Doanh thu từ hợp tác với bảo hiểm ép khách hàng vay tín dụng mua bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong năm 2023. Năm qua ghi nhận nhiều ngân hàng giảm mạnh doanh thu từ bán bảo hiểm sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều ngân hàng mất doanh số đến 60-70%. Với điều khoản cấm ngân hàng bán bảo hiểm gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua, mảng này sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn.
Từng phát biểu vấn đề này, song đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) vẫn băn khoăn khi chứng kiến một người phụ nữ vì khoản nợ phải trả, đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng.
“Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc mà tôi tình cờ được gặp đã thôi thúc tôi phát biểu lần nữa về vấn đề này”, ông Thịnh nói.
Ngoài vấn đề chiết khấu cho đại lý lên tới 40%, đại biểu dẫn chứng kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy tỉ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Chỉ riêng tại một ngân hàng thương mại, số phí bảo hiểm hủy sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, số tiền mà ngân hàng có được từ liên kết bảo hiểm là rất lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng.
Cụ thể, đại biểu dẫn chứng Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỉ đồng, thì phí cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỉ đồng; lợi nhuận của ACB là 9.596 tỉ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỉ đồng; chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm…
Từ thực tiễn trên, đại biểu Thịnh băn khoăn nếu dự thảo luật chỉ tiếp thu theo hướng ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định về kinh doanh bảo hiểm, sẽ không có gì đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm.
Do đó, đại biểu đề nghị nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng không được thì cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành văn bản nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bảo vệ quan điểm không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm.
“Hệ lụy đã xảy ra rồi, đến nay theo tôi biết đang còn dai dẳng” – ông Hòa cho rằng khi đã thành lập công ty bảo hiểm thì phải có trụ sở, nhưng thực tế lại không có.
Ví dụ, ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 trụ sở. Khách hàng mua bảo hiểm có khiếu nại ở Đồng Tháp, ngân hàng lại chỉ qua Cần Thơ khiếu nại, khiếu kiện.
“Khi liên kết với công ty bảo hiểm, ngân hàng được chi hoa hồng rất cao. Tôi nói hơi kỳ nhưng mà chỉ có giật của người ta mới có lời thôi chứ không có cách nào mà lợi nhuận cao như thế”, ông Hòa nêu.
Giảm cả nghìn tỉ từ bán bảo hiểm
Báo cáo tài chính quý 4-2023 của MBBank thể hiện, ngân hàng này có tổng thu nhập hoạt động 47.306 tỉ đồng cả năm 2023, tăng 4% so với 2022. Mức tăng đến chủ yếu từ thu nhập lãi thuần với 7%, đạt 38.683 tỉ đồng. Còn thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm gần 8%, đạt 13.137 tỉ đồng. Nguyên nhân do doanh thu kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm chiếm lớn nhất với 8.228 tỉ đồng, nhưng lại giảm gần 20% so với năm trước.
Nhìn lại dữ liệu, doanh thu mảng bảo hiểm của MB tăng nhanh vài năm gần đây và đóng góp không nhỏ bức tranh lợi nhuận chung. Từ mức 1.800 tỉ đồng năm 2017, đến năm 2022, mảng này đem về MB vượt mốc 10.000 tỉ đồng. Nhưng với khó khăn chung của bảo hiểm năm 2023, MB lần đầu báo giảm ở mảng thu này sau nhiều năm tăng trưởng tốt. Dù vậy, 2023 vẫn là một năm lạc quan với MBBank khi tổng lợi nhuận trước thuế đạt 26.300 tỉ đồng, nằm trong top các ngân hàng lãi cao nhất toàn hệ thống cùng tăng trưởng tới gần 16% so với năm trước.
Các ngân hàng khác ra sao?
Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank còn giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỉ đồng cả năm. Điều này kéo theo lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 1.157 tỉ đồng, giảm 15% so với năm trước.
Tương tự, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của VIB cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỉ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỉ đồng năm 2022. Lãi thuần nhà băng này nhận được từ hoa hồng bảo hiểm sau khi trừ chi phí còn hơn 776 tỉ đồng, giảm gần 33%.
Giảm mạnh hơn, TPBank còn “bốc hơi” gần 57% từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này mang về cho TPBank hơn 377 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 876 tỉ đồng.
Ngân hàng Techcombank cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm giảm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, nhà băng này đạt hơn 667 tỉ đồng từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, giảm tới 62% so với mức 1.750 tỉ đồng năm 2022.
Theo thông tin từ Manulife Việt Nam, năm 2013, công ty này và Techcombank ký thỏa thuận hợp tác liên kết dịch vụ bảo hiểm – ngân hàng. Đến 2017, hai bên chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm Manulife qua mạng lưới của Techcombank.
Trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính năm 2023, chỉ một số thuyết minh khoản thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, nhưng hầu hết đều giảm. Còn lại, nhiều nơi không thuyết minh khoản thu này.
Dỡ bỏ việc ép người vay tiền mua bảo hiểm có thực hiện được không?
Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm ngân hàng ép người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ. Liệu người dân đã trút bỏ nỗi lo, khi ngân hàng vẫn chịu áp lực bán bảo hiểm bởi các hợp đồng độc quyền 10 – 15 năm.
Tiền “lót tay” đã nhận từ công ty bảo hiểm lên đến hàng ngàn tỉ đồng liệu có vi phạm pháp luật?
Qua kết luận thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm, tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bán qua kênh ngân hàng sau một năm đầu rất cao, từ 32 – 73%. Điều này có nghĩa hàng ngàn tỉ đồng của người dân bị mất trắng.
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định sau nhiều năm người dân bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, việc cấm hành vi này được đưa vào luật là một bước chuyển tốt.
Tuy nhiên, phải hết sức cảnh giác vì nạn ép mua bảo hiểm ở ngân hàng có thể biến tướng qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, khách hàng vay tiền mặc dù không bị ép mua bảo hiểm cho chính mình, nhưng lại bị ép mua bảo hiểm cho người thân hoặc là nếu không tự nguyện mua, khách hàng sẽ không được giải ngân.
Ông Trần Nguyên Đán nhận định cuộc khủng hoảng trầm trọng trên thị trường bảo hiểm thể hiện rất rõ những bất ổn, đặc biệt trong việc bán qua kênh ngân hàng (bancassurance).
Lý do là những năm gần đây có rất nhiều thương vụ ký kết độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, thời gian kéo dài từ 10 – 15 năm trở lên. Điều này giúp ngân hàng nhận về khoản tiền lót tay 5.000 – 10.000 tỉ đồng.
Mô hình độc quyền cộng với khoản tiền “lót tay” cho ngân hàng đã trở thành áp lực và cũng là động lực xấu cho việc bán bảo hiểm bừa bãi, hy sinh quyền lợi khách hàng, tạo thành cơn ác mộng cho người dân và làm khổ sở nhân viên ngân hàng.
Bán bảo hiểm qua ngân hàng, chủ yếu là bán cho người đi vay tiền, dù có khách quan nhất cũng khó tránh khỏi ép buộc vì người vay luôn ở trong thế yếu, còn ngân hàng – bên cho vay là kẻ mạnh lại bị sức ép về doanh số đã cam kết với công ty bảo hiểm.
Một đại lý bảo hiểm mỗi tuần bán được 2 – 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là thuộc diện rất xuất sắc, còn bán qua ngân hàng, hợp đồng cứ đến liên tục, bởi muốn vay là phải mua bảo hiểm.
Vì vậy, để triệt nạn ép mua bảo hiểm, theo ông Đán, đầu tiên cần cấm ngân hàng trực tiếp tư vấn bảo hiểm. Triệt để hơn, hướng tới cấm ngân hàng ký kết độc quyền với công ty bảo hiểm, khách tới ngân hàng có quyền lựa chọn mua sản phẩm của công ty bảo hiểm nào là tùy họ, ngân hàng không được thông qua nhân viện yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm là một trong những yêu cầu bắt buộc mới được vay. Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý khi hướng dẫn thực hiện luật nếu muốn tránh đi những lùm xùm không đáng có cho hệ thống ngân hàng.
Tâm huyết và rất thẳng thắn, tổng giám đốc của một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết thời gian qua thị trường rầm rộ các thương vụ ký kết với ngân hàng để độc quyền bán bảo hiểm. Việc trả trước “lót tay” cho ngân hàng là chuyện thường.
Nhưng vị này cũng thừa nhận xã hội dị ứng với bảo hiểm là cái giá phải trả quá cao. Do số ngân hàng có hạn nên công ty bảo hiểm phải cạnh tranh, tăng số tiền “lót tay” để có được hợp đồng độc quyền và điều này đã trở thành con dao hai lưỡi, ép khách hàng, làm mất uy tín cho cả hai bên.
Muốn có niềm tin phải bảo vệ người tiêu dùng
Bà Hồ Thị Ngọc Như, trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM), cho biết dù tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chưa cao nhưng hiện tại, nhiều khách hàng mất niềm tin, vì là bên yếu thế nhất trong chuỗi “người tiêu dùng – đại lý bảo hiểm – doanh nghiệp bảo hiểm”.
Vì vậy, ngay lúc này, người dân đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt mạnh tay các sai phạm trong ngành, minh bạch thông tin và số liệu. Điều này không chỉ bảo vệ khách hàng, mà còn tạo niềm tin cho những đại lý và doanh nghiệp chân chính.
“Không chỉ khách hàng mất niềm tin, ngay cả đại lý bảo hiểm chân chính cũng chán nản, rất cần môi trường kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lành mạnh, công bằng”, bà Như cho hay.
Vì vậy, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành bảo hiểm. Khách hàng mua bảo hiểm ở bên ngoài hay tại ngân hàng đều nằm trong phạm vi bảo vệ của cục.
Đại lý tổ chức, bao gồm ngân hàng, sai phạm nặng trong bán bảo hiểm, đều phải đưa vào “danh sách đen”.
Để tăng niềm tin cho người dân, Bộ Tài chính cần lập website chuyên cập nhật tiến độ thanh tra, quá trình xử lý khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm không chỉ nhận đơn và chuyển đi nơi khác xử lý, mà phải giám sát chặt quá trình giải quyết khiếu nại của người dân.
Thông qua website này, người dân cũng có thể nộp đơn khiếu nại, biết được tổng số đơn đã được xử lý xong và đang chờ…
Hiện nay chúng ta có Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng… có đặc thù riêng, yêu cầu tính chuyên môn cao, quyền lực thương lượng nằm trong tay người cung cấp dịch vụ, khách hàng là bên yếu thế.
Vì vậy cần có tổ chức đứng ra điều phối để cán cân quyền lực thương lượng cân bằng trở lại. Ví dụ, trên thế giới có mô hình Ombudsman do quốc hội lập ra, hỗ trợ người tiêu dùng tài chính – bảo hiểm…, đồng thời có quyền giám sát và xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nếu phạm luật.
Ngoài ra, thời gian qua chúng ta có bổ sung các quy định xử phạt đại lý cá nhân, nhưng còn lỏng lẻo ở đại lý tổ chức (bao gồm ngân hàng). Do đó, cần có mức xử phạt mang tính răn đe, phạt theo tỉ lệ phần trăm doanh số. Khi số tiền phạt quá lớn so với khoản lợi bất chính thì đại lý cá nhân và tổ chức đều không dám làm bậy.
Người dân và đại lý bảo hiểm khi cần phản ánh những tiêu cực liên quan đến bảo hiểm có thể phản ánh với cơ quan nhà nước thông qua nhiều phương thức như gửi văn bản, liên hệ đường dây nóng hoặc trực tiếp đến Bộ Tài chính.
Cụ thể: bộ trưởng Bộ Tài chính định kỳ tiếp công dân vào ngày 15 hằng tháng, người dân có vướng mắc có thể trực tiếp phản ánh đến bộ trưởng tại Phòng tiếp công dân – phòng số 111, số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bộ Tài chính đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, cụ thể: email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn, hotline: 024.22202818.
Chy Lê