Bộ phận báo chí của Roscosmos thông tin, ngày 2/72024, Người đứng đầu Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga Roscosmos Yury Borisov phê duyệt kế hoạch chung xây dựng Trạm Quỹ đạo Nga (ROS) đến năm 2033. Theo đó, Nga phóng module năng lượng và nghiên cứu đầu tiên của trạm vũ trụ mới vào năm 2027. Nga đã đề nghị các nước châu Phi và các quốc gia thành viên BRICS tham gia xây dựng trạm vũ trụ mới.
“Ông Yury Borisov đã phê duyệt kế hoạch chung về việc thành lập Trạm Quỹ đạo Nga. Văn bản này cũng được 19 giám đốc điều hành các doanh nghiệp của tập đoàn ký” – Roscosmos nêu rõ.
Theo Roscosmos, Nga dự kiến phóng module năng lượng và nghiên cứu đầu tiên của tiền đồn quỹ đạo này vào năm 2027.
Các module khác, cùng cổng vào và module cơ sở dự kiến được Nga phóng trước năm 2030 để hình thành trạm quỹ đạo lõi cùng với module nghiên cứu và năng lượng.
“Ở giai đoạn thứ hai, từ năm 2031 đến năm 2033, trạm sẽ mở rộng bằng cách lắp ghép 2 module chuyên dụng (TsM1 và TsM2)” – Roscosmos cho hay.
Cũng trong ngày 2/7, Roscosmos đã ký hợp đồng triển khai các hoạt động R&D nhằm tạo ra các đoạn của trạm vũ trụ cùng với tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới và tên lửa chở hàng hạng nặng Angara để phục vụ tàu vũ trụ này.
Ý tưởng thành lập Trạm Quỹ đạo Nga được đưa ra lần đầu vào tháng 4/2021. Tháng 10/2023, giám đốc Roscosmos Borisov cho biết, ước tính trạm vũ trụ này trị giá 609 tỉ rúp (6,9 tỉ USD) cho đến năm 2032, trong đó 150 tỉ rúp (khoảng 1,7 tỉ USD) dự kiến dùng cho chi tiêu trong 3 năm đầu tiên.
Theo người đứng đầu Roscosmos, dự án này mở cửa cho hợp tác quốc tế. Nga đã đề nghị các nước châu Phi và các quốc gia thành viên BRICS tham gia xây dựng trạm vũ trụ này.
Việc thành lập Trạm Quỹ đạo Nga giúp các chương trình đưa con người vào vũ trụ của Nga được tiếp tục duy trì trong bối cảnh Nga xem xét rút khỏi dự án Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), giải quyết các nhiệm vụ phát triển khoa học – kỹ thuật, kinh tế quốc gia và an ninh quốc gia không thể thực hiện được trên ISS do giới hạn về công nghệ và các thỏa thuận quốc tế.
Trạm Quỹ đạo Nga cũng giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các hệ thống không gian có người lái của Nga và triển khai các công nghệ vũ trụ tiên tiến.
Hoàng Hạnh