Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngày 17/10/2022, thành phố Đà Nẵng đón đợt lạnh đầu tiên

ĐNA -

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung trung bộ, từ trưa chiều ngày 17/10/2022, không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống sẽ ảnh hưởng đến Đà Nẵng. Gió trên đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3 – 4. Trên vùng biển Đà Nẵng, từ ngày 17/10, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Độ cao sóng từ 2 đến 3m. Gió mạnh, sóng lớn. Phương tiện hoạt động trên biển cần chủ động có biện pháp phòng tránh an toàn.

Nhiệt độ thấp nhất (phổ biến) ở vùng đồng bắng từ 21 đến 23 0C, vùng núi có nơi 20 – 22 0C. Thành phố Đà Nẵng sẽ đón đợt lạnh đầu tiên rõ nét nhất trong mùa đông năm nay. Cũng từ ngày 17/10, trên địa bàn thành phố có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Cần đề phòng thiên tai kèm với mưa dông, như lốc, sét, gió giật mạnh.

Từ ngày 17/10/2022, Đà Nẵng sẽ đón đợt lạnh đầu tiên rõ nét nhất trong mùa đông năm nay. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Liên quan đến cơn bão gần Biển Đông (bão NESAT, cơn bão số 6), chiều nay Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cũng đã có thông báo đầu tiên yêu cầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tổ chức kiểm đếm, chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết. Thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 và mưa, lũ lớn vừa qua.

Kiểm tra an toàn ở những nơi nước rút, cấp điện trở lại để nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định sinh hoạt. Ảnh: N.N.Lâm

Chỉ còn một số khu vực ngập nước huyện Hoà Vang bị mất điện
Báo cáo cập nhật của Công ty Điện lực Đà Nẵng về tình hình khôi phục cấp điện sau mưa lớn, ngập lụt lịch sử ngày 14/10/2022 (tính đến ngày 16/10), cho biết, hiện chỉ còn một số khu vực ngập nước huyện Hoà Vang vẫn chưa thể cấp điện trở lại (Hoà Bắc, Cẩm Toại Trung, Thái Lai, Khương Mỹ, Phú Hòa, Phước Thái, An Định, Trường Định).
Công ty cũng liên tục khuyến cáo nhân dân trước khi bật áp-tô-mát (đóng lại cầu dao cấp điện) phải kiểm tra thật kỹ thiết bị, đường dây trong gia đình, nơi còn ngập nước, ẩm ướt phải thực hiện ngay việt ngắt áp-tô-mát (cắt cầu dao), hoặc rút phích ra khỏi ổ cắm.

Chú ý khi có điện lưới trở lại, phải kiểm tra cẩn thận, kỹ lưỡng đảm bảo thiết bị, đường dây khô ráo, sau đó mới tiến hành bật áp-tô-mát từng khu vực trong gia đình để đảm bảo an toàn sử dụng điện, tránh xảy ra nguy hiểm cho tính mạng và hư hỏng, cháy nổ thiết bị.

Được biết, do tác động của bão số 5, sau đó là áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 5), gây mưa đặc biệt lớn trong ngày, và nhất là từ 18h tối 14/10/2022, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều khu vực dân cư và đường phố đã bị ngập sâu. Nhằm đảm bảo an toàn điện trong nhân dân, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã lần lượt sa thải (không cấp điện bình thường) 2.524 Trạm biến áp, tương ứng 206.000 khách hàng mất điện. Đến 23g00 ngày 14/10, khi trời đã ngớt hẳn mưa, một số khu vực ngập nước rút bớt, Công ty Điện lực Đà Nẵng tiến hành kiểm tra an toàn, đã khôi phục điện ở các khu vực đảm bảo điều kiện an toàn. Đến 2h sáng ngày 15/10/2022, nhiều khu vực đã có điện trở lại, giúp người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả.

Xử lý ngay các tình huống trong đêm 14 rạng ngày 15/10/2022 để kịp thời cấp điện trở lại.

Kể từ thời điểm thành phố Đà Nẵng có mưa lớn, dự báo diễn biến xấu sẽ đưa đến tình trạng ngập sâu trên diện rộng toàn thành phố, ngành Điện đã huy động triệt để nhân vật lực đến các khu vực đã và đang có nguy cơ để kiểm soát tình hình ngập nước. Không để xảy ra bất kỳ trường hợp tai nạn nào liên quan đến điện trong bối cảnh thời tiết, thiên tai diễn biến rất xấu.

Ngành đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kiểm tra điều kiện an toàn điện ngay sau khi nước rút, và khẩn trương khôi phục cấp điện phục vụ nhân dân.

Đưa nhiều hoạt động trở lại bình thường

Hầm chui Điện Biên Phủ được xử lý xong. Ảnh: Hoàng Thị Ngọc Hiếu.

Hôm nay, 16/10, CTCP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cũng đã xử lý xong hầm chui Điện Biên Phủ (bị ngập sâu nước, sau khi xử lý bơm cạn nước, phải làm sạch bùn đất và rác đọng trong hầm) sẵn sàng thông xe trở lại.

Cũng trong ngày, nhiều lực lượng, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tiếp tục ra quân, khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử.

Thành Đoàn Đà Nẵng đã kêu gọi hàng ngàn tình nguyện viên cùng làm sạch bãi biển. Ảnh: Tuyên Thành

Trong đó, hàng ngàn đoàn viên thanh niên và công nhân môi trường đô thị tập trung xử lý tình trạng rác thải từ thượng nguồn trôi về, dạt vào các bãi biển. Tại các địa phương, với sự giúp sức từ các lực lượng vũ trang đã ưu tiên làm sạch trường lớp, để các em học sinh sớm trở lại trường; xử lý các đoạn tuyến giao thông bị bùn đất lấp, đưa rác ứ đọng từ khu dân cư về điểm tập kết…

Quận Liên Chiểu: Tập trung vệ sinh trường lớp để các em học sinh sớm trở lại trường. Ảnh: Thùy Trinh

Dừng mọi hoạt động du lịch, thăm quan liên quan đến bán đảo Sơn Trà
Riêng tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị nức toát, sạt lở nghiêm trọng, tạo hàm ếch lớn sau trận mưa lũ tối 14/10; tạm thời, các đơn vị thi công đã xử lý để thông xe công vụ.

Đường lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị nức toát, sạt lở nghiêm trọng, tạo hàm ếch lớn …Một cống hộp trên tuyến đã bị nước lũ đếm 14/10 cuốn trôi. Ảnh: Trung Đức/Asean News

Trao đổi với Asean News cuối giờ chiều nay (16/10), ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định: Do chưa đánh giá hết các nguy cơ sạt lở tiềm ẩn, và để bảo đảm an toàn cao nhất, tạm thời vẫn sẽ dừng mọi hoạt động du lịch, thăm quan liên quan đến bán đảo Sơn Trà.

Phong toả đoạn cuối đường Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Hiện các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phong toả đoạn cuối đường Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà. Trừ con người và phương tiện làm nhiệm vụ, toàn bộ người và phương tiện khác không được đi qua khu vực này.
Trung Đức