Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga tưởng nhớ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại



ĐNA -

Sáng 2/5/2024, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội, đại sứ Nga, Belarus, Kazakhstan, Azerbaijan tại Việt Nam đã tổ chức họp báo nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết, người dân Nga không chỉ tưởng nhớ đến các binh sĩ Liên Xô, mà còn nhớ đến các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam nhân Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm.

Đại sứ các nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và Nga tại Việt Nam (từ trái sang) trong buổi họp báo sáng 2/5/2024 tại Hà Nội

Cách đây 79 năm, vào ngày 9/5/1945, Đức Quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và quân Đồng minh, đánh dấu Thế chiến 2 kết thúc tại châu Âu. Kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 hằng năm là dịp để thế giới nhìn lại cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử, cũng như tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất.

Phát biểu tại họp báo, Đại sứ Bezdetko nhấn mạnh, cách đây 79 năm, ngày 9/5/1945, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại sự kháng cự quyết liệt của những phần tử quân đội Đức còn sót lại, đánh dấu sự sụp đổ chủ nghĩa phát xít. Các chiến sĩ và sĩ quan Liên Xô, những người từ tất cả các nước của Liên Xô (cũ), từ Azerbaijan, Armenia, Belarus, Gruzia, Kazakhstan, Latvia, Litva, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Ukraina và Estonia, đã giải phóng hàng chục quốc gia châu Âu khỏi ách đô hộ của phát xít, đã cứu hàng triệu người từ các trại tập trung. Chính vì lý do này mà những tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Liên Xô đã hy sinh trong các cuộc chiến chống phát xít đã được dựng trên khắp lãnh thổ Á-Âu rộng lớn từ Vladivostok đến CHDC Đức.

Những người con ưu tú của nước Việt trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Ôn lại lịch sử, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhớ và lưu giữ trong ký ức về những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô và những người lính tình nguyện Việt Nam đã sát cánh chiến đấu cùng với Hồng quân Liên Xô trong trận chiến ở ngoại ô Moscow”. Theo hồi ký của Chính ủy OMSBON Ivan Vinarov, trong Lữ đoàn này, có 6 chiến sĩ Việt Nam khi ấy đang ở Moskva, cũng tình nguyện gia nhập Hồng quân. Ngày 7/11/1941, các chiến sĩ Việt Nam cùng các đồng đội của mình đã có mặt tại Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh lịch sử của quân đội Xô Viết nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười. Ngay sau cuộc duyệt binh, các quân nhân vừa đều bước trên Quảng trường Đỏ lập tức trở về vị trí chiến đấu. Và chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công, đánh bật quân Đức Quốc xã khỏi cửa ngõ Moskva.

Ông Aleksandr Kazitsky – Chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh OMSBON trong những năm 80 nhớ lại, ông đã nhiều lần gặp gỡ những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay trên chiến hào nơi tiền tuyến. Ông đã nhìn thấy họ bắn rất trúng đích vào quân thù. Ông tin chắc rằng, đó là những con người dũng cảm. Những chiến sĩ người Việt nói tiếng Nga rất thạo và thích hát những bài ca Nga. Ông Aleksandr Kazitsky nhớ rằng, các chiến sĩ tình nguyện này đã cùng với các đồng đội Nga chia sẻ mọi khó khăn gian khổ ngoài mặt trận. Đầu năm 1942, bốn người trong số các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh một cách anh dũng.

Việc các chiến sĩ Việt Nam tới Nga, rồi tham gia Hồng quân là xuất phát từ sáng kiến của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Ngày 10/7/1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đến Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản bản báo cáo tổng kết về công tác cá nhân ở Trung Quốc, trong đó ghi rằng đã tập hợp được ở Quảng Đông một nhóm thiếu niên Việt Nam ưu tú. 12 ngày sau, Người đề nghị Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản giúp đỡ gửi mấy thiếu niên Việt từ Quảng Đông sang Moskva, “để các em được đón nhận ở đó nền học vấn tuyệt hảo”.

Ngày hôm sau, 23/7/1926, Người viết một bức thư khác cũng theo ý này nhưng chi tiết hơn để gửi tới lãnh đạo tổ chức thiếu nhi Liên Xô. Trong thư có đoạn: “Chỗ chúng tôi có nhóm thiếu niên Việt Nam, tuổi từ 12 đến 17. Các em đều còn nhỏ, nhưng đã chịu nhiều thử thách. Ở Việt Nam, các em không được học tập. Để bí mật tới được Trung Quốc, các em đã phải xa cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh của các em đã bị tù đày vì dám cho con đi ra nước ngoài. Khi được nghe kể về nước Nga, các em đều thấy mình may mắn và thỉnh cầu gửi các em đến đất nước của các đồng chí để được sống và học tập với các đồng chí. Chúng tôi hy vọng rằng, các đồng chí sẽ không từ chối nhận một số trẻ em Việt Nam sang học ở Nga”.

Theo nhà Việt Nam học người Nga A.A.Sokolov, vào nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có hai người Nga đã khởi xướng việc tìm kiếm các chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva. Đó là nhà báo, nhà sử học E.V.Kobelev và nhà báo N.N.Solnsev (khi đó là lãnh đạo Ban tiếng Việt Đài Tiếng nói Moskva – Radio Moscow, cơ quan tiền thân của Đài tiếng nói nước Nga).

Nhờ sự nỗ lực của Ban biên tập tiếng Việt Đài phát thanh nước Nga thông qua cuộc thi “Tìm kiếm quốc tế” tổ chức trên Đài, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội hữu nghị Việt-Xô, Xô-Việt mà dần dần, danh tính của 4 trong 6 chiến sĩ Hồng quân người Việt đã sáng tỏ. Đó là các chiến sĩ Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất. Trong số họ, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hi sinh trong trận chiến với phát xít Đức ở cửa ngõ thủ đô Moskva vào tháng 12/1941.

Ngoài ra, nhóm tìm kiếm cũng đã xác định được danh tính ông Lý Phú San, người không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moskva ngay trong những ngày thủ đô Liên Xô bị quân Đức bao vây.

Ngày 12/12/1986, theo Sắc lệnh của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Huân chương này ghi nhận “lòng dũng cảm thể hiện trong các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Đức phát xít để bảo vệ Moskva” của các chiến sĩ. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.

Chiến sĩ Vương Thúc Tình, còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả thuyết rằng, cũng giống như hàng loạt những nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Moskva, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao phó là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, hồi cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.

Lý Anh Tạo là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho chiến sĩ Hoàng Anh Tô. Ông sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông, ông Hoàng Hinh, mất sớm. Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, Lý Anh Tạo được làm quen với công tác Cách mạng.

Người thứ ba là ông Nguyễn Sinh Thân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Nam Thanh, sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha của ông là ông Nguyễn Sinh Ly, đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha của ông tên là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở nước Nga xa xôi vì lá thư được gửi đi từ đó.

Nhờ vào các thông tin phản hồi nhận được từ nhiều phía, đến tháng 12-2014, nhà báo Aleksey Syunnerberg (Đài tiếng nói nước Nga) đã chính thức công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại, đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông.

Lữ đoàn OMSBON.

Sáng nay (2/5), chúng tôi đã đặt vòng hoa tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tượng đài các anh hùng liệt sĩ. Ngày mai 3/5 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch ‘Binh đoàn bất tử’ hằng năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tưởng niệm những người thân của chúng tôi đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”. Cũng theo ông Bezdetko, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến mối liên hệ chặt chẽ giữa những chiến thắng của Hồng quân Liên Xô chống lại Phát xít Đức và Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.

“Nhờ vào sự anh dũng của nhân dân Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ vật chất và kỹ thuật quy mô lớn từ Liên Xô và các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã giành được những chiến thắng lịch sử trên chiến trường và sau đó là trên mặt trận ngoại giao, trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Hòa bình Geneve năm 1954 và Hội nghị Hòa bình Paris năm 1973”, ông nhấn mạnh.

Đại sứ Betdezko cho biết giống như Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ hàng thế kỷ, trở thành tấm gương cho các dân tộc khác ở châu Á và châu Phi trong cuộc đấu tranh chống giặc xâm lược.

Đại sứ Nga nêu bật tầm quan trọng của việc tưởng nhớ những sự kiện lịch sử ở cả Nga và Việt Nam, để bảo đảm rằng những hy sinh lớn lao để giành được tự do không phải là vô ích.

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, 7 chiến sĩ Việt Nam đã tình nguyện tham gia các đơn vị Hồng quân và tham gia trong cuộc chiến bảo vệ Matxcơva năm 1941. Đó là các ông: Lý Phú San (tên thật là Lê Phan Chăn), Lý Văn Minh (tên thật là Đinh Trường Long), Lý Thúc Chất (tên thật là Vương Thúc Thoại), Vương Thúc Tình (tên thật là Vương Thúc Liên), Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Thế Tư), Lý Nam Thanh (tên thật là Nguyễn Sinh Thân) và Lý Chí Thông (tên thật là Ngô Chí Thông).

Trong số này, các ông Lê Phan Chăn, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liên, Hoàng Thế Tư, và Nguyễn Sinh Thân đã được Nhà nước Xô viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô ngày 12/12/1986. Vào năm 2020, 7 chiến sĩ Việt Nam đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” tại Matxcơva.

Quan hệ Việt – Nga sẽ tiếp tục phát triển, tịnh tiến trên nhiều lĩnh vực
Đề cập tới mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ và hợp tác nhiều mặt giữa Nga và Việt Nam, Đại sứ Bezdetko cho biết: Trong 74 năm qua, hai nước, hai dân tộc đã nhiều lần kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng của mình. Hai nước đã hợp tác hiệu quả về mọi mặt.

“Năm nay đánh dấu 45 năm khởi công xây dựng và 30 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động thủy điện Hòa Bình. Đó là công trình lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó. Tháng 3/2024, hai nước kỷ niệm 40 năm Ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và cũng 40 năm dưới sự giúp đỡ của các kỹ sư hàng đầu của Nhà nước Liên Xô, Trị An là công trình được khởi công đúng vào ngày độc lập của dân tộc Việt Nam 30/4/1984. Còn liên doanh Vietsovpetro (bây giờ là VietNgapetro) đã đặt nền móng cho ngành dầu khí Việt Nam bây giờ. Đây là một phần nhỏ trong di sản to lớn của tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Liên Xô và Việt Nam. Một tài sản vô giá nữa, theo Đại sứ Bezdetko, là hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp ở các trường đại học của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Họ là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ, công nghiệp khoa học và nhân văn, đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước, nâng niu gìn giữ những ký ức lịch sử và truyền lại cho thế hệ trẻ”, Đại sứ Bezdetko dẫn chứng. Đại sứ Bezdetko tin tưởng, vượt qua mọi khó khăn, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát triển, tịnh tiến trên nhiều lĩnh vực.

Thế Cương – Lê Huy/tổng hợp