Thứ sáu, Tháng mười 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga và Iran ký thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ theo xu hướng của BRICS

ĐNA -

Theo hãng thông tấn Iran IRNA, ngày 6/7/2024, ông Mohammad Reza Farzin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran thông báo,  Iran và Nga đã tiến hành ký thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ để đảm bảo khả năng thanh toán cho những giao dịch thương mại của hai đồng ruble và rial.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran công bố tiến độ kết nối hệ thống thanh toán của Iran và Nga. Ảnh: IRNA

Ông Mohammad Reza Farzin cho biết: “Hai bên đã hoàn tất những yêu cầu để kết nối hệ thống thanh toán Mir của Nga với Shetab của Iran. Dự án này đã bước vào giai đoạn vận hành”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran cho biết thêm, giai đoạn hai của thỏa thuận này có liên quan đến khả năng thanh toán bằng thẻ của công dân Nga tại Iran. Tiếp theo, khi đến giai đoạn 3, người dân Iran có thể sử dụng thẻ của Shetab ở những cửa hàng tại Nga, thông qua hệ thống thanh toán ngân hàng thông thường.

Nga và Iran đã đạt được thỏa thuận này sau cuộc gặp song phương giữa người đứng đầu Ngân hàng Trung ương của hai nước. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, với giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ ngày 22/8/2024, thẻ ngân hàng thuộc hệ thống Shetab của Iran có thể được sử dụng làm thẻ Amber trên tất cả các máy ATM trên khắp nước Nga. Công dân Iran có thể rút đồng ruble từ các máy ATM bằng thẻ ngân hàng của Iran.

Vào tháng 4/2024, Bộ Ngoại giao Iran thông báo rằng, dự án sử dụng thẻ Mir đã bước vào giai đoạn triển khai. Trước đó, tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao nước này lưu ý rằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết sẽ giúp nước này kết nối với hệ thống thanh toán chỉ trong vài tháng.

Nga và Iran đã tăng cường quan hệ kinh tế trong những năm gần đây, nhất là khi cả hai nước đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thương mại song phương của Nga và Iran đạt giá trị 4 tỷ USD vào cuối năm 2023. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa của Iran vào Nga tăng 15,8% lên 1,29 tỷ USD vào năm 2023.

Nga và Iran hiện đang hợp tác phát triển dầu khí. Ngoài ra, Nga cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Iran trong năm 2022, nhất là trong những dự án dầu khí.

Các thành viên của BRICS đang nỗ lực hình thành một đồng tiền chung nhằm thay thế đồng USD. Ảnh: Bloomberg

Nỗ lực phi USD hóa của BRICS
Theo Eurasia Business News, ngày 7/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, các nước BRICS đang nỗ lực để tạo ra hệ thống thanh toán của mình và không phụ thuộc vào hệ thống phương Tây. BRICS hiện đóng góp 24% GDP toàn cầu và 16% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của thế giới.

Iran gia nhập BRICS  vào tháng 1/2024. Hiện nay, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm có 10 thành viên: Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trên thực tế, BRICS không chỉ mở rộng về quy mô số thành viên mà còn đang dẫn đầu chương trình nghị sự về phi USD hóa trên toàn cầu. Theo đó, BRICS tiến hành thuyết phục những quốc gia đang phát triển về việc loại bỏ đồng USD cũng như giao dịch bằng đồng nội tệ nhằm củng cố nền kinh tế bản địa.

Hiện nay, các quốc gia thành viên cũng đang xem xét về việc hình thành một đồng tiền chung BRICS nhằm thay thế đồng USD.

Thông tin này cũng được Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết. Theo RT, phát biểu bên lề Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 12 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 7/7, Đại sứ Nga cho biết, các quốc gia thuộc khối kinh tế BRICS đang nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính độc lập vói sự thống trị của những bên thứ ba.

Trên thực tế, khối lượng giao dịch của Nga bằng tiền tệ quốc gia với những nước thành viên của BRICS không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Đại sứ Igor Morgulov nhấn mạnh rằng, kim ngạch thương mại Nga – Trung Quốc đã đạt 240 tỷ USD. Trong đó có 92% những giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng ruble và đồng NDT.

Đại sứ nhận định rằng, việc tạo ra đồng tiền chung BRICS là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên không nên mong đợi những thay đổi ở trong tương lai gần.

Trước đó, ông Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, nước này đã mời những thành viên của BRICS và những đối tác của BRICS tiến hành thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng thanh toán BRICS Bridge. Hiện nay, dự án này đang ở giai đoạn phát triển sâu.

Nước Nga cho rằng, với BRICS Bridge sẽ giúp giải quyết được sự phân mảnh của hệ thống thanh toán hiện tại ở bên ngoài cơ sở hạ tầng không thân thiện của phương Tây. Hơn nữa, nền tảng thành toán chung này sẽ giúp đảm bảo được mức độ bình đẳng phù hợp, góp phần phát triển quan hệ thương mại giữa các nước thành viên BRICS và các quốc gia thân thiện.

T.Y.B