Sarmat, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Nga, có thể bay qua Bắc Cực, Nam Cực và nhiều quỹ đạo khác. Trong nhiều thập kỷ tới, không có bất cứ hệ thống phòng không nào đánh chặn được siêu tên lửa này. Đây là tuyên bố của đại tướng Nga Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược.
“Do tỉ lệ công suất trên trọng lượng của tên lửa mới, quỹ đạo bay của Sarmat có khả năng thay đổi. Tên lửa hạt nhân Nga thường bay qua Bắc Cực, nếu cần, có thể chuyển quỹ đạo sang Nam Cực. Tên lửa cũng có khả năng bay theo những quỹ đạo khác, bao gồm khả năng bay ra rìa không gian”, ông Karakaev nói với kênh truyền hình quốc phòng Nga Zvezda TV.Theo ông Karakaev, trong vài thập kỷ tới, sẽ khó có thể tạo ra hệ thống vũ khí đánh chặn được Sarmat.
“Bây giờ, không có bất kì hệ thống phòng không nào đánh chặn được tên lửa Sarmat và có thể sẽ không tồn tại một hệ thống như vậy trong nhiều thập kỷ tới”, ông Karakaev dự đoán.
Một trong những lý do khiến Sarmat rất khó bị đánh chặn là vì sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng có khả năng tăng tốc nhanh như tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Nga sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa Sarmat sử dụng đầu đạn giả trong suốt năm nay. Quân đội Nga sẽ tiếp nhận các tên lửa hạt nhân Sarmat đầu tiên vào mùa thu năm 2022, Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos, nói.
Giới chức quân đội Nga cho biết, tên lửa Sarmat sẽ có niên hạn sử dụng 50 năm, cao hơn đáng kể so với các tên lửa khác nhờ đặc tính kỹ thuật và độ tin cậy cao.
Tên lửa Sarmat nặng 200 tấn, có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân hoặc một số lượng không xác định các phương tiện bay siêu thanh Avangard.
Roscosmos dự kiến sản xuất 46 tên lửa Sarmat phục vụ nhu cầu của quân đội Nga.
PV (Theo Sputnik)