Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngày Môi trường thế giới 5/6: Từ nhận thức phải chuyển sang hành động dứt khoát, mạnh mẽ hơn

ĐNA -

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6 năm 2023 – theo đề nghị của Chương Trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) – có chủ đề là ” Solutions to Plastic Pollution-Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, cũng trở thành chủ đề hoạt động truyền thông, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 (do Đoàn Thanh niên và Trung tâm Văn hoá Thể thao quận Hải Châu đã tổ chức). Chuỗi hoạt động truyền thông này được lồng ghép triển khai “đồng hành” cùng cuộc vận động “3 hơn” (Sạch đẹp hơn; An toàn hơn; Văn minh, lịch sự hơn), đã được phát động trước đó, nhằm nâng cao một bước nhận thức và khởi động những chuyển biến tích cực hơn trong hành động bảo vệ môi trường.

PGS.TS Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trưởng nhóm Nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường & Tài nguyên sinh học” thuộc Đại học Đà Nẵng, diễn giả chính của hoạt động truyền thông (chiều ngày 2/6/2023). Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Giải pháp cho ô nhiễm nhựa – thông điệp kêu gọi hành động mạnh mẽ và dứt khoát hơn
Có thể nhận ra, trong nhiều năm liền, chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường, cứu vãn hành tinh xanh, bảo vệ đại dương xanh”, và liên tiếp trong những năm gần đây, các cảnh báo về ô nhiễm nhựa đối với trái đất, đối với đại dương, liên tục được UNEP (cũng như nhiều tổ chức khác) phát đi với tính khẩn thiết của vấn đề, tính cấp bách của mệnh lệnh hành động. Năm nay, thông điệp được đề nghị như một bước chuyển biến mạnh mẽ và dứt khoát hơn (từ nhận thức sang hành động): Giải pháp cho ô nhiễm nhựa.

“Chúng ta đều biết, rác thải nhựa tràn ngập trong môi trường sẽ làm mất mỹ quan, gây hại cho các loài sinh vật. Điều đáng quan tâm là nhựa phân hủy rất chậm, tồn tại rất lâu trong môi trường. Càng ngày nhựa phân rả thành các dạng li ti, kích thước rất nhỏ gọi là vi nhựa. Chúng đi vào cơ thể của các loài sinh vật và con người, gây nên rất nhiều bệnh hiểm nghèo. Khi đốt nhựa cũng gây ra các khí độc hại như dioxin, furan,…

Mặc dù được biết đến mức độ độc hại và tồn tại lâu dài trong môi trường, nhưng đến nay sản phẩm từ nhựa hằng năm được sản xuất ra hàng trăm tấn. Trong khi tỉ lệ được tái chế chiếm tỉ lệ thấp (khoảng 9%), còn lại được đốt, chôn lấp hoặc thải bỏ ra môi trường (tự nhiên).

Cho dù cả thế giới đều lên tiếng, truyền thông rộng khắp, nhưng vì tính tiện lợi, rẻ tiền của các sản phẩm từ nhựa, cũng như vẫn còn quá ít các sản phẩm thay thế vật liệu nhựa, nên rác thải nhựa vẫn không ngừng tăng lên hằng ngày. Chính vì vậy, năm nay UNEP đã ra lời kêu gọi “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” nhằm hướng đến các giải pháp hành động, thay vì chỉ tuyên truyền đến tác hại như trước đây”, PGS.TS Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trưởng nhóm Nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường & Tài nguyên sinh học” thuộc Đại học Đà Nẵng, diễn giả chính của hoạt động truyền thông, chia sẻ.

Các bạn trẻ tham gia trả lời kiến thức về môi trường.

Quận Đoàn và Tuổi trẻ Hải Châu: Kiên trì với những mô hình hạn chế ô nhiễm nhựa, rác thải nguy hại
Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, anh Nguyễn Thanh Phong, trong chia sẻ với Asean News, nhấn mạnh rằng, tính cấp bách của vấn đề (cần hành động đi đôi với truyền thông nâng cao và chuyển biến nhận thức), chính từ khuyến cáo liên quan đến “vấn đề bức thiết hàng đầu – Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa – mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt”.

Đây không là “câu chuyện mới nhưng lại luôn mới, vì ”Cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa”. Chính thông điệp của (Ngày Môi trường thế giới 2023) “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, với yêu cầu tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”, càng cho thấy tình trạng ô nhiễm nhựa (trên đất liền, trên đại dương) vẫn đã, đang và sẽ nghiêm trọng, đe dọa đến hệ sinh thái cho muôn loài.

Và với con người chúng ta thì …
“Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 – 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương, đánh giá của UNEP”.

Bí thư Quận Đoàn Hải Châu Nguyễn Thanh Phong (thứ hai, từ phải qua) và các bạn đoàn viên với góc trưng bày sản phẩm tái chế.

Được biết, những năm qua, Cộng đồng toàn quận Hải Châu nói chung và tuổi trẻ Hải Châu nói riêng đã, đang (và vẫn duy trì) nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xử lý ô nhiễm nhựa. Các cấp bộ đoàn, lực lượng Tình nguyện viên trẻ trên địa bàn đã có chuỗi tuyên truyền linh hoạt và rất kiên trì đến cộng đồng trẻ, cũng như nhân dân về giảm thiểu, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; khuyến khích sản xuất và cung ứng cho tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

“Quận Đoàn và các cơ sở Đoàn trực thuộc đã triển khai, vận dụng, tổ chức các hoạt động sáng tạo, thiết thực, như mô hình “Ngôi nhà của Pin”, mô hình “Khu dân cư phân loại rác thải, mô hình “Chợ giảm túi nilon”, chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”,…. Các hoạt động, phong trào đã từng bước đi vào suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, góp phần xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; khuyến khích sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tuổi trẻ Hải Châu chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian đến, tham gia có hiệu quả chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Chương trình truyền thông ngày 2/6/2023, mở đầu cho một giai đoạn mới”, anh Nguyễn Thanh Phong – Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, khẳng định thêm.

Truyền thông về tác hại của ô nhiễm nhựa: Hành động càng cụ thể là cách truyền thông hữu hiệu nhất
Thực tế những năm qua, truyền thông (về tác hại của ô nhiễm nhựa) vẫn là giải pháp, biện pháp “nóng” cho vấn đề cấp bách, là “Chống ô nhiễm nhựa”, tuy nhiên, tác động của truyền thông thời gian qua, chưa đạt như mong muốn. Chưa “thực sự xoay chuyển nhận thức” và đạt được tiếng nói chung trong hành động, trở thành một giải pháp (đúng nghĩa) cho (vấn đề) ô nhiễm nhựa. Trả lời phỏng vấn của Asean News (cần đổi mới và chú trọng hơn những nội dung gì trong truyền thông), PGS.TS Võ Văn Minh đồng tình và nhấn mạnh rằng:

Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6 năm 2023, diễn ra sinh động

“Giống như tác hại của thuốc lá, tác hại của rác thải nhựa thường ít thấy ngay trước mắt ngoại trừ mất cảnh quan. Những bệnh tật hiểm nghèo mà con người mắc phải thường trải qua một thời gian phơi nhiễm lâu, các hạt vi nhựa xâm nhập và tích lũy trong các bộ phận của cơ thể trong thời gian dài mới phát sinh bệnh. Chính vì vậy, mặc dù đã nhận thức được tác hại nhưng chưa chuyển biển thành hành động ngay.

Mặc khác, trong xã hội công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa nhiều, xu thế sử dụng các sản phẩm tiện lợi gia tăng, thói quen dùng nhựa 1 lần chưa được thay đổi. Các nỗ lực áp dụng các công cụ chính sách đối với sản phậm nhựa chưa được áp dụng rộng rãi… đã góp phần làm cho rác thải nhựa tăng lên mặc dù công tác truyền thông giảm rác thải nhựa chưa đạt như kì vọng.

Có lẽ chúng ta cần phải bắt đầu từ những hành động thiết thực. Bởi vì hành động chính là “thông điệp” truyền thông hữu hiệu nhất. Trước hết cần tiếp cận từ các cơ quan, trường học đến các nơi công cộng chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các sản phẩm từ nhựa, tuyệt đối không sử dụng là nhựa sử dụng một lần. Kèm theo việc không sử dụng là những thông điệp giới thiệu các sản phẩm thay thế.

Nhận thức là một quá trình. Và quá trình đó nhanh hay chậm phụ thuộc sự quyết tâm của các bên liên quan, nhất là từ phía chính phủ. Lúc nào, chúng ta cũng cần kiên trì quan tâm hơn và đổi mới hơn các kênh truyền thông về “sử dụng các giải pháp thay thế cũng như giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa”. Điều cũng rất quan tâm đó chính là đối tượng và phương thức truyền thông. Đối tượng thương xuyên mua sắm và thói quen sử dụng thức ăn nhanh phần lớn cũng là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội.

Do vậy, chúng ta cần tiếp cận truyền thông để tác động đến các đối tượng này thông qua mạng xã hội, vận dụng “tính thông minh và luôn sẵn sàng” của trí tuệ nhân tạo cũng là việc nên làm. Với rác thải nhựa cũng như thuốc lá, khi cộng đồng thay đổi thói quen, cùng nhau tham gia “nói không” thì đó chính là giải pháp cho ô nhiễm nhựa chứ không phải xả ra rồi tập trung xử lí, thu dọn”.

Tuổi trẻ Hải Châu sẽ có các đội hình thanh niên tình nguyện, làm gương và đồng hành với những hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Chia sẻ thêm với Asean News, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, anh Nguyễn Thanh Phong, liên quan đến yêu cầu, làm sao để “thực sự xoay chuyển nhận thức” và đạt được tiếng nói chung trong hành động, trở thành một giải pháp (đúng nghĩa) cho “ô nhiễm nhựa”, cho biết thêm: “Thời gian đến, Quận Đoàn Hải Châu sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động (đăng, phát thông điệp môi trường qua hình thức infographic, tổ chức các hội thi, hội nghị – tọa đàm – nghe đoàn viên thanh niên hiến kế), đồng thời, cũng tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Tuy nhiên, Quận Đoàn xác định đã đến lúc phải đa dạng phương thức tuyên truyền; tận dụng ưu thế của công nghệ truyền thông và các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận và thực hiện truyền thông “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, cho hành động “Chống ô nhiễm nhựa”. Mục đích cuối cùng là phải tạo sự lan toả mạnh, đều khắp, và quan trọng là nhận được sự hưởng ứng bằng một hay nhiều hành động thiết thực của các bạn trẻ, cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Bởi cái rất cần là giải pháp thiết thực, giải pháp có thể thực hành hằng ngày, ai cũng có thể tham gia để hạn chế ô nhiễm nhựa.

Và có thể bắt đầu câu chuyện chuyển biến ngay từ  khâu tuyên truyền (nhân Tháng hành động vì môi trường của năm 2023; Tuần lễ Biển và Hải Đảo Việt Nam). Băng rôn, pa-nô, áp- phích cần được khuyến khích thiết kế từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường hơn, và treo ở các địa điểm công cộng, cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tổ chức. Song song, đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng các vật dụng nilon, nhựa khó phân huỷ. Quận Đoàn Hải Châu đang nghĩ đến việc xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện, làm gương và đồng hành với những hành động cụ thể, lan tỏa thông điệp lối sống thân thiện với môi trường, bằng chính hành vi của mình”.

Trước tình trạng ô nhiễm nhựa (nghiêm trọng cả trên đất liền, trên đại dương); mọi thông điệp và lời kêu gọi hiện nay đều hướng đến giải pháp và sớm đưa giải pháp (cho vấn đề Ô nhiễm nhựa) vào hiện thực cuộc sống. Bớt những thông điệp hay cách làm phong trào chung chung, nặng phô trương, trọng hình thức, nhưng thiếu chiều sâu và kém hiệu quả./.

T.Ngọc