Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang tăng cao.



ĐNA -

Ngày 9/6/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ thực hiện các đợt tăng lãi trong cuộc họp chính sách vào tháng tới nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang tăng cao trong khi Ngân hàng trung ương Nga lại cắt giảm lãi suất do lạm phát chậm lại.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, Ngân hàng dự kiến mức tăng lãi suất sẽ là 0,25% vào tháng 7 tới đây. Mức này phù hợp với những gì mà hầu hết các nhà phân tích đã mong đợi. Bên cạnh đó, một đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9/2022. Đợt tăng này có thể có biên độ lớn hơn nếu lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao.

Thông báo trên đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011 và khép lại thời kỳ của chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Thống đốc ECB tại Hà Lan, Ngân hàng này cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy mức lạm phát trung bình trong tháng 5/2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng kỷ lục lên 8,1%, cao hơn gấp 4 lần so với mức mục tiêu mà ECB đề ra.

“Lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta”, bà Christine Lagarde nói sau cuộc họp. “Dựa trên đánh giá hiện tại, chúng tôi dự đoán rằng việc tăng lãi suất dần dần nhưng bền vững sẽ là phù hợp”.

ECB cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm nay từ 3,7% xuống còn 2,8%, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên 6,8% từ mức 5,1%.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng lạm phát sẽ quay trở về mức mục tiêu 2% trong trung hạn”, Chủ tịch ECB phát biểu tại cuộc họp báo. “Đây không chỉ là một bước đi, mà đó là cả một quá trình”, bà nhấn mạnh.

ECB hiện đang chậm hơn so với các Ngân hàng Trung ương Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoK) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhiều lần tăng lãi suất trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, nhiệm vụ của châu Âu khó khăn hơn, do khu vực này chịu tác động kinh tế trực tiếp từ xung đột tại Ukraine.

ECB hiện đang nỗ lực để tạo ra sự cân bằng giữa một bên là kế hoạch tăng lãi suất để kéo giảm lạm phát và một bên là mức độ tăng lãi suất đủ lớn để không khiến nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.

Hiện tại, ECB đang duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde từng tuyên bố tỷ lệ lãi suất tiền gửi sẽ được đưa về 0% hoặc cao hơn một chút vào cuối quý III/2022.

Cũng trong ngày 9/6/2022, ECB xác nhận sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản, công cụ kích thích kinh tế chính được Ngân hàng duy trì từ cuộc khủng hoảng nợ Khu vực Eurozone.

Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất do lạm phát chậm lại.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moskva.

Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện các đợt tăng lãi vào tháng tới nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang tăng cao nhưng ở Nga, ngày 10/6/2022, Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi nhanh hơn dự báo, bất chấp tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo đó, Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất từ 11% xuống 9,5%. Trong tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga cho biết lạm phát đang chậm lại và quy mô suy giảm hoạt động kinh tế ở nước này trong tháng 4/2022 thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý rằng “môi trường bên ngoài của nền kinh tế Nga vẫn gây ra thách thức và làm hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế”.

Cuộc họp quyết định lãi suất tiếp theo của Ngân hàng trung ương Nga dự kiến diễn ra ngày 22/7/2022. Trước đó, ngân hàng này đã cắt giảm 3 điểm phần trăm lãi suất cơ bản tại cuộc họp bất thường cách đây hai tuần.

Trước đây, khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chủ chốt, từ 9% lên 20%, để chặn đà lao dốc của đồng ruble. Kể từ đó, đồng ruble đã cho thấy sự phục hồi ngoạn mục, tăng khoảng 30% giá trị so với đồng USD, là nguyên nhân dẫn đến 3 lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga.

Đồng ruble tăng giá trong phiên giao dịch ngày 10/6/2022

Đồng ruble của Nga

Đồng ruble của Nga trong phiên giao dịch ngày 10/6 đã tăng giá sát mức cao nhất trong 2 tuần qua so với đồng USD, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi Ngân hàng trung ương nước này công bố quyết định giảm lãi suất cơ bản vào tháng tới.

Vào lúc 7h24 giờ GMT (14h24′ giờ Việt Nam), đồng ruble tăng giá 1,1% so với đồng USD, với tỷ giá 58,71 ruble/1 USD, gần bằng mức 57,4075 ruble/1 USD ghi nhận ngày 9/5 là mức giá mạnh nhất của đồng ruble kể từ ngày 25/5.

So với đồng euro, đồng ruble cũng tăng giá 2,1%, với tỷ giá 61,96 ruble/1 euro, cũng sát mức giá cao nhất trong 2 tuần qua.

The Cuong – tổng hợp