Thứ hai, Tháng mười 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nghệ thuật thời Nguyễn qua hình tượng Tứ Linh

ĐNA -

Huế là kinh đô cuối cùng của Việt Nam dưới thời quân chủ. Huế giữ vị thế là đầu tàu của nền nghệ thuật dân tộc, cả nghệ thuật cung đình cao sang, quý phái và nghệ thuật dân gian sinh động, phong phú. Nổi bật và phổ biến nhất trong các hình tượng nghệ thuật của Huế là hình tượng Tứ linh (bốn con vật thiêng, gồm: Long-rồng; phượng (phượng hoàng), lân (kỳ lân) và linh quy -rùa thiêng). Dẫu tứ linh là hình tượng nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Hoa và có ảnh hưởng lan tỏa trong các nước Đông Á trong đó có Việt Nam, nhưng phải đến thời Nguyễn, với trung tâm văn hóa nghệ thuật Huế, thì hình tượng này mới xuất hiện phong phú, hoàn chỉnh và có cá tính riêng như vậy. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của nền nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật Huế nói riêng thông qua hình tượng Tứ linh.

Tứ linh: Long – Lân- Quy- Phượng

Long (Rồng)
Rồng là một hình tượng đặc biệt trong nghệ thuật truyền thống Việt bởi linh vật này là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng nhất gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc. Người Việt Nam tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên, trong đó Rồng là biểu tượng của yêu tố dương, của người cha, của núi, của sức mạnh…, còn Tiên là biểu tượng của yếu tố âm, của người Mẹ, của biển, của sự mềm mại…

Rồng chạm khắc gỗ thếp vàng trên bửu tán triều Nguyễn. Ảnh: Anh Phong

Rồng xuất hiện trong nghệ thuật Việt rất sớm. Hơn nghìn năm trước, hình tượng rồng đã xuất hiện ở cung điện thời Đinh, Tiền Lê. Đầu thời Lý, việc đức vua Thái Tổ tìm ra và xây dựng kinh đô mới cho nước Đại Việt cũng gắn liền với hình tượng rồng bay lên. Tên gọi Thăng Long cũng bắt nguồn từ đó.

Ở thời Lý, Trần, Rồng xuất hiện nhiều nơi và mang những đặc trưng riêng, dễ phân biệt. Rồng thời Lý thon dài, không vảy, hay gọi là “rồng giun”, kỳ thực chưa thoát khỏi hình rắn. Rồng thời Trần mập khỏe hơn, thân có vảy, cách thể hiện phóng khoáng mạnh mẽ hơn hẳn rồng Lý. Những tác phẩm điêu khắc đá, những bức phù điêu gốm mang hình tượng rồng thời Lý, Trần tìm thấy được cho đến nay đã và vẫn sẽ là biểu tượng, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam về nền văn hiến nghìn năm của mình.

Rồng ở ngai vàng triều Nguyễn (gỗ sơn son thếp vàng)

Từ thời Hậu Lê trở về sau, hình tượng rồng được thể hiện ngày càng phong phú cả về hình dáng và chất liệu. Không chỉ có hình dáng thon dài như rắn mà rồng còn được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, kể cả hình thú. Nhưng điểm dễ nhận ra là chiếc mũi to và vẻ uy nghi, mạnh mẽ khác hẳn các thời kỳ trước. Rồng đã thoát khỏi chốn cung đình để phổ biến trong nghệ thuật dân gian, còn trong Hoàng cung, nó đã trở thành biểu trưng của quyền lực tối thượng hoàng đế. Những tác phẩm điêu khắc rồng đá ở cung điện thời Lê ở Lam Kinh, ở điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long có thể xem là những tuyệt phẩm của nghệ nhân Việt ở thời kỳ này. Nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và phương thức thể hiện.

Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh (long, lân, quy, phượng), thường được thể hiện với dáng vẻ uy nghi, mạnh mẽ trong chốn cung đình, nhưng lại có nhiều biến thể lạ, thậm chí còn có vẻ hài hước, vui nhộn trong nghệ thuật dân gian.

Rồng trên ấn ngọc ấn vàng triều Nguyễn

Linh vật rồng tiêu chuẩn phải là sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là tốt đẹp nhất của 9 con vật có thật: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống. Và nếu là rồng tượng trưng cho hoàng đế thì thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm, thân uốn 9 khúc (tức phải là số 9 hoặc bội số của 9 -con số lẻ- số dương cao nhất); chân rồng lại phải có 5 móng (số chính giữa trong hàng số lẻ). Thiếu những yếu tố trên, rồng không còn là linh vật rồng đích thực nữa mà là những biến thể của nó, thường được xem là em út, con cháu của rồng. Những biến thể này thường được dùng tượng trưng cho hoàng tử, hoàng thân và các quan lại, hay đơn giản chỉ dùng để trang trí như mãng long, giao long, long mã…

Thời Nguyễn, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng nay vẫn bảo tồn được vô số. Trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng: uốn khúc cong, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngữa… hình dáng sinh động nhưng vẫn giữ được vẻ oai nghiêm. Trên bình phong thì thường tạo tác thành từng đôi đối xứng kiểu rồng chầu mặt trời, chầu mặt trăng hoặc hình mặt rồng nhìn thẳng.

Rồng trên bờ nóc điện Thái Hòa (đắp sành sứ), trên bình phong lăng Cơ Thánh (bê tông xi măng) và ở vì kèo điện Long An (khắc gỗ).

Trên đồ đồng thì hình tượng rồng đặc trưng nhất phải kể đến hình rồng khắc trên Cao đỉnh trước tòa Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. Đó là hình tượng “phi long tại thiên” (rồng bay giữa trời) với khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây lành, thân rồng lẫn vào mây, chỉ lộ rõ đầu, đuôi và bàn chân với 5 móng vuốt. Đó cũng là hình ảnh vị hoàng đế ở ngôi vị cao nhất để cai trị thiên hạ. Trước nhà hát cổ Duyệt Thị Đường cũng có đôi rồng điêu khắc đồng tuyệt đẹp. Rồng đặt trên bệ vuông, thân nửa phần cuộn quanh, nửa phần dựng lên để tạo dáng ngồi xổm rất thú vị. Mắt rồng nhìn thẳng, bờm và vây lưng dựng đứng, dáng vẻ ngộ nghĩnh hơn là oai vệ.

Trên chất liệu đá, hình tượng rồng thường được tạc thành khối riêng hoặc dạng phù điêu, trang trí hai bên bậc cấp lối đi, trên bình phong, trên bia đá quan trọng ở lăng tẩm. Những đôi rồng điêu khắc trên bình phong lăng Thiên Thọ Hữu, lăng Hiếu Đông được xem là đạt đến vẻ đẹp kinh điển. Rồng chầu hai bên thành bậc cung điện, lăng tẩm thường được thể hiện đang trườn từ trên cao xuống, thân uốn nhiều khúc, đầu ngẫng cao, mắt nhìn thẳng. Ở một số nơi như lăng Gia Long, lăng Khải Định, rồng chầu thành bậc được tạo tác với kích thước rất lớn nhưng đắp bằng vôi vữa, mắt rồng còn gắn bằng thủy tinh màu cho sinh động.

Nhưng rồng đắp vữa gắn sành sứ phổ biến nhất vẫn là trên nóc mái cung điện, cung điện càng quan trọng thì trang trí rồng càng nhiều, kích thước càng lớn, tiêu biểu là nóc mái Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành và điện Thái Hòa, ngôi điện có chiếc ngai vàng của triều đại ngự trị. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, đứng ở phía nào của điện Thái Hòa người ta cũng đều thấy hình ảnh của 9 con rồng đang bay lượn trên nóc mái. Điều đó cũng khiến công trình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Ở một số bình phong xây gạch đắp vữa, rồng được thể hiện dưới dạng phù điêu nổi cũng đạt đến giá trị mỹ thuật rất cao, tiêu biểu là rồng trên bình phong sau điện Lương Khiêm ở lăng Tự Đức, mặt rồng ở bình phong trước lăng Cơ Thánh (lăng vị thân sinh vua Gia Long)…

Rồng trên mũ, áo bào, hia, giày của hoàng đế triều Nguyễn.

Rồng được thể hiện trên chất liệu gỗ thời Nguyễn rất phong phú, nhưng tiêu biểu nhất là trên chiếc ngai vàng và bức bảo tán che bên trên. Tuy nhiên, đạt đến trình độ nghệ thuật cao nhất phải là các bộ vì nóc chạm nguyên khối hình rồng ở điện Long An. Đó là những bức gỗ lim rất lớn được chạm lộng vô cùng khéo léo hình rồng lẫn trong mây nước, đầu đội đòn tay nóc, 4 chân vươn ra đỡ các đòn tay bên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những kiệt phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Rồng thời Nguyễn còn được thể hiện trên nhiều chất liệu khác, như sơn mài, sơn thếp vàng bạc, ngọc, ngà, xương, đồ pháp lam, đồ gốm sứ, đồ dệt, thêu..vv.. mà chất liệu nào cũng có không ít các tác phẩm xuất sắc. Đạt được thành tựu trên chỉ có thể lí giải bằng nguyên do, Rồng đã trở thành một đặc trưng của văn hóa Việt thời Nguyễn.

Rồng duỗi bậc ở Hiển Lâm các và Rồng duỗi bậc ở lăng Khải Định

Phượng Hoàng
Cũng như rồng, phượng hoàng hay phượng là một hình tượng đặc biệt trong văn hóa Việt, cả hai cùng thuộc bộ Tứ linh, và hơn thế là một cặp đối xứng biểu trưng cho những gì tốt đẹp, cao quý nhất. Nhưng không như rồng, vốn có nguồn gốc từ phương Bắc, phượng hoàng có thể là sản phẩm của cư dân phương Nam.

Phượng hoàng xuất hiện từ rât sớm trong văn hóa Trung Hoa. Hơn 7 ngàn năm trước, hình tượng phượng hoàng đã xuất hiện trên các đồ gốm. Đó là một loài chim lớn, hình dáng cân đối mạnh mẽ, cổ dài, đuôi dài mà người ta cho rằng có thể là một loài chim có thật vốn được cư dân thờ như một tô tem giáo bản địa. Nhưng một số nhà nghiên cứu lại cho rằng phượng hoàng có nguồn gốc từ phương Nam, mà cụ thể là từ đất Việt Nam. Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký nổi tiếng đã ghi rằng: “Năm Tân Mão thứ sáu (1.110 TCN) đời Thành Vương nhà Chu, họ Việt Thường thị ở bộ Giao Chỉ sai sứ dâng chim trĩ trắng. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho 5 cỗ xe làm theo lối chỉ nam theo đường ven biển về nước, đi tròn năm mới về đến nơi”. Chim trĩ trắng sau đó mới chuyển hóa thành hình tượng phượng hoàng, loài chim tượng trưng cho sự đoan trang, cao quý và sắc đẹp của người phụ nữ.

Thực ra nguyên xưa phượng và hoàng là hai con trống- mái của một loài chim. Trong Ngũ hành hay thuật phong thủy người ta hay lấy phượng hoàng làm một đôi đang hướng mặt vào nhau, tượng cho phương nam. Nhưng về sau, tên gọi phượng hoàng không còn phân biệt mà dùng chỉ chung cho loài linh điểu cao quý nhất trong loài chim.

Phụng/phượng hoàng trang trí (đắp sành sứ) trên bình phong cung Trường Sanh.

Trong văn hóa Việt, hình tượng phượng hoàng xuất hiện từ rất sớm. Có người cho rằng, hình tượng chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn chính là sự khắc họa có tính điển hình đầu tiên. Đó là loài chim thần, đang bay lượn trong điệu múa của vũ trụ để vạn vật sinh sôi và hòa hợp. Nếu đúng như vậy, từ buổi nguyên thủy phượng hoàng đã là linh điểu trong tô tem của người Việt cổ.

Sau khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, phượng hoàng có những thay đổi nhưng vẫn là linh vật quan trọng hàng đầu và là biểu tượng của phương Nam. Phượng hoàng là Thái âm, hợp với rồng (Thái dương) để tạo nên một cặp đối xứng âm – dương trong Tứ tượng.

Phượng hoàng là linh điểu nên cũng như rồng, nó là sự tập hợp những nét ưu việt nhất của các loài vật như đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá…, thân mang năm màu của Ngũ hành là đen, trắng, đỏ, xanh và vàng, đồng thời tượng trưng cho sáu yếu tố bao hàm cả vũ trụ: đầu là bầu trời, mắt là Mặt trời, lưng là Mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh… Chính vì vậy phượng hoàng múa là biểu trưng của vũ trụ đang vận hành.

Trong kiến trúc và trang trí, hình tượng phượng hoàng có sớm không kém gì rồng, thậm chí còn phổ biến và đa dạng hơn nhiều, sự chau chuốt và chất nghệ thuật cũng hơn hẳn. Phượng hoàng trên nóc cung điện thời Lý Trần được tạo hình với số lượng rất lớn và đã đạt đến trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Ngày nay, được ngắm những đầu chim phượng bằng gốm khổng lồ vốn được phát hiện tại khu Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, ai cũng trầm trồ kinh ngạc về chiều kích và chất nghệ thuật của chúng. Không biết có phải vì vai trò và ảnh hưởng quá lớn của phượng hoàng mà thành Thăng Long hồi ấy cũng gọi là Phượng Thành, về sau là Long Phượng Thành. Từ thời Lê, phượng hoàng bắt đầu ảnh hưởng sâu sắc hơn vào đời sống cung đình. Hình tượng phượng hoàng thường được gắn với hoàng hậu, phi tần, công chúa… trong khi rồng là biểu tượng của nhà vua. Ngay cả áo mão của nữ giới trong cung cũng gắn chặt với hình ảnh của phượng nhưng khác nhau về số lượng và cấp độ trang trí. Đến thời Nguyễn thì các quy định trở nên vô cùng chặt chẽ.  Mão đại triều của hoàng hậu có gắn 9 con chim phụng bằng vàng, xiêm y cũng vậy nhưng là thêu bằng chỉ vàng, kim tuyến. Từ bậc quý phi xuống đến cung tần, tiệp dư…thì căn cứ vào thứ bậc để giảm về số lượng và mức độ trang trí.

Trong kiến trúc, hình tượng phượng hoàng xuất hiện khắp nơi. Thành Gia Định từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức (1836- 1859) được gọi là Phụng Thành (Đàng trong gọi phượng là phụng). Tòa thành này đã bị thực dân Pháp san phẳng khi đánh chiếm Nam bộ. Tại kinh đô Huế, toàn bộ phần kiến trúc gỗ bên trên cổng chính Ngọ Môn của Hoàng thành có tên là lầu Ngũ Phụng. Nhiều người thắc mắc vì sao ca dao Huế có câu: “Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu” mà lại gọi là lầu Ngũ Phụng? Thực ra, chữ “Ngũ Phụng” ở đây chỉ có nghĩa biểu trưng, vì phượng là linh điểu tượng cho phương Nam. Ngọ Môn là cổng chính quay mặt về hướng Nam nên mới mang tên ấy. Lầu Ngũ Phụng còn mang ý nghĩa là nơi nhà vua trọng thị mời gọi và đón tiếp hiền tài từ bốn phương về tụ hội, vì “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trong thời kỳ này, các bậc học giả thi đỗ đại khoa đều được ví như phượng hoàng. Bởi vậy mới có chuyện, khoa thi năm Mậu tuất 1898, đất Quảng Nam có đến 5 vị cùng thi đỗ đại khoa (2 Phó bảng, 3 Tiến sỹ) thì được vinh danh là xứ sở có “ngũ phụng tề phi” (5 chim phượng cùng bay lên).

Tuy vậy, hình ảnh phượng hoàng vẫn gắn nhiều hơn với hình tượng nữ giới trong cung. Cung Diên Thọ vốn dành cho Thái hậu nên nóc mái đều được trang trí hình chim phượng. Chim phượng cũng được tạo hình thành từng cặp trên bình phong của cung Trường Sanh (dành cho Thái hoàng thái hậu), bình phong lăng Khiêm Thọ (lăng hoàng hậu Lệ Thiên, vợ vua Tự Đức)… Phượng hoàng cũng xuất hiện nhiều có khi đơn lẻ, có khi chung trong bộ Tứ linh, trên các phù điêu trang trí tại các ô hộc, liên ba cổng, tường, mái cung điện bằng các loại chất liệu phong phú: gỗ, đá, mảnh sành sứ, đắp vôi vữa… Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí này là phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Ngô đồng là giống cây quý, cũng là loài cây duy nhất mà phượng hoàng chọn để đậu. Phượng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an. Có lẽ vì mong mỏi điều ấy mà vua Minh Mạng đã cho trồng 4 cây ngô đồng ngay sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. Đến nay, những cây cổ thụ này vẫn đều đặn nở hoa tím biếc cả một khoảng trời mỗi mùa hè chớm về chốn hoàng cung.

Kỳ lân ở điện Kiến Trung và Lân đá trước cửa Hiển Nhơn- Hoàng thành Huế.

Kỳ Lân
Cũng là một linh vật trong bộ tứ Long- Phượng – Lân – Quy nhưng dường như lân (hay kỳ lân) lại xuất hiện như một hình tượng nghệ thuật ở Việt Nam muộn hơn. Dù vậy, kỳ lân lại đến cùng bao nhiêu huyền thoại, truyền thuyết kỳ bí.

Kỳ lân có hình dáng đặc biệt, cũng là sự hội tụ những đặc điểm ưu việt nhất của các loài cầm thú: sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt chim ưng, mũi sư tử, miệng cá sấu, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Cũng có khi kỳ lân được tưởng tượng với hình dáng của một con hươu xạ với bộ sừng đồ sộ nhiều khúc, nhưng lại có đôi mắt quỷ, miệng hùm, râu cá trê, thân phủ đầy vảy cá cùng bộ móng ngựa, chiếc đuôi bò. Ở dạng này lân có đến 5 màu rực rỡ: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen. Thực chất, đó là màu sắc của Ngũ hành, bởi vậy, bụng kỳ lân, tượng trưng cho vị trí trung tâm, có màu vàng. Ở biến thể khác, kỳ lân lại có cả một đôi sừng hất về phía sau cùng chiếc bờm dài như sư tử. Trong cung điện, lăng tẩm vua chúa các triều đại Trung Quốc vẫn còn bảo tồn được nhiều hình tượng kỳ lân với các đặc điểm trên, bằng chất liệu đồng, đá, ngọc, gỗ và cả trên tranh giấy, tranh thêu… Nhưng dù xuất hiện với hình dạng như thế nào thì trong trí tưởng tượng của tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho hỉ sự, may mắn và sự trường tồn. Kỳ lân nổi bật với tính cách trung trực, lòng nhân từ và sự bao dung. Không bao giờ nó giẫm đạp lên các loại côn trùng và cây cỏ, không ăn thịt hay uống nước bẩn.

Tại Trung Hoa, kỳ lân được xem là một linh thú chỉ xuất hiện để báo hiệu sự ra đời của bậc thánh nhân. Trong thời vua Nghiêu – Thuấn, và trước khi Khổng Tử ra đời, kỳ lân đã xuất hiện. Người ta cũng cho rằng, kỳ lân xuất hiện lần cuối 3 năm trước khi Khổng Tử qua đời.

Một biến thể khác của kỳ lân là con Long mã với đầu rồng, thân ngựa. Long mã gắn liền với truyền thuyết vua Vũ trị thủy sông Hoàng Hà nên thường được thể hiện đang chạy trên sóng nước, đầu ngẫng cao, lưng chở Hà đồ. Trong hình tượng này, Long mã là biểu trưng chí khí tung hoành của bậc quân tử vì rồng bay lên tượng cho trục tung, ngựa chạy ngang tượng cho trục hoành.

Thực ra cũng như phượng hoàng, kỳ lân vốn là tên ghép của hai giống đực- cái của một loài linh thú, trong đó, Kỳ là con đực mang 1 chiếc sừng cong, nhỏ ở giữa trán; còn Lân, con cái, thì không có sừng. Về sau mới không có sự phân biệt, kỳ lân hay lân trở thành tên gọi chung chỉ loài linh thú xếp hàng thứ 3 trong bộ Tứ linh. Trong nhóm Long- Phượng – Lân – Quy, lân tượng trưng cho Thiếu âm, ứng với Thiếu dương là quy, nhưng cũng có khi Tứ tượng lại được được ghép thành Thái dương- Thiếu âm và Thiếu dương – Thái âm, khi đó, lân được ghép với rồng, tạo nên thứ tự khá phổ biến trong dân gian: Long- lân – quy – phượng.

Theo các nhà nghiên cứu, tại Việt Nam, lân xuất hiện từ thời Hậu Lê (1428 -1789), nhất là giai đoạn Lê Trung Hưng (1533- 1789) trên các chi tiết trang trí kiến trúc ở đình, chùa. Sang thời Nguyễn (1802 -1945) thì kỳ lân có mặt ở khắp nơi, từ dân gian đến chốn cung đình.

Kỳ lân trên tranh thêu cung đình thời Nguyễn

Thực ra thì ngay từ thời các chúa Nguyễn hùng cứ ở Đàng Trong (1558-1775), lân đã thể hiện dấu ấn trong chốn cung đình. Năm 1709, chúa Nguyễn Phước Chu đã cho đúc 2 chiếc ấn vàng có núm hình kỳ lân. Điều thú vị là hình tượng lân trên ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” và ấn “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” đã thể hiện những đặc điểm khác nhau. Lân trên ấn thứ nhất trong tư thế “lân hí cầu”, đầu không có sừng, chân trái đặt trên quả cầu, chân phải chống thẳng, móng chân kiểu móng ngựa, thân không vảy nhưng lưng có kỳ như rồng, đuôi kiểu đuôi cá chép dựng ngược lên; nét mặt lân trông vui nhộn. Trên chiếc ấn sau, lân cũng trong tư thế ngồi xổm nhưng mặt mũi nghiêm nghị, đầu có sừng cong tròn, nhưng không phải trước trán mà nằm ra tận sau đỉnh đầu; râu dê như râu rồng nhưng chân có 4 móng kiểu chân cá sấu.

Dưới triều Nguyễn, lân có vị trí quan trọng trong chốn cung đình. Trong số 85 chiếc kim bảo ngọc tỷ còn giữ được của vương triều Nguyễn, lân hiện thân trên 2 chiếc ấn bạc “Văn lý mật sát” (1886), “Diên thọ cung bảo”(1916) và chiếc ấn ngà “Khải Định thần hàn”(1916). Đặc điểm chung của hình tượng kỳ lân trên các ấn này là đều không có sừng, nhưng có nhiều điểm khác nhau, như thân có vảy hay chỉ có kỳ trên lưng, đuôi cá chép hay đuôi gà, móng sấu hay kiểu móng ngựa.

Trên kiến trúc và trang trí, lân được thể hiện khá đa dạng bằng nhiều chất liệu: gỗ, đá, đắp sành sứ với nhiều dáng vẻ khá sinh động. Với chất liệu gỗ, lân hay được chạm làm chân bình phong, giá treo chuông khánh (có lẽ nhằm cộng hưởng cho các nhạc khí này vì tiếng của lân được cho rằng vang như tiếng chuông) hay làm bệ đạp chân cho Hoàng đế ở ngai vàng. Trước các cổng Hiển Nhơn, Thế Miếu (Hoàng thành) và Đại Hồng Môn (lăng Minh Mạng) có những đôi lân đá, ngồi đối diện với nhau trong tư thế gác cổng. Dưới dạng này, lân thường được gọi là nghê hay cù, hình dáng khá giống sư tử, không có sừng, lưng có kỳ chứ không có vảy, chân có móng như chân sấu. Có nhà nghiên cứu cho rằng, nghê thực chất là con Phật sư trong truyền thuyết Phật giáo, là loài sư tử vốn được Phật quy phục, thường được dùng làm vật cưỡi cho Văn Thù Bồ Tát, nhưng sau khi vào Việt Nam đã được Việt hóa và tạo ra các biến thể sinh động, phù hợp với văn hóa Việt. Nếu đúng vậy thì kỳ lân được du nhập vào Việt Nam bằng cả hai con đường, từ Bắc xuống với hình ảnh loài lân có sừng, thân có vảy, bộ móng ngựa… và từ Nam lên với hình ảnh con nghê không sừng, thân không vảy và bộ móng thú. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa hai loài này rất không rõ ràng.

Những con lân được đắp trên bình phong, trên bờ mái, bờ nóc cung điện thường rất sinh động, mang hình dáng long mã hay nghê với nhiều gam màu lung linh nhờ hiệu quả của sành sứ.

Kỳ lân trên ấn vàng thời Nguyễn

Nhưng điển hình nhất có lẽ vẫn là những con lân bằng đồng được đúc và chạm khắc với kích thước khá lớn, đặt thành từng đôi đối xứng ở trước sân điện Thái Hòa, sân  chầu Thế Miếu, lăng Minh Mạng và lăng Thiệu Trị. Đây là những con lân có hình dáng gần gũi với truyền thuyết Trung Hoa, trán có 1 sừng nhỏ, thân mang vảy nhưng lại có bộ móng thú và chiếc đuôi gà. Tại vị trí này, lân được cho là làm nhiệm vụ giám sát thái độ và lòng trung thành của các quan đứng chầu trên sân. Cũng bằng chất liệu đồng nhưng với kích thước nhỏ hơn, lân được đặt bên trong cung điện, miếu thờ với phần lưng khoét rỗng làm dụng cụ xông trầm mỗi khi tổ chức nghi lễ.

Lân đôi khi được thể hiện chung trong bộ Tứ linh (bình phong hậu lăng Tự Đức), trong cặp đôi với rồng (trên mái điện Thái Hòa), với Phượng (trên bình phong cung Trường Sanh), có xuất hiện thành nhóm 3 con trong mô típ “Tam lân hí cầu” (trên lư trầm bằng đồng, đắp nổi bằng vôi vữa trên bình phong lăng Cơ Thánh)…

Đặc biệt, ngay trong chốn cung đình, hình tượng kỳ lân còn xuất hiện trong điệu múa “Lân mẫu xuất lân nhi” rất độc đáo. Văn hóa múa lân trong các dịp lễ tết còn ảnh hưởng sâu rộng ra dân gian vùng Huế.

Trong dân gian, lân xuất hiện nhiều nơi với tên gọi nghê, cù trước cổng hay trên đầu cột tam quan chùa, trụ biểu đình làng; trên bình phong đình, miếu, phủ đệ, nhà thờ họ…dưới dạng long mã. Ở Huế, Long mã được đặc biệt ưa thích và được thể hiện rất nhiều trên các bình phong, từ cung đình đến chốn dân gian. Chính vì điều này mà các họa sỹ của Pháp và Việt Nam đã đưa Long mã trở thành biểu tượng của Festival Văn hóa Huế.

Nhà nghiên cứu phong thủy Lý Thái Sơn còn cho rằng, địa cuộc của vùng đất Huế là thế “Lân hí cầu”, chủ về văn hóa. Không biết có phải vì vậy mà Huế đã và đang trở thành một trung tâm văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam?

Linh Quy
Linh quy là một hình tượng độc đáo trong văn hóa Việt- nền văn hóa gắn liền với sông nước và nông nghiệp. Là linh vật xếp cuối trong nhóm Tứ linh (Long- Phượng- Lân – Quy), nhưng linh quy xuất hiện rất sớm, gắn liền với huyền thoại về quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt Nam.

Linh quy đội tấm bia khắc bài minh Ngự kiến Thiên Mụ tự năm 1715 của chúa Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ.

Truyện kể rằng, sau khi thống nhất đất nước, An Dương Vương Thục Phán đã chọn vùng đất bằng phẳng, rộng rãi ở Phong Khê (nay là Đông Anh, Hà Nội) để xây dựng Loa Thành làm kinh đô cho nước Âu Lạc. Nhưng thành cứ xây lại đổ, mãi mà không thành. Sau nhờ thần Kim Quy (Rùa vàng) mách nước, Thục Phán mới thành công. Thành xây xong, Thần Kim Quy lại dâng chiếc móng quý để làm lẫy nỏ, giúp vua giữ thành. Với chiếc nỏ thần kỳ diệu có thể cùng lúc bắn ra hàng ngàn mũi tên, An Dương Vương đã bảo vệ được đất nước trước bao lần tấn công của quân đội Triệu Đà ở phía Bắc. Nhưng rồi Triệu Đà đã dùng mưu, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mỵ Châu, rồi thừa cơ trộm mất lẫy nỏ thần. Mất lẫy nỏ, cũng là mất đi sự trợ giúp của thần, An Dương Vương đã đại bại, phải chém công chúa rồi trẫm mình xuống biển!

Đó là câu chuyện xảy ra ở khoảng thế kỷ 3 trước Công Nguyên. Khi ấy, văn minh Nho giáo chưa xâm nhập vào Việt Nam. Tư duy văn hóa Việt vẫn thuần nhất là tư duy sông nước và nông nghiệp của vùng Đông Nam Á, Linh quy (Rùa thiêng) là một biểu tượng của thần linh nhưng hết sức gần gũi với cuộc sống của con người. Điều này có lẽ cũng do rùa- loài động vật lưỡng cư chậm chạp và hiền lành- vốn phân bố quá phổ biến ở các vùng sông nước mà Việt Nam vốn là một trong những chiếc nôi.

Sau sự kiện trên 8 thế kỷ, lại xuất hiện một huyền thoại khác gắn liền với sự xuất hiện của Linh quy, nhưng đây là câu chuyện của hòa bình và độc lập dân tộc. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, thu lại giang sơn bờ cõi, lập ra triều Lê (Hậu Lê), một lần Thái Tổ Lê Lợi dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng nhiên sóng nước quẫy động rồi một con rùa rất lớn nổi lên bơi về phía thuyền nhà vua, đến gần thuyền, nó bỗng cất tiếng nói: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hãy trả lại gươm thần!”. Lê Thái Tổ bèn rút thanh gươm báu Thuận Thiên vốn tìm được khi cắm cờ dựng nghĩa ném xuống nước. Rùa thần cắp ngang thanh kiếm, rẽ nước lặn xuống sâu… Từ đó hồ Lục Thủy mới được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm, dân gian thì quen gọi là Hồ Gươm.

Như vậy, Linh quy trong văn hóa Việt không chỉ gắn liền với huyền thoại bi tráng của dân tộc về quá trình dựng nước, giữ nước mà còn gắn với một huyền thoại tuyệt đẹp về việc giữ gìn hòa bình, giải trừ binh bị, khép lại chiến tranh. Đây cũng là ước vọng ngàn đời của người Việt.

Xét trên mặt triết lý, Linh quy là linh vật tượng trưng cho vũ trụ với chiếc mai cong tượng trưng cho vòm trời, bụng phẳng tượng trưng cho mặt đất; trên chiếc mai lại có những ô hoa văn kỳ lạ, biểu tượng cho ký hiệu của Trời Đất muốn chuyển tải đến loài người. Chính vì vậy, ở Trung Hoa ngày xưa đã có huyền thoại, khi vua Đại Vũ trị thủy trên sông Lạc, phát hiện rùa thần mang trên lưng các ký hiệu của Thiên đế, ngài đã giải mã để tạo thành các phép tắc để cai trị thiên hạ. Đó cũng là xuất xứ của Lạc thư. Theo các nhà nghiên cứu, ở Trung Quốc, Linh quy được trao cho sứ mệnh cao cả: Đội bia ghi công đức hoàng đế, đội trụ hoa biểu trên lăng mộ hay được yểm sâu vào lòng đất như các bảo vật của phong thủy để giữ yên cho cuộc đất vạn niên cát địa.

Kỳ lân trên ấn vàng thời Nguyễn

Ở Việt Nam, hình tượng rùa đội bia đã xuất hiện từ thế kỷ XII, ở chùa Linh Ứng (Thanh Hóa), nhưng đến thế kỷ XV, tức đầu thời Hậu Lê, mới bắt đầu phổ biến. Văn Miếu Hà Nội là nơi còn bảo lưu đầy đủ nhất các tác phẩm rùa đội bia đá của Việt Nam. Dưới 82 tấm bia đề danh 1304 vị tiến sĩ triều Lê (1428-1789) là 82 cụ rùa tạc bằng đá thanh với phong cách khá thống nhất: Lưng rộng, bè, đầu nhọn, giống ba ba hơn là rùa, hình dáng gần tương tự như loài rùa mai mềm khổng lồ vẫn tồn tại ở Hồ Gươm. Văn Miếu Huế là sự tiếp nối của Văn Miếu Hà Nội ở thế kỷ XIX, nhưng chỉ có 32 cụ rùa đá đội trên lưng 32 tấm bia khắc tên 293 vị tiến sĩ thời Nguyễn (1802-1945). Rùa đá ở Văn Miếu Huế kích thước nhỏ nhưng thân dày, đầu vươn cao, hình dáng rất gần gũi với rùa mai cứng ngoài đời. Thực ra, sự khác biệt trong tạo hình giữa rùa đá Đàng Trong và Đàng Ngoài đã có trước thế kỷ XIX. Tại chùa Thiên Mụ hiện nay vẫn bảo tồn được tấm bia đá đặt trên lưng rùa do chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng từ năm 1710, sau khi đại trùng tu lại ngôi quốc tự này. Cả bia và rùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Con rùa tạc từ đá cẩm thạch, thân dày, kích thước rất lớn, tạo hình sinh động, dáng vẻ khác hẳn rùa Đàng Ngoài. Phong cách này vẫn tiếp nối trên chiếc ấn Quốc Mẫu Chi Bảo, đúc trong khoảng 1779-1806. Đó là hình tượng Linh quy đúc bằng vàng đặt trên chiếc ấn bạc (thay cho quai ấn). Rùa thân dày, đầu vươn khá cao, trên mai khắc 36 ô hoa văn hình chữ Hồi.

Trong tạo hình, dù là một linh vật thuộc Tứ linh nhưng hình tượng rùa thường được thể hiện đơn lẻ hơn là thể hiện chung trong cả nhóm. Trên kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, rùa thường xuất hiện dưới dạng lá hóa, quả hóa, nhất là dạng lá sen biến thành rùa; cũng có khi rùa được tạo hình rõ ràng, lưng chở Bát quái hoặc Lạc thư, miệng phun tia nước. Trong chốn cung đình, với tư cách là một hình tượng nghệ thuật, rùa xuất hiện nhiều nơi, trên nhiều loại chất liệu: đá, đồng, vàng, bạc, sành sứ, các sản phẩm sơn thếp, thêu… Đặc biệt vua Minh Mạng đã cho khắc hình tượng Linh quy vào Chương đỉnh (chiếc đỉnh thứ 3 trong bộ Cửu đỉnh).

Hình tượng rùa cũng hay gắn liền với hạc, tạo nên cặp Quy- Hạc khá phổ biến cả trong chốn dân gian và cung đình. Trong cặp đôi này, hạc đứng trên lưng rùa, là biểu tượng của yếu tố động, yếu tố dương; còn rùa ở dưới là biểu tượng của yếu tố tĩnh, yếu tố âm. Như vậy, Quy- Hạc là biểu tượng của sự ổn định và hòa hợp tự nhiên. Ngoài ra, Quy- Hạc còn biểu tượng cho sự trường tồn, sự thanh cao, thoát tục.

Như vậy, với sứ mệnh “Trên đền đội bia, xuống chùa đội hạc”, rùa chuyển tải cả thông điệp về văn hóa tri thức và văn hóa tâm linh.

TS. Phan Thanh Hải