hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine bằng cách này”, ông nói.

Lãnh đạo Nga thêm rằng hoạt động quân sự này cũng nhằm đáp trả nỗ lực tấn công của Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Nga như nhà máy lọc dầu thời gian qua.

Nga từng sử dụng chiến thuật tập kích hạ tầng năng lượng Ukraine trong mùa đông năm 2022-2023, song các cuộc tấn công mới cho thấy Moskva đã thay đổi tính toán.

Trong mùa đông đầu tiên, Nga nhắm vào mạng lưới phân phối điện của Ukraine. Song các cuộc tấn công hiện tại nhằm phá hủy cơ sở sản xuất điện một cách tập trung và chính xác hơn.

“Họ đã đi xa hơn khi phá hủy không chỉ lưới truyền tải điện mà còn cả hoạt động sản xuất điện”, Maksym Timchenko, giám đốc điều hành DTEK, công ty năng lượng lớn nhất Ukraine, nói.

“Họ đang cố gắng cắt nguồn điện của các khu công nghiệp và thành phố lớn”, Maria Tsaturian, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Ukrenergo, công ty năng lượng quốc gia Ukraine có nhiều cơ sở thiệt hại nặng trong đợt tấn công của Nga, nói.

Trước đợt tấn công tuần này, Nga đã làm mất đi 80% công suất phát điện của DTEK, nơi cung cấp khoảng 1/5 điện năng cho Ukraine. Công ty đã chi 110 triệu USD để khắc phục thiệt hại do hơn 100 cuộc tập kích của Nga vào các cơ sở của họ trong năm đầu xung đột. Timchenko cho biết họ sẽ tốn gấp đôi số đó để khắc phục những tổn thất gần đây. Các cơ sở sản xuất và trạm biến áp bị phá hủy sẽ cần ít nhất 6 tháng để sửa chữa.

“Chúng tôi cần đặt hàng ngay để chúng được đưa vào sản xuất, vì vốn không có sẵn”, ông nói.

Công ty đang đàm phán với các đối tác phương Tây để tìm nguồn thiết bị cũ từ những nhà máy đã ngừng hoạt động tại châu Âu. Đây được xem là giải pháp nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

Volodymyr Kudrytskyi, giám đốc điều hành công ty Ukrenergo, cho biết nhập khẩu điện từ châu Âu và nhu cầu sử dụng thấp trong mùa xuân đang giúp khắc phục tình trạng thiếu điện ở Ukraine. Tuy nhiên, công suất nhập khẩu điện bị giới hạn ở 1.700 megawatt và nguồn cung không đảm bảo.

Ngoài lưới điện, Nga cũng tấn công hai cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine trong đợt tập kích tuần này, khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao và cảnh báo về mối đe dọa đối với hạ tầng của quốc gia Đông Âu.

Các cơ sở lưu trữ của Ukraine nằm ở phía tây đất nước, giáp các nước Liên minh châu Âu (EU) và thường nằm sâu khoảng 2 km dưới lòng đất. Chúng được kết nối với mạng lưới của EU, do Ukraine trong hàng thập kỷ qua đóng vai trò là tuyến trung chuyển nguồn cung khí đốt từ Nga tới liên minh.

Ukraine có khả năng lưu trữ khí đốt nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở phía tây nước Nga và quốc gia này cũng tích cực thu hút các thương nhân để giữ nguồn cung ở đó. Sau khi lượng khí đốt dự trữ giảm xuống gần bằng 0 vì Nga phát động cuộc chiến năm 2022, Ukraine đã phục hồi kho dự trữ kể từ năm ngoái, khi nhiều công ty như Shell Plc của Hà Lan và DXT Commodities của Thụy Sĩ chọn sử dụng cơ sở của quốc gia Đông Âu này làm nơi trữ khí đốt. Công ty năng lượng nhà nước Naftogaz Ukrainy cũng đang tích cực đàm phán để tiếp tục thu hút khách hàng lựa chọn lưu trữ khí đốt ở cơ sở của họ.

Dù châu Âu kết thúc mùa đông với lượng khí đốt tồn kho cao, các nhà giao dịch vẫn cảnh giác với bất kỳ biến động nào về giá và gián đoạn nguồn cung do các cuộc tấn công ở Ukraine.

Các nhà máy điện bị hư hại (màu vàng) sau đợt tập kích của Nga ngày 11/4. Đồ họa: FTAndriy

Cherniak, người phát ngôn tình báo quân sự Ukraine, cho biết Nga thường sử dụng số lượng lớn UAV tấn công vì chi phí rẻ hơn, song cũng tăng cường sử dụng tên lửa mới chế tạo. Ông ước tính Nga có đủ tên lửa cho một hoặc hai cuộc tấn công lớn nữa trong những tuần tới.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến đầu năm 2022, Ukraine đã kết nối lưới điện với các nước láng giềng như Romania, Slovakia, Hungary và Ba Lan. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa đủ giúp Ukraine vượt qua khó khăn. Andriy Gerus, người đứng đầu ủy ban quốc hội Ukraine về năng lượng, cho biết Kiev đang tăng cường tận dụng nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió.

Timchenko, giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng DTEK, cho hay các trang trại điện gió và điện mặt trời nằm rải rác ở Ukraine giúp đảm bảo nguồn cung cho nước này, khi các cuộc tấn công của Nga khó có thể khiến toàn bộ mạng lưới ngừng hoạt động cùng một lúc.

“Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng sau mùa đông này sẽ là một mùa đông khác. Và mạng lưới sản xuất năng lượng phân tán là giải pháp cho chúng tôi”, ông nói.

Chy Lê