Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngành Vi mạch – Bán dẫn cần gì ở nguồn nhân lực trình độ cao?

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 13/1/2024 vừa qua, tại trường Đại học Bách khoa – Đại học  Đà Nẵng đã diễn ra Talkshow “Vi mạch bán dẫn: Xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực trình độ cao”, giúp sinh viên hiểu được “thế giới CHIP”; công việc tương lai của mỗi kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch – bán dẫn; nhu cầu các công ty và thị trường lao động của ngành thiết kế vi mạch. Đặc biệt, các kỹ sư vi mạch cần có định hướng học tập, nghiên cứu, trau dồi các kỹ năng như thế nào, khi đã xác định sẽ là một thành tố của nguồn lực, ở một ngành đang chiếm vị trí hết sức quan trọng trên toàn cầu. Chương trình do trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Từ trái sang: PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng; ông Nguyễn Bảo Anh – Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng và TS. Lê Quốc Huy – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cùng chủ trì nội dung giao lưu tại Talkshow ngày 13/1/2024. Ảnh trong bài: T.Ngọc – Q.Việt.

Cựu sinh viên Khoa Điện tử – Viễn thông (khóa 2002-2007), trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, ông Nguyễn Bảo Anh, hiện là Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng; Người đang đảm nhận vai trò điều hành, quản lý công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tầm ảnh hưởng của công nghệ bán dẫn tiên tiến tại Việt Nam; đã chia sẻ 5 tiêu chuẩn “hàng đầu”, mà mỗi bạn trẻ đam mê theo đuổi lĩnh vực Vi mạch – Bán dẫn, cần nắm vững, nắm chắc và phải “giỏi” thật sự.

“Chip đã hiện diện trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống. Sở hữu công nghệ Chip là tài sản có giá trị lớn đối với tất cả các quốc gia. Nhiều ngành công nghệ, nhiều ứng dụng quan trọng đều được phát triển trên nền bán dẫn, vi mạch. Đã có những xung đột gay gắt trong cuộc chiến về Chip bán dẫn giữa các cường quốc. Chip được gọi là “Gạo của thời đại mới” (It’s rice of the new era). Thậm chí, Chip được cấy vào cả cơ thể con người” – Chuyên gia đến từ Synopsys Việt Nam nhấn mạnh.

Kỹ sư vi mạch phải giỏi những khả năng nào ?
Để trở thành một kỹ sư vi mạch, không chỉ Nhà trường phải đầu tư rất nhiều cho quá trình đào tạo; bản thân người học, khi xác định sẽ theo đuổi đến cùng “nghề vi mạch”, cũng phải cực nhọc khổ luyện. Sự thiếu hụt lớn nguồn nhân lực có trình độ bậc cao làm việc trong ngành (semiconductor circuit), là minh chứng rõ nét nhất. Để có một kỹ sư vi mạch hành nghề thông thạo là điều vô cùng khó !

Tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên và ở vị trí cao nhất của các tiêu chuẩn đối với một kỹ sư vi mạch (bởi hầu hết tài liệu chuyên ngành này đều là tiếng Anh, quá trình làm việc giao tiếp với chuyên gia, cũng sử dụng tiếng Anh). Tiếng Anh có đủ số lượng từ chuyên ngành vi mạch – bán dẫn, nhiều từ không thể diễn đạt bằng tiếng Việt chúng ta. Đó là lý do phải học, phải thực hành ngôn ngữ và luôn trau dồi vốn từ chuyên môn”.

Chuyên gia Nguyễn Bảo Anh cũng chia sẻ rằng, những thành công của ông có được cho đến hôm nay, phần lớn, nhờ ông nói và viết tiếng Anh lưu loát.

“Khi tôi trao đổi rõ ràng, cụ thể, khách hàng hiểu, nắm bắt được vấn đề, họ có độ tin cậy. Khi tôi làm việc với các cộng sự, anh chị em kỹ sư, tôi truyền đạt được đúng ý yêu cầu và quan trọng là truyền cảm hứng. Các bạn phải thật sự giỏi tiếng Anh để làm việc trong một môi trường mà mọi trao đổi, tương tác đều phải sử dụng ngôn ngữ này. Tiếng Anh chính là keyword của lĩnh vực vi mạch bán dẫn”-  Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam, chia sẻ.

Giám đốc Kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam Nguyễn Bảo Anh nhấn mạnh 5 kỹ năng phải có của một nhân lực trình độ cao ngành vi mạch, bán dẫn.

Quản lý công việc cũng là một yêu cầu mà kỹ sư vi mạch phải có. Lý do: Nhiệm vụ chuyên môn đòi hỏi sự tập trung rất cao, không thể để những chuyện khác chi phối, mà trong bối cảnh ngày nay, thì có quá nhiều chuyện, rất dễ lôi kéo chúng ta phải quan tâm đến. Mỗi người, phải quản lý thật tốt công việc, nhiệm vụ của chính mình.

Kỹ năng học tập: Điều đương nhiên, bạn không chỉ hiểu biết mà phải am tường quy trình thiết kế vi mạch, rất vững kiến thức về MOSFET – tức phần lõi của mạch tích hợp (IC). Ngành Vi mạch – Bán dẫn thay đổi công nghệ rất nhanh, người làm việc trong ngành phải thường xuyên tự học, học hỏi không ngừng, phải tự nghiên cứu để theo kịp xu thế. Vấn đề ở đây là cách học, kỹ năng tự học theo một phương pháp để nâng cao được kiến thức. 3 kỹ năng vừa nêu được đảm bảo, sẽ giúp người kỹ sư, chuyên gia có được các kỹ năng đáp ứng cho yêu cầu thứ tư: Giải quyết vấn đề.

Cuối cùng là làm việc nhóm: Đây là kỹ năng quen thuộc của thời đại. Nghiên cứu thiết kế một con Chip là sản phẩm của một tập thể. Mỗi người tham gia một công đoạn, giải quyết một yêu cầu. Cả tập thể cùng trả lời câu hỏi: Chip đó đảm nhận công việc gì ? rồi tất cả phải cùng làm việc để Chip vận hành như ý muốn. Nếu cả nhóm là một tập hợp những thành viên luôn đam mê sáng tạo, muốn khẳng định tố chất phát triển trí tuệ của bản thân, thì thật lý tưởng.

Nhấn mạnh những học phần liên quan thiết kế chip, TS. Lê Quốc Huy – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, lưu ý thêm các bạn sinh viên theo đuổi chuyên ngành vi mạch bán dẫn quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Đây là cơ hội tiếp cận công việc thực tế, lẫn quy trình doanh nghiệp với những đòi hỏi đặc thù, khắt khe, và có ý nghĩa quan trọng. Nếu các bạn thật sự nỗ lực trong thể hiện năng lực, chấp hành đúng các quy định của quy trình, không chỉ học hỏi được nhiều điều bổ ích, cơ hội có thể được tuyển dụng ngay sau khi thực tập cũng rất cao.

Các bạn sinh viên theo dõi sát nội dung chương trình

Giúp người học hiểu biết sâu về thế giới Chip để chấp nhận dấn thân
Trong nội dung chia sẻ, ông Nguyễn Bảo Anh cũng cho biết cơ hội tham gia của các kỹ sư vi mạch vào các công đoạn chính của quy trình sản xuất một con chip. Đó là Design – Thiết kế (chiếm đến 60%); Fabrication – Sản xuất (25%); Assembly and Test – Lắp ráp và kiểm tra (15%). Ứng viên cho các vị trí công việc của quy trình sản xuất chip bao gồm: Circuit Designer; Layout Designer và Digital Designer.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng là địa chỉ có bề dày về đào tạo chuyên ngành này hay các chuyên ngành gần, chuyên ngành có liên quan (điện tử – viễn thông; cơ điện tử; công nghệ thông tin; tự động hóa,  …). Sinh viên nhiều ngành của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đang làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn, hiện chiếm tỷ lệ khoảng 6%. Thống kê từ nhà trường cho biết, tại  công ty lớn trong lĩnh vực này: Synopsys, Savarti, Renesas,  Synapse, VHT Viettel, CoAsia, Amkor, Intel, đều có cựu sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng làm việc.

và đã đặt nhiều câu hỏi

Talkshow “Vi mạch bán dẫn: Xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực trình độ cao” diễn ra sáng ngày 13/1/2024, cũng là Talkshow khởi đầu cho nhiều hoạt động của nhà trường, giúp sinh viên đang học tại trường, các thí sinh chuẩn bị đăng ký dự tuyển vào trường hiểu hơn về ngành và định hướng tương lai.

Tại buổi Talkshow, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những xu hướng công nghệ trong thời gian tới, nhấn mạnh yêu cần cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của một thị trường lao động rất khắt khe. Dù rằng, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi điện tử, thiết kế chip, vi mạch, bán dẫn này cũng rất cao (dự báo cần đến 900.000 kỹ sư cho những năm đến).

TS. Lê Quốc Huy – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh những học phần liên quan thiết kế Chip.

Điều thú vị là không chỉ các bạn sinh viên được tiếp thu lượng kiến thức bổ ích rất cao, đồng thời từ “chất liệu thông tin ngồn ngộn của Talkshow”, cũng gợi mở nhiều vấn đề nóng, thể hiện người học đang quan tâm điều gì đến chuyên ngành vi mạch-bán dẫn: “Sinh viên các chuyên ngành gần, cần nắm vững môn học cốt lõi nào trong chương trình?” ;”Khả năng cạnh tranh giữa sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành thiết kế vi mạch và sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan, ngành gần có độ vênh như thế nào?”; “Để có được kỹ năng “thực chiến” thật sự của một kỹ sư thiết kế vi mạch trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, sinh viên cần có quá trình tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên cần hỗ trợ về nguồn tài liệu, cũng như cơ hội thực hành; cơ hội tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn; …”.

Và cũng chính những thắc mắc, các câu hỏi và nhiều vấn đề đặt ra trong thực tế của các bạn, của các đại biểu tham dự, và kênh trao đổi từ các chuyên gia, các Thầy (là cán bộ quản lý, là giảng viên, …) đã trở thành những nội dung tham chiếu “đáng lưu ý”, giúp Nhà trường tiếp tục hoàn thiện nội dung đào tạo chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch (dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu ngay trong năm 2024).

Sẵn sàng cho khóa tuyển sinh đầu tiên của ngành Vi mạch-Bán dẫn
Trả lời phỏng vấn ASEAN News, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cho biết chương trình đào tạo đang hoàn thiện, dự kiến sẽ được thẩm định, ban hành vào tháng 3/2024. Chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch được xây dựng dựa trên nền tảng của Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông. Tuy nhiên, các khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, và bổ trợ đều được thiết kế lại và bổ sung nhằm đáp ứng các yêu cầu của mảng thiết kế vi mạch.

Đối với phần kiến thức cơ sở ngành, nội dung giảng dạy của các học phần này đều được thiết kế lại để cung cấp kiến thức tập trung và cần thiết cho phần chuyên ngành. Trong đó, các mảng kiến thức liên quan đến transistor hiệu ứng trường (MOSFET), công nghệ CMOS, ngôn ngữ mô tả phần cứng,… được tăng cường giảng dạy. Phần thí nghiệm dành cho kiến thức cơ sở ngành cũng được đầu tư về cả nội dung và trang thiết bị để củng cố kiến thức nền cho sinh viên, vốn đóng vai trò rất quan trọng để tiếp cận chuyên ngành thiết kế vi mạch.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Vừa qua, Khoa Điện tử – Viễn thông đã được tài trợ các bộ thiết bị đo lường điện tử hiện đại của hãng Keysight (Mỹ), tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm, đáp ứng nhu cầu đào tạo của chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa cũng đã đầu tư thêm phòng máy tính cấu hình cao để vận hành các phần mềm thiết kế mạch và vi mạch chuyên dụng.

Đối với phần chuyên ngành, các kiến thức chuyên sâu liên quan đến vi mạch tích hợp cỡ rất lớn (VLSI), vi mạch tương tự và hỗn hợp, thiết kế vật lý, đóng gói và kiểm thử, hệ thống trên chip (SoC),… được bổ sung thêm so với chương trình đào tạo của Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông.

Để củng cố kiến thức lý thuyết và tăng cường khả năng thực hành, các học phần được giảng dạy theo hình thức Học theo dự án (Project-based Learning) được đưa vào chương trình đào tạo. Sinh viên sẽ được thực hành trên các phần mềm theo chuẩn công nghiệp. Từ năm 2022, Khoa Điện tử – Viễn thông đã được Công ty Renesas (Nhật Bản) và Công ty Cadence (Mỹ) tài trợ các phần mềm bản quyền chuyên cho thiết kế vi mạch.

Giờ thực hành của sinh viên khoa Điện tử – Viễn thông. Hình ảnh được Khoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng được quan tâm trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo này. Cụ thể như kỹ năng sử dụng hệ điều hành mở như Linux và các ngôn ngữ lập trình khác như Python, kỹ năng quản lý dự án,… Ngoài ra, việc thiết kế vi mạch cho các ứng dụng cụ thể cũng được chú trọng. Các học phần liên quan đến hệ thống nhúng, IoT, trí tuệ nhân tạo,… được đưa vào chương trình đào tạo để sinh viên có thể nắm được kiến thức nền tảng của các mảng liên quan, phục vụ cho việc thiết kế vi mạch hướng theo ứng dụng cụ thể.

PV ASEAN News: Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, ngoài đào tạo hệ kỹ sư, Trường chúng ta còn có hình thức đào tạo nào khác ?

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sẽ mở khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch (thời gian đào tạo 15 tuần), giúp sinh viên tăng cường kiến thức và kỹ năng thực tế trong lĩnh vực này. Khóa học tập trung vào mảng thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp cỡ rất lớn (VLSI). Khóa học dự kiến khai giảng vào cuối tháng 02/2024, được giảng dạy bởi nhóm TreSemi, gồm các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty vi mạch bán dẫn ở Mỹ, cùng với sự hỗ trợ của một số giảng viên của Trường.

Đặc biệt, người học sẽ được thực hành trên các phần mềm thiết kế vi mạch theo chuẩn công nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, người học không chỉ lĩnh hội thêm kiến thức chuyên sâu mà còn tăng cường kỹ năng thực hành trên các phần mềm thực tế.

Trường đang tận dụng các hợp tác đã được phát triển trong những năm qua với các đối tác là các Trường đại học, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các chuyên gia và cựu sinh viên đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch để đào tạo. Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh và tập trung bồi dưỡng, phát triển, tăng cường đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất để có thể đáp ứng yêu cầu tăng số lượng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội trong thời gian tới./.

T.Ngọc – Thanh Huyền