Ngày 1/9/2024, theo Die Welt đưa tin cho hay, sau Na Uy, Nga đã vượt qua Mỹ để một lần nữa trở lại ngôi vị nhà xuất khẩu năng lượng lớn hàng đầu của châu Âu.
Brussels tuyên bố việc loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là một trong những ưu tiên chính sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ chiếm phần lớn thị trường, đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp EU.
Trong quý 2 năm 2024, khí đốt của Nga chiếm khoảng 17% tổng lượng nhập khẩu của EU, chỉ đứng trước nguồn cung từ Mỹ, Die Welt lưu ý.
Tờ báo trích dẫn từ tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels cho thấy, khách hàng châu Âu đã nhận được 12,27 tỷ mét khối LNG của Mỹ trong khoảng thời gian đó, trong khi Nga đã giao 12,73 tỷ mét khối cho khối này.
Nguồn cung cấp của Nga bao gồm cả LNG và khí đốt đường ống, chảy vào EU qua Belarus và Ukraine và qua đường ống dẫn khí đốt ngầm TurkStream.
Kiev, nơi nhận được phí quá cảnh cho nhiên liệu được giao qua lãnh thổ của mình, đã đe dọa sẽ đình chỉ hoạt động sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, Ukraine đã chỉ ra rằng họ sẽ mở cửa cho các quốc gia thứ ba, chẳng hạn như Azerbaijan, đẩy mạnh việc sử dụng cơ sở hạ tầng do Liên Xô xây dựng.
Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga, đã mô tả động thái nhập khẩu khí đốt như một minh chứng cho sự thất bại của chính sách trừng phạt của EU.
“Mặc dù đúng là các chỉ số thấp hơn đáng kể so với trước năm 2022, nhưng thực tế đã tự nói lên điều đó. Chỉ riêng Hy Lạp đã tăng gấp bốn lần lượng khí đốt mua từ Nga trong năm 2023” – ông Birichevsky nói với RIA Novosti.
Ông Birichevsky nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh kinh tế thực tế đang diễn ra với chúng ta, kế hoạch chuyển hướng thương mại nước ngoài sang các quốc gia ở Nam và Đông Bán cầu vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” .
Trong khi đó, Mỹ đã tìm cách thay thế Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu kể từ trước cuộc xung đột ở Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã từng gọi LNG của Mỹ là “các phân tử tự do” khi gây sức ép buộc các quốc gia EU lựa chọn LNG thay vì khí đốt của Nga.
Hoàng Hạnh