Ngày 06/07/2025, kênh RT DE, phiên bản tiếng Đức của đài truyền hình Nga đã đăng tải bài viết với tiêu đề đáng chú ý: “Vì nguyên tắc: Tại sao Tổng thống Putin lại trả lời cuộc gọi của Macron sau tất cả”. Bài viết không chỉ đặt câu hỏi về động cơ đằng sau hành động ngoại giao bất ngờ của Điện Kremlin, mà còn mở ra nhiều lớp phân tích về chiến lược chính trị của Nga trong bối cảnh quan hệ Nga–Pháp và Nga–phương Tây tiếp tục căng thẳng.

Sau gần ba năm im lặng, một cuộc điện đàm đáng chú ý đã diễn ra vào ngày 1/7 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cuộc trao đổi kéo dài hai giờ qua điện thoại, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Paris căng thẳng sâu sắc kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đáng chú ý, cuộc trò chuyện này được khởi xướng từ phía Pháp.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, việc Tổng thống Putin đồng ý tiếp nhận cuộc gọi từ người đồng cấp Pháp không phải là hành động ngẫu nhiên, mà là một quyết định có tính toán, phản ánh lập trường chính trị rõ ràng của Moscow. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pavel Zarubin trên kênh Rossiya 1, ông Lavrov nhấn mạnh: “Câu trả lời nằm ở các nguyên tắc mà Tổng thống Liên bang Nga tuân theo. Một người thực sự lịch thiệp và có tầm nhìn chiến lược sẽ không bao giờ khuất phục trước những cơn bốc đồng mang màu sắc ý thức hệ, cũng như không từ chối đối thoại.”
Bộ trưởng Lavrov cũng cho biết, Điện Kremlin đã công bố minh bạch nội dung cuộc điện đàm, trong khi các chi tiết còn lại tuân thủ thông lệ ngoại giao quốc tế.
Theo tuyên bố chính thức từ Điện Kremlin, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Emmanuel Macron đã đề cập đến một loạt chủ đề nhạy cảm đang chi phối tình hình địa chính trị toàn cầu. Trọng tâm bao gồm: xung đột tại Ukraine, căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel, các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran, và tình trạng bất ổn chung của cấu trúc an ninh quốc tế.
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại kéo dài hai giờ, Tổng thống Putin đã tận dụng cơ hội để trình bày quan điểm của Moscow về nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông cho rằng cuộc xung đột hiện nay là hệ quả trực tiếp của các chính sách phương Tây, những chính sách lâu nay, theo phía Nga, đã phớt lờ lợi ích an ninh chiến lược của nước này, dung túng các lực lượng chống Nga tại Kyiv và xem nhẹ quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng cần toàn diện, lâu dài, phù hợp với thực tế hiện tại và giải quyết các nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thêm, phía Pháp không bày tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẵn sàng thảo luận trên cơ sở “thực tế lãnh thổ mới”, ám chỉ các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát sau chiến sự. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc trao đổi vẫn là “một cơ hội quý giá” để Moscow trực tiếp truyền tải lập trường chiến lược của mình tới Paris.
Về phía Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron mô tả cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin là “rất quan trọng”. Theo thông báo từ Điện Élysée, sáng kiến liên lạc xuất phát chủ yếu từ mối lo ngại trước tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến Iran và nguy cơ suy yếu của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong cuộc đối thoại, phía Nga đã phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận sâu rộng. Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng việc duy trì đối thoại với Moscow là điều cần thiết, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Tín hiệu từ Paris đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị Nga. Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia, gọi cuộc gọi là “một dấu hiệu cho thấy ngoại giao châu Âu đang dần tỉnh giấc sau cơn hôn mê kéo dài”. Ông đồng thời khẳng định, không phải Moscow là bên chấm dứt liên lạc, mà chính các “diều hâu châu Âu” tại Brussels và nhiều thủ đô phương Tây đã lựa chọn cắt đứt kênh đối thoại với Nga trong suốt thời gian qua.
Nhà báo người Síp Alex Christoforou nhận định rằng động thái của Tổng thống Emmanuel Macron dường như không hoàn toàn mang tính ngẫu hứng. Theo ông, đây có thể là một bước đi có tính toán chính trị, trong đó Macron đang tìm cách khẳng định vai trò của mình như một nhà trung gian độc lập trong Liên minh châu Âu, vượt lên trước các nguyên thủ quốc gia khác của khối, vốn vẫn duy trì lập trường đối đầu với Nga.
Liệu cuộc điện đàm này có đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn ngoại giao mới giữa Nga và phương Tây hay chỉ là một sự kiện ngoại lệ mang tính biểu tượng, hiện vẫn chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Moscow đang phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại với điều kiện rõ ràng: các cuộc đàm phán phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với những nguyên tắc mà Nga đặt ra.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Macron, dù chưa tạo ra bước ngoặt rõ rệt trong quan hệ Nga–Pháp hay định hình lại cục diện ngoại giao châu Âu vẫn là một dấu mốc không thể bỏ qua. Nó phản ánh nhu cầu đối thoại trong bối cảnh thế giới bị phân cực bởi xung đột, khủng hoảng và sự xói mòn của trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh. Nga đang phát tín hiệu sẵn sàng trở lại bàn đàm phán, nhưng với điều kiện rõ ràng về sự tôn trọng lẫn nhau và công nhận thực tế địa chính trị mới. Về phần mình, Macron dường như đang thử sức với vai trò trung gian, một canh bạc chính trị không dễ đoán định trong nội bộ EU. Từ đây, câu hỏi lớn đặt ra không chỉ là: ai đang sẵn sàng đối thoại, mà là: ai sẵn sàng lắng nghe?
Hồ Ngọc Thắng/Nguồn: https://dert.site/europa/249965-aus-prinzip-warum-putin-macrons-anruf-doch-entgegennahm/