Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng – SURF 2024: Nhiều hoạt động tạo môi trường, truyền cảm hứng cho cộng đồng

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 29/8/2024, đã diễn ra các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng – SURF 2024, gồm: Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hội thảo khoa học “Kết nối không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul”; Hội thảo khoa học “Mô hình và mạng lưới phát triển các câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng”; Trình bày ý tưởng – Kết nối đầu tư trong khởi nghiệp.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các dự án khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” – bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

10 dự án vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo thành phố Đà Nẵng năm 2024 là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tiêu biểu của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng – SURF 2024.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Cuộc thi năm nay đã tuyển chọn được 10 dự án có chất lượng, thuộc các lĩnh vực theo xu hướng như AI, Block chain, Công nghệ thực tế ảo, tự động hoá…Đây là dấu hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, khi các dự án đã bắt kịp được xu hướng phát triển của thế giới.

 Điều đặc biệt hơn nữa, trong cuộc thi năm nay có sự tham gia của đông đảo các dự án là học sinh và sinh viên trong các trường THCS, THPT và Đại học trên địa bàn thành phố, điều đó cho thấy được sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần khởi nghiệp đến với các thành tố trong hệ sinh thái.Cuộc thi không chỉ là nơi tuyển chọn, phát triển các tài năng mà còn là nơi để vinh danh, tạo bước đệm bứt phá cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

10 dự án có mặt ở vòng chung kết gồm: UC Talent (ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain, thay đổi phương thức tuyển dụng, góp phần giải quyết các vấn đề trong thị trường tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực blockchain và web3); Tanigo (là một sản phẩm CRM AI, giải quyết các vấn đề trong giao tiếp với khách hàng cũng như bán hàng của doanh nghiệp); MetaDAP – Meta Digital Asset Platform (là giải pháp sáng tạo được phát triển trên nền tảng tài sản số MetaDAP, giúp kết nối các nhà đầu tư với các dự án đầy tiềm năng, một ứng dụng gọi vốn từ cộng đồng ).

Phòng Mô Phỏng Vật Liệu Vr360 (giải quyết những vấn đề của thị trường lĩnh vực: Bất động sản, showroom, bán lẻ, kiến trúc, nội thất nói riêng và toàn ngành nói chung, đơn cử như tìm và chọn lựa sản phẩm phù hợp với không gian riêng); Gen Teach (áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, giải quyết các vấn đề giáo dục giới tính. Các tính năng của GenTeach giúp người dùng cập nhật thông tin giáo dục giới tính chính xác nhất, trò chuyện với AI, chuyên gia, bác sĩ, mua các sản phẩm giáo dục giới tính an toàn).

Đại diện các dự án lần lượt thuyết minh về ý tưởng sản phẩm của mình. Ảnh: Thanh Huyền.

BINKS – Mực Thực Vật (Sản xuất mực viết và màu vẽ từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, tận dụng rau củ quả bỏ đi, chiết xuất hợp chất anthocyanin, sử dụng anthocyanin để sản xuất mực viết và màu vẽ thân thiện với môi trường. Sản phẩm có tốc độ khô nhanh gấp 6 lần và khả năng chống phai màu cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường; TripIn – Ứng dụng du lịch và truyền bá văn hóa, lịch sử { không bị rào cản ngôn ngữ } nhờ sử dụng AI & AR (Sử dụng AI {đã được đào tạo bằng dữ liệu chuẩn hóa} hỗ trợ trong thuyết minh di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bằng 32 ngôn ngữ khác nhau. Cho phép du khách trao đổi với AI như với tour guide thật.

CWAssistant – Trợ lý AI tác vụ chuyên sâu (áp dụng tràn lan các công cụ AI mà không được kiểm soát, sẽ gây ra mối lo ngại cho công ty, tổ chức. Từ đó, thúc đẩy ra đời các trợ lý ảo AI cung cấp thông tin riêng biệt. CWAssistant có khả năng đọc hiểu, tra cứu và tạo sinh câu trả lời tự động với thông tin (dữ liệu) được kiểm soát chặt chẽ; ElevaBot – Robot vệ sinh cầu thang tại nơi công cộng (Giải pháp tạo ra Robot có khả năng tự động di chuyển lên xuống và vệ sinh cầu thang, hỗ trợ và {mang lại khả năng} thay thế công việc dọn dẹp vệ sinh của nhân viên lao công tại các cầu thang một cách hiệu quả, tối ưu và an toàn lao động. Đặc biệt, Robot có khả năng di chuyển tự động và làm việc theo lịch trình); và Tradeline (ứng dụng kết nối thương mại điện tử B2B ngành công nghiệp, xây dựng. Giúp doanh nghiệp bạn trực tiếp đến khách hàng cuối cắt giảm khâu trung gian, giảm hàng tồn kho, tăng lợi nhuận kinh doanh từ 10-15%).

Nhóm dự án BINKS – Mực Thực Vật, giới thiệu đề tài đã nghiên cứu, hoàn thiện và đã có sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Thanh Huyền.

Trong số 10 dự án nêu trên, hầu hết đã có sản phẩm mẫu chuẩn, hoặc đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện sản phẩm mẫu. Dự án đã có sản phẩm và người dùng: UC Talent, có khoảng 600 khách hàng trong lĩnh vực công nghệ và 3 công ty tuyển dụng. Đặc biệt, BINKS – Mực Thực Vật, đã phát triển được sản phẩm hoàn thiện. Dự án Mực Thực Vật đi vào sản xuất và nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dùng. Nhóm phát triển  sản phẩm còn nhận được hợp tác của Labroom (do một Công dân CHLB Nga sáng lập) – một công ty giải trí dành cho trẻ em.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các dự án khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhằm mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với nòng cốt là các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, khẳng định.

Ngày mai, 30/8/2024, sẽ diễn ra phiên khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2024, Ban tổ chức sẽ tiến hành trao giải cho các dự án xuất sắc nhất, trong 10 dự án đã đi đến vòng cuối cùng của cuộc thi.

Đại diện dự án MetaDAP – Meta Digital Asset Platform, giới thiệu về sản phẩm. Ảnh: Thanh Huyền.

Kết nối Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2024 đã diễn ra Hội thảo khoa học “Kết nối Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul”.

Tại hội thảo, lãnh đạo ngành Khoa học và Công nghệ thành phố cùng phía bạn (gồm Bà Yeom Ji Yeon – Phó Tổng Lãnh sự  Hàn Quốc tại Đà Nẵng; ông Choi One-Hui – Tổng Giám đốc Pioneer Hàn Quốc; Bà Hà Linh Vân – Giám đốc Việt Nam – Kaia Foundation; Bà Phạm Thị Hương Thảo – Giám đốc điều hành F1Security tại Hàn Quốc), đã có những chia sẻ, nhìn lại thành tựu trong quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, khoa học công nghệ. Đồng thời thảo luận sâu về giải pháp, phương hướng phát triển, đối với khai thác hiệu quả mô hình không gian đổi mới sáng tạo Seoul – Đà Nẵng, nhằm kết nối và hỗ trợ để các Startup Đà Nẵng mở rộng thị trường sang Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cam kết sẽ trợ giúp thủ tục pháp lý, kết nối với các Quỹ đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc, giúp các Startup Đà Nẵng dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường tại Hàn Quốc..

Bà Yeom Ji Yeon – Phó Tổng Lãnh sự  Hàn Quốc tại Đà Nẵng phát biểu tại sự kiện hội thảo. Ảnh: Thanh Thảo.

Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul được hình thành năm 2023, mở ra cơ hội hợp tác, giữa các đối tác của Đà Nẵng và Seoul, đồng thời hỗ trợ kết nối các vườn ươm, trường đại học, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, dự án và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul hiện đặt tại toà nhà Font 1, quận Mapo, thủ đô Seoul, không gian này chính là nơi các startup Đà Nẵng sẽ được tiếp cận với các chương trình huấn luyện, đào tạo khởi nghiệp của Trung tâm di trú khởi nghiệp toàn cầu thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc và hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của DCAMP.

 “Thời gian qua, Công ty cổ phần công nghệ IRTECH – là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng – đã tranh thủ cơ hội và đặt trụ sở công ty ngay tại không gian này, tiếp cận trực tiếp với các đối tác và Quỹ đầu tư hàng đầu tại Hàn Quốc. IRTECH đã được hỗ trợ về cơ sở vật chất và không gian làm việc hiện đại tại Seoul, giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này là một minh chứng cho buổi đầu hợp tác rất thành công, trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giữa hai thành phố” – ông Nguyễn Hữu Hùng – Chủ tịch Công ty CP Công nghệ IRTECH, cho biết.

Ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng: Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường cho các Startup Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Thảo.

Còn “Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Seoul tại Đà Nẵng”, hiện đặt tại Toà nhà Vietnam inovation hub, số 179, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng,  là nơi đã hỗ trợ các Startup Hàn Quốc tiếp cận và phát triển tại thị trường Việt Nam, đồng thời giúp kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa hai thành phố. Không gian này không chỉ cung cấp nơi làm việc, mà còn là trung tâm kết nối, hỗ trợ các Startup trong thiết lập mạng lưới đối tác, tiếp cận các quỹ đầu tư và tham gia vào các chương trình đào tạo, hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng.

 Cũng tại hội thảo, mô hình Vườn ươm nhân tài tại Hàn Quốc đã được giới thiệu như một gợi mở mới, một hướng lựa chọn trong bồi đắp thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho các bạn sinh viên đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Quang Phước – Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, chương trình đào tạo (của Mô hình) theo hình thức online (học khi còn ở Việt Nam), bao gồm 2 học phần, diễn ra trong 6 tháng, đây là khởi đầu quan trọng để các bạn sinh viên trải qua vòng tuyển chọn, nếu đạt yêu cầu, sẽ nhận được học bổng sang Hàn Quốc. Chương trình đào tạo, làm việc tại Hàn Quốc cũng hỗ trợ trong sinh hoạt, nghiên cứu, các vấn đề pháp lý khác khi sinh viên Việt Nam ở hải ngoại.

“Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường cho các Startup Đà Nẵng, đặc biệt có cả cơ hội học tập, làm việc cho các em sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố trong thời gian đến. Chúng tôi kỳ vọng vào nhịp cầu kết nối giữa hai thành phố, bên cạnh các dự án của các nhà đầu tư và doanh nhân Hàn Quốc, đã có mặt tại Đà Nẵng; chúng ta đang hướng tới xây dựng mới, những dự án hợp tác mới và rất cụ thể của cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo 2 thành phố. Chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng, mà còn hiện thực hóa, đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho cộng đồng”, ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ.

Tại không gian triển lãm của Ngày hội: Sản phẩm lưu niệm là những biểu tượng của thành phố biển (Trung tâm hành chính ; cầu sông Hàn) của Công ty TNHH Thịnh Minh An. Ảnh: T.Ngọc.

Cũng trong ngày 29/8, không gian triển lãm của Ngày hội chính thức hoạt động và nhận được sự quan tâm của các bạn sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp, cùng đông đảo đại biểu. Không gian triển lãm có 96 gian hàng, trong đó các Sở Khoac và Công nghệ: tỉnh Ninh Thuận (8 gian), Bình Định (2 gian); tỉnh Quảng Nam (3 gian); tỉnh Thừa Thiên Huế (2 gian); Đà Nẵng (2 gian); Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà nẵng ( 1 gian); Đại học Đà Nẵng (5 gian) và một số trường trên địa bàn thành phố. 73 gian hàng khác của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, các công ty công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp từ sản phẩm OcoP; …

Các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học (DBC-Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), trong đó có sản phẩm từ Lan Gấm – loài cây đặc hữu của núi rừng Bà Nà. Ảnh: T.Ngọc.

Trần Ngọc – Thanh Thảo