Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng 2023 hướng về “Di sản biển”



ĐNA -

(Đà Nẵng). Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23 tháng 11, sáng nay 18/11/2023, tại Bảo tàng Đà Nẵng, diễn ra các hoạt động đầu tiên của “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng” – sự kiện do Bảo tàng Đà Nẵng khởi xướng và chủ trì tổ chức nhiều năm, khẳng định dấu ấn riêng. Ngày hội cũng nằm trong chuỗi hoạt động Văn hóa – Lễ hội hai bên bờ sông Hàn, được định kỳ tổ chức vào tháng 11 hằng năm.

Năm nay, “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng” mang chủ đề “Về miền di sản biển Đà Nẵng”. Chương trình tiếp tục quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa biển của Đà Nẵng, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường biển hôm nay. Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng, Viện trưởng Viện Pháp Đà Nẵng, cùng nhiều du khách quốc tế, cũng cùng tham dự Ngày hội.

Một tiết mục Bài Chòi mở màn Ngày hội và tiết mục dự thi Liên hoan “Hát dân ca – hò khoan đối đáp” (ảnh tiếp theo). Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Trải nghiệm những nét văn hóa biển dân gian – đương đại
“Trong em biển là nơi đầu tiên mang đến những cảm nhận sớm về tự nhiên chung quanh ta. Lúc nhỏ, nhà em ở khu Mân Quang 5 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), cạnh kề biển. Em lớn lên cùng biển, hiểu về đời sống của cộng đồng làng biển. Lớn khôn hơn, em được tiếp xúc với nhiều chương trình bảo vệ biển, đơn cử như giữ cho biển luôn sạch, không ô nhiễm rác thải nhựa. Em biết mình phải làm gì để bảo vệ biển.

Biển trong em thiêng liêng, nơi ấy mang đến cho con người nguồn thực phẩm, đánh bắt hải sản mưu sinh, biển cho không khí trong lành, mát mẻ vào ngày hè oi bức… Biển cũng là nơi chứa đựng những câu chuyện lịch sử, chủ quyền tổ quốc. Còn làng biển thì có những nét văn hóa rất đáng trân trọng, để hôm nay, em lại có dịp đến dự và trải nghiệm ngày hội “Về miền di sản biển Đà Nẵng”. Em có tìm hiểu và đọc được ý này rất hay: Chúng ta mới chỉ hiểu được Biển khoảng … 20%, còn nhiều lắm những điều chưa biết hết về Biển”, bạn Nguyễn Thiện Nhân – học sinh lớp 10/3, trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng chia sẻ.

Trong hai ngày diễn ra sự kiện (18-19/11/2023), người dân thành phố Đà Nẵng và du khách được thưởng thức và trải nghiệm những nét văn hóa biển dân gian – đương đại thông qua các hoạt động, được sắp xếp theo 3 chương, gồm “Chuyện làng biển” , “Hồn biển” và “Biển trong đời sống đương đại”.

Bạn Nguyễn Thiện Nhân (giữa, đang chụp ảnh) cùng các bạn học sinh trường THPT Phan Châu Trinh khám phá không gian cổ vật.

Ở mỗi chương, Ban tổ chức có kịch bản riêng, làm nổi bật chủ đề. Đó là triển lãm ảnh “Chuyện làng biển”, với gần 30 bức ảnh đặc tả đời sống văn hóa tín ngưỡng, sinh hoạt của cư dân vạn chài, nghề đánh bắt và chế biến hải sản truyền thống. Triển lãm tranh ký hoạ “Ký ức làng chồ”, với 65 bức tranh ký họa phản ảnh 4 chủ đề: “Một thuở làng chồ”, “Đời chồ”, “Em và chồ”, “Nghề chồ”, giúp công chúng hồi tưởng về một ký ức không quên của thành phố Đà Nẵng với khu “Làng chồ” ven sông Hàn và những phận người “Sống kiếp nhà chồ vui ít, buồn nhiều”.

Triển lãm ảnh “Chuyện làng biển”, thu hút các bạn trẻ. Với nhiều bạn, đây là trải nghiệm mới để hiểu thêm về biển.

Trong khuôn khổ ngày hội, còn diễn ra Liên hoan “Hát dân ca – hò khoan đối đáp”, tái hiện âm hưởng “hò khoan đối đáp” đi vào văn hóa miền sông nước. 6 đội thi thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận/huyện: Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang sẽ thi tài với những tác phẩm tình ca về quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa; ca ngợi gương sáng trong lao động, học tập, sáng tạo; sự phát triển quê hương Đà Nẵng, của non sông Việt Nam.

Nghe sử làng biển, và ngược dòng quá khứ
“Là không gian sinh tồn của nhiều lớp cư dân, có vị trí quan trọng trong việc hình thành các giá trị văn hóa, tín ngưỡng bản địa, đồng thời đóng vai trò cửa ngõ giao lưu với thế giới bên ngoài, yếu tố biển đã trở thành sợi dây xuyên suốt kết nối lịch sử và văn hóa Đà Nẵng. Vì vậy, nhắc đến văn hóa Đà Nẵng, chúng ta không thể không nhắc đến văn hóa biển”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.

GS.TS Sử học Elena Katyshevtsehva (bìa trái ảnh), hiện đang là Tình nguyện viên – Giảng dạy tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) chia sẻ những cảm xúc của mình với các bạn trẻ.

Từ xa xưa, Đà Nẵng đã có một bộ phận đông cư dân bám biển, sống bằng nghề biển, chính những tiền nhân này họ và hình thành nên các làng chài ven biển như Nam Ô, Mân Thái, Mỹ Khê, Thanh Khê, hình thành những nét văn hóa của cư dân vùng biển. Talkshow “Nghe sử làng biển” qua những chia sẻ mộc mạc của người con làng biển: Nhà nghiên cứu Đặng Dùng, Ngư dân Huỳnh Văn Mười, Nghệ nhân hát bả trạo: Phùng Phú Phong, Phùng Văn Phục, sẽ tái hiện những câu chuyện làng chài, tín ngưỡng thờ Thần trong văn hóa biển, nghệ thuật Hát bả trạo – Lời cầu an trên biển….

Đây cũng là nỗ lực lớn của Ban tổ chức, từ tìm tòi, tập hợp những người con của biển, gắn cả đời mình với biển, những nhà “biên sử biển” trong dân gian. Câu chuyện của họ mộc mạc, gần gũi, chân thật. Nhờ họ, những giá trị di sản văn hóa biển còn được gìn giữ, lưu truyền.

Một không gian khác xuất hiện trong “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2023”, là “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”. Nét độc đáo của phiên chợ này, là các di vật, cổ vật được khai quật lên từ những con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam. Xem di vật, cổ vật, xem những chủng loại đồ dùng xa xưa, công chúng vừa hình dung lại thời vang bóng của “con đường tơ lụa trên biển”, lội ngược dòng thời gian, nhận biết bộ mặt của quá khứ. Với nhiều người trẻ, đây là cơ hội hiếm, bởi họ chỉ được nghe kể lại, xem ảnh, hoặc video tư liệu ngắn. Phiên chợ do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Hội viên Hội Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, một số nhà sưu tập thuộc Hội cổ vật Lam Kiều tổ chức.

Với nhiều khách tham quan, không gian cổ vật gợi nhớ nét xưa, không gian xưa trong gia đình.

“Có khá nhiều đồ vật đã cũ ở đây, nhưng với em, mọi thứ đều rất mới, như một phát hiện bất ngờ. Lần đầu tiên, em tận mắt thấy đồ vật này, có đồ vật ra đời cách đây nửa thế kỷ, hay hơn nữa, cả thế kỷ, em tò mò muốn biết nó đã ra đời như thế nào. Em cũng quan tâm bằng cách nào để sưu tập và gìn giữ cổ vật ? tại sao có những đồ vật vẫn còn nguyên vẹn, dù đã qua nhiều thay đổi, biến động, … Qua phiên chợ, em hiểu ra vì sao, nhiều thế hệ vẫn yêu thích trải nghiệm những chợ phiên đồ xưa. Nhờ đó, thế hệ chúng em mới mở rộng được hiểu biết qua thực tế đến phiên chợ đồ xưa như thế này”, bạn Nguyễn Thiện Nhân – học sinh lớp 10/3, trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, đầy cảm xúc, chia sẻ.

Nhiều trường học đã đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

T.Ngọc