Theo Hãng tin Bloomberg, Nga và Iran đang xây dựng một hành lang thương mại xuyên lục địa mới dài 3.000 km từ Đông Âu đến Ấn Độ Dương, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào. Ở cuối phía Bắc của tuyến đường thương mại này là Bán đảo Crimea nằm trên Biển Azov, được kết nối với cửa sông Don. tạo ra hành lang “miễn nhiễm” cấm vận
Tại một diễn đàn kinh tế được tổ chức vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng tàu biển, đường sắt và đường bộ dọc theo tuyến đường mới. Theo nhà lãnh đạo, điều đó sẽ mang đến cho các công ty Nga những cơ hội mới để thâm nhập thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ứng ngược lại từ các quốc gia này.
Hành lang thương mại xuyên lục địa mới dài 3.000 km từ Đông Âu đến Ấn Độ Dương
Hành lang thương mại này được định giá lên đến 25 tỷ USD, Nga và Iran đang đẩy mạnh xây dựng hành lang thương mại này nhằm tăng tốc vận chuyển hàng hóa dọc theo các tuyến sông và đường sắt kết nối với Biển Caspian.
Ở cuối phía Bắc của tuyến đường thương mại này là Bán đảo Crimea nằm trên Biển Azov, được kết nối với cửa sông Don. Các tuyến giao thông đường sông, đường biển và đường sắt từ nơi đây sẽ dẫn đến các cảng của Iran ở Biển Caspian. Hành lang này sẽ chạy qua lãnh thổ Iran và kết thúc ở Ấn Độ Dương.
Tuyến đường thương mại mới sẽ tạo cơ hội cho Nga và Iran tăng tốc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông và đường sắt, cũng như giúp cắt giảm hàng nghìn km đi lại. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng hành lang này sẽ nằm ngoài phạm vi can thiệp của phương Tây, trong khi tạo điều kiện các nước đối tác có thể thiết lập chuỗi cung ứng chống lại các biện pháp trừng phạt.
Tuyến đường hàng tỷ USD được khởi công nhằm mục đích tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa dọc theo đường sông và tuyến đường sắt nối với biển Caspian. Theo dữ liệu theo dõi của Bloomberg, hàng chục tàu của Nga và Iran, gồm cả một số tàu đang chịu lệnh trừng phạt đã sử dụng tuyến đường này thường xuyên.
Tuyến đường là một ví dụ cho thấy sự “phản đòn” của Nga và Iran – hai quốc gia đang bị lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Vì vậy, cả hai nước đều đang hướng về các quốc gia phương Đông. Mục tiêu là xây dựng “liên kết” thương mại mới với các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á cũng như tránh khỏi sự can thiệp của phương Tây.
Các nhà quan sát tin rằng đây là ví dụ cho thấy sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nhanh chóng định hình lại mạng lưới thương mại trong nền kinh tế thế giới – vốn chia tách thành các khối đối đầu – như thế nào. Moskva và Tehran, dưới sức ép to lớn từ các biện pháp trừng phạt, đang hướng về nhau và cùng hướng đến phía Đông. Mục tiêu hàng đầu của hai chính phủ là bảo vệ các liên kết thương mại khỏi sự can thiệp của phương Tây, đồng thời xây dựng những liên kết mới với các nền kinh tế khổng lồ và đang phát triển nhanh của châu Á.
Chuyên gia về Vùng Vịnh Nikolay Kozhano tại Đại học Qatar, người từng là nhà ngoại giao của Nga tại Tehran từ năm 2006 – 2009, cho biết: “Với việc mạng lưới giao thông của châu Âu bị đóng cửa, hai bên tập trung vào phát triển các hành lang thương mại thay thế để hỗ trợ Nga chuyển hướng sang phương Đông. Bạn có thể áp đặt biện pháp kiểm soát đối với các tuyến đường biển, nhưng các tuyến đường bộ lại rất khó theo dõi”.
Dự án này chắc chắn đối mặt với rất nhiều trở ngại nên cả Nga và Iran đều đang chi mạnh tay để khắc phục chúng. Điển hình, Nga đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để cải thiện khả năng giao thông qua Azov, vào sông Don và qua kênh đào nối với sông Volga.
Theo dữ liệu của Bloomberg, mỗi ngày có hàng trăm con tàu đi qua tuyến đường nối biển Đen và biển Caspian, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh những điểm hẹp nhất. Kênh đào nhân tạo Don – Volga dài 101 km cũng thường bị ảnh hưởng bởi các tảng băng vào mùa đông.
Phía Điện Kremlin cũng đang hoàn tất bộ quy tắc cho phép các tàu từ Iran có quyền đi qua các tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và sông Don. Độ sâu của một số đoạn kênh đã hạn chế kích thước tàu vận chuyển xuống còn khoảng 3.000 tấn. Do vậy, việc hiện đại hóa kênh đào này có thể cho phép những con tàu có kích thước lớn gấp đôi đi qua dễ dàng.
Tập đoàn tàu biển IRISL có trụ sở tại Tehran đã đầu tư 10 triệu USD vào bến cảng Solyanka nằm dọc sông Volga. Mục tiêu của họ là nhằm tăng gấp đôi công suất hàng hóa tại bến cảng này lên 85.000 tấn mỗi tháng.
Năm 2022, Nga và Iran đã phát triển mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt hơn 4 tỷ USD. Nhưng từ tháng 1 đến tháng 10/2022, khối lượng thương mại vượt quá con số kỷ lục của cả năm 2021. Hai nước này chủ yếu giao dịch các sản phẩm nông nghiệp, nhưng gần đây các bên đã ký kết thỏa thuận cung cấp sản phẩm máy móc cũng như phụ tùng và thiết bị chế tạo máy bay dân dụng.
Các nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại về tuyến hàng lang mới của Moskva và Tehran.
Bloomberg dẫn lời điều phối viên chính sách trừng phạt của Mỹ James O’Brien cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao vấn đề này và nói chung là mối liên hệ giữa Iran và Nga. Chúng tôi lo ngại về bất kỳ nỗ lực nào giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt”.
Ngoài ra, kế hoạch xây tuyến hàng lang mới của Nga – Iran cũng khiến Mỹ và các đồng minh phải nâng cao cảnh giác, trong bối cảnh họ muốn ngăn chặn kịch bản Iran gửi máy bay không người và khí tài cho Nga để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đặc phái viên Iran Robert Malley của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định bất kỳ hành lang thương mại mới nào cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo ngăn chặn các nước vận chuyển vũ khí trái phép.
The Cuong