Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngân hàng NNVN: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%

ĐNA -

Ngày 26/8/2022, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình.

Hình ảnh tại Hội nghị

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức tín dụng. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo nghị định.

Qua 3 tháng, các ngân hàng thương mại rất tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ. Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả thực hiện chưa cao. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị này, đại diện nhiều ngân hàng hàng giãi bày khó khăn, vướng mắc khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 01/01/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (31/7/2022 là 837 triệu đồng).

Theo ông Vượng, đối tượng hỗ trợ lãi suất đã được Nghị định 31/2022/NĐ-CP cụ thể hoá, song thực tiễn một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành chưa có quy định rõ. Hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm một số nguyên nhân khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Thứ hai, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.

Thứ ba, ngoài thủ tục phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc, rất mất thời gian.

Đại diện một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, TPBank… cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.

Về phía đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.

Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều cam kết giải ngân tối đa gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng; tiếp tục truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP với mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình phục hồi và phát triển.

Việc triển khai giải ngân chậm trễ và chính sách không phù hợp với thị trườnn của ngân hàng khiến nhiều khách hàng không chủ động được nguồn vốn trong kinh doanh. Nhiều tiêu cực từ các ngân hàng cũng gây khó cho khách hàng. Việc các ngân hàng buộc khách hàng mua một số loại bảo hiểm cũng là việc ngân hàng Nhà nước cần chấn chỉnh vì đó là dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chy Lê