Thứ Tư, Tháng 7 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga tăng cường không kích, Ukraine thiếu vũ khí đối trọng



ĐNA -

Trang tin Topwar (Nga) ngày 12/6/2025 đưa tin, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào thủ đô Kiev bằng một loại vũ khí chưa từng xuất hiện trước đó. Theo nguồn tin, đây là máy bay không người lái cảm tử (drone kamikaze) được trang bị động cơ phản lực, lần đầu tiên được Nga đưa vào sử dụng trong chiến sự tại Ukraine.

Nga dùng vũ khí “lần đầu tiên xuất hiện” để tấn công Kiev. Ảnh: Daily Express.

Theo truyền thông Ukraine, hình ảnh các mảnh vỡ của thiết bị đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Qua kiểm tra ban đầu, giới chức Ukraine nhận định thiết kế của mẫu UAV này khác biệt rõ rệt so với Shahed-238 – dòng UAV do Iran sản xuất mà Nga từng sử dụng. Tuy nhiên, phần mũi lại có một số chi tiết tương đồng với dòng Shahed tiêu chuẩn, dù đã được gia cố. Do thân máy bay bị phá hủy nghiêm trọng, việc xác định chính xác chủng loại hiện vẫn chưa thể thực hiện.

Một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Nga đã tự điều chỉnh thiết kế, tích hợp động cơ phản lực và nội địa hóa mẫu UAV Shahed-238, tương tự như quá trình phát triển dòng UAV Geran trước đó.

Cùng ngày, tại cuộc họp về dự thảo chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2027–2036, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang thành lập lực lượng UAV như một binh chủng độc lập trong quân đội. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai nhanh chóng và hiệu quả lực lượng này, trong bối cảnh UAV ngày càng đóng vai trò quan trọng trên chiến trường, đặc biệt trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO), nơi các đơn vị vận hành UAV được cho là đã gây thiệt hại cho khoảng một nửa số phương tiện và cơ sở quân sự của Ukraine.

Theo ông Putin, UAV hiện được sử dụng rộng rãi trong trinh sát, phản pháo, tác chiến điện tử, rải mìn và gỡ mìn. Nga đã tích lũy đủ kinh nghiệm về nhân lực, sản xuất và triển khai các thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực chiến đấu. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng hệ thống phòng không tích hợp, có khả năng đồng thời đối phó với tên lửa, đạn phản lực và UAV, khi loại khí tài này ngày càng trở thành yếu tố chủ chốt trong chiến tranh hiện đại.

Nghi vấn đánh trúng boong-ke của Tổng thống Zelensky
Dù Topwar (Nga) không nêu rõ thời điểm diễn ra cuộc tấn công bằng UAV mới, tờ Mail (Nga) cho rằng sự kiện này có thể trùng khớp với vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào đêm 10/6 tại quận Shevchenkivskyi, trung tâm Kiev — nơi được cho là có một boong-ke đang được Văn phòng Tổng thống Ukraine sử dụng.

Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên các diễn đàn phân tích quân sự quốc tế, trong đó có kênh Arkhangel Spetsnaza, vốn theo dõi sát chiến sự Ukraine. Theo kênh này, đợt tấn công đêm 10/6 bao gồm ít nhất 4 tên lửa đạn đạo Iskander-M, 2 tên lửa hành trình Iskander-K và hơn 10 UAV Geran-2. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm cơ sở hạ tầng quân sự, kho hậu cần, kho nhiên liệu tại các quận Darnytskyi, Podil, Petrovka và Boryspil.

Đáng chú ý, một cựu binh Wagner có biệt danh “Condottiero” tiết lộ rằng Kiev hiện chỉ còn khoảng 5–7 boong-ke loại này, hầu hết đã bị Nga xác định là mục tiêu ưu tiên. Ông cũng nhắc đến một hầm trú ẩn xây từ thời Liên Xô, nằm sâu dưới lòng sông Dnipro, có thể được sử dụng nếu các boong-ke trên mặt đất bị phá hủy.

Ukraine nhận thêm tin xấu
Khi Nga đẩy mạnh sử dụng UAV chiến đấu và tăng cường tấn công các khu vực trọng yếu, Ukraine vẫn tiếp tục tìm kiếm viện trợ vũ khí từ phương Tây nhằm mở rộng khả năng phản công. Một trong những kỳ vọng lớn nhất của Kiev hiện nay là tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất, được coi là vũ khí chiến lược để tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, hy vọng này tiếp tục vấp phải trở ngại.

Theo tờ RG (Nga), trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky nhưng khẳng định Berlin “không xem xét” việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. “Các bạn hỏi tôi rằng liệu chúng tôi có đang xem xét việc đó không? Tôi trả lời: Không”, ông Pistorius nói tại buổi họp báo.

Về phía Ukraine, ông Zelensky cho biết hai bên đã thảo luận về kế hoạch triển khai hệ thống phòng không IRIS-T của Đức trong vòng ba năm tới.

Dù là một trong những nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, Đức vẫn giữ lập trường kiên định trong việc không chuyển giao Taurus. Giới phân tích nhận định có nhiều lý do đứng sau quyết định này: không quân Đức hiện chỉ còn khoảng 600 quả, trong đó chỉ 150–300 có thể sử dụng ngay; dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động và việc khởi động lại sẽ rất tốn kém.

Quan trọng hơn, việc chuyển giao loại vũ khí này sẽ kéo theo yêu cầu cử chuyên gia kỹ thuật hoặc quân nhân Đức tới hỗ trợ vận hành, điều có thể khiến Berlin bị xem là bên tham chiến. Trước đây, lãnh đạo CDU Friedrich Merz từng cam kết chuyển giao Taurus nếu đắc cử Thủ tướng, nhưng sau đó cũng khẳng định Đức sẽ chỉ hỗ trợ phát triển năng lực tên lửa nội địa cho Ukraine.

Một số chuyên gia từng đề xuất phương án bàn giao tên lửa dưới dạng tháo rời nhằm tránh rủi ro chính trị, nhưng phương án này vẫn đòi hỏi sự hiện diện trực tiếp của nhân lực Đức tại thực địa – tiếp tục làm dấy lên tranh cãi về mức độ can dự của Berlin trong cuộc chiến.

Việc Đức tiếp tục từ chối chuyển giao tên lửa Taurus đánh dấu thêm một thất vọng nữa đối với Kiev trong nỗ lực mở rộng khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Nga ngày càng gia tăng sức ép bằng các loại vũ khí tấn công mới và chiến dịch không kích quy mô lớn. Tình thế hiện tại cho thấy cán cân hỗ trợ quân sự từ phương Tây đang gặp giới hạn, buộc Ukraine phải tìm kiếm các phương án thay thế, từ tự phát triển năng lực tên lửa đến vận động chính trị trong nội khối châu Âu. Cuộc chiến không chỉ tiếp diễn trên chiến trường, mà còn kéo dài trên mặt trận ngoại giao và công nghệ quốc phòng.

Minh Anh