Thứ tư, Tháng chín 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nghiên cứu mới về mối liên kết giữa chất tạo ngọt với nguy cơ bệnh tim mạch: Những điều cần biết

ĐNA -

Chế độ ăn không đường có thực sự là lời khuyên tốt cho bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa không?  Đó là câu hỏi được nêu ra trong nghiên cứu mới của Phòng khám Cleveland, cho thấy rằng việc tiêu thụ erythritol, là một chất tạo ngọt thường có trong các sản phẩm thực phẩm không đường và keto, có thể thúc đẩy phản ứng tạo huyết khối.

Nghiên cứu mới về mối liên kết giữa chất tạo ngọt với nguy cơ bệnh tim mạch: Những điều cần biết

10 người tham gia khỏe mạnh đã tiêu thụ 30 gam erythritol trong nghiên cứu được công bố trên Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology. Sau 30 phút, có sự kết tập tiểu cầu được tăng cường và các dấu hiệu phản ứng và hoạt hóa tiểu cầu tăng lên trong máu của họ.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thấy có sự giải phóng serotonin phụ thuộc vào kích thích tăng cường (dấu hiệu của hạt đặc (hạt delta) trong tiểu cầu) và CXCL4 (dấu hiệu của hạt alpha trong tiểu cầu).

“Với mỗi người, bạn thấy tác dụng tăng nguy cơ huyết khối với mỗi xét nghiệm mà chúng tôi thực hiện” tác giả nghiên cứu Stanley Hazen, MD, PhD, chủ nhiệm Khoa Tim mạch & Khoa học Chuyển hóa tại Cleveland Clinic ở Ohio cho biết. Ngược lại, ở những người tham gia tiêu thụ 30 gam đường thì không thấy tác dụng như vậy.

Hazen cho rằng erythritol tự bản thân nó không kích hoạt tiểu cầu, thay vào đó, nó làm giảm ngưỡng kích hoạt phản ứng. Điều này có thể khiến cho một người dễ bị đông máu hơn, và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ theo thời gian.

Mặc dù cơ chế vẫn chưa được biết rõ, Hazen đã có một ý tưởng.
Hazen cho biết: “Có vẻ như có một thụ thể trên tiểu cầu có khả năng nhận biết và cảm nhận các loại chất tạo ngọt (rượu đường) này, tương tự như cách vị giác của bạn nhận biết vị ngọt là một thụ thể để nhận biết glucose (đường đơn) hoặc phân tử đường (kết hợp hai đường đơn bằng liên kết hóa học)”.

Hazen cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc tìm hiểu thụ thể đó là gì, vì tôi nghĩ rằng khi đó nó sẽ trở thành mục tiêu tiềm năng rất thú vị để tiếp tục điều tra và nghiên cứu về cách thức thụ thể này liên quan đến việc gây ra bệnh tim”.

Nghiên cứu về Erythritol: Quá khứ và Tương lai
Năm 2001, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phân loại erythritol là một chất phụ gia thực phẩm “được công nhận nói chung là an toàn”. Một loại rượu đường (chất tạo ngọt) có trong thực phẩm như dưa và nho, erythritol cũng được sản xuất bằng cách lên men đường. Erythritol có độ ngọt khoảng 70% so với đường ăn. Con người cũng tự tạo ra một lượng nhỏ erythritol tự nhiên: Các tế bào máu của chúng ta tạo ra nó từ glucose thông qua con đường pentose phosphate .

Nghiên cứu trước đây của nhóm Hazen đã liên kết erythritol với nguy cơ gây ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng và đông máu.

Martha Field, Tiến sĩ, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Dinh dưỡng thuộc Đại học Cornell, Ithaca, New York, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết  “Dựa trên nghiên cứu trước đây của họ, tôi nghĩ rằng đây là một nghiên cứu thực sự quan trọng đối với những người khỏe mạnh”.

Nghiên cứu trước đó đã phân tích các mẫu máu từ những người tham gia không rõ lượng erythritol tiêu thụ, bao gồm một số mẫu máu được thu thập trước khi chất tạo ngọt được sử dụng rộng rãi như hiện nay. Điều đó đã khiến việc phân tích tác động của sự tiêu thụ erythritol so với việc cơ thể tạo erythritol tự nhiên trở nên khó khăn hơn.

Nghiên cứu mới này củng cố tầm quan trọng của việc suy nghĩ và phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về những gì chúng ta đưa vào cơ thể bằng cách chỉ ra rằng việc tiêu thụ chất tạo ngọt làm tăng các dấu hiệu liên quan đến huyết khối.

Field cho rằng “Có rất nhiều biến đổi di truyền làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn đông máu hoặc xu hướng hình thành huyết khối.” và “Nghiên cứu này đã được tiến hành trên những người khỏe mạnh — vậy liệu điều này có đặc biệt nguy hiểm đối với những người có nguy cơ đông máu cao không?”

Field muốn xem xét những phân tích tương tự về xylitol và sorbitol, những loại chất tạo ngọt khác có trong thực phẩm ghi nhãn không đường. Và bà kêu gọi cần có nhiều nghiên cứu hơn về erythritol để xem xét mức tiêu thụ erythritol thấp hơn trong thời gian dài hơn.

Tiến sĩ Valisa E. Hedrick, Chuyên gia dinh dưỡng được cấp phép, Phó giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng, Thực phẩm và Thể dục của Con người tại Virginia Tech, Blacksburg, Virginia, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết rằng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa trong lĩnh vực này, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như những người mắc tiền tiểu đường và tiểu đường.

Hedrick nói “Vì nghiên cứu này được tiến hành trên những người khỏe mạnh, nên tác động của một lượng nhỏ đường là không đáng kể, vì cơ thể của những người khỏe mạnh có thể điều chỉnh hiệu quả lượng đường trong máu”. Và “Vì nồng độ glucose trong máu cao cũng đã được chứng minh là làm tăng phản ứng của tiểu cầu, và do đó làm tăng khả năng hình thành huyết khối, nên những người không thể điều chỉnh lượng glucose trong máu, chẳng hạn như những người bị tiền tiểu đường và tiểu đường, có khả năng thấy tác động tương tự như erythritol lên cơ thể khi tiêu thụ một lượng lớn đường”.

Đồng thời, “những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường có thể có xu hướng sử dụng erythritol thay thế cho đường”, Hedrick nói thêm. “Điều quan trọng là phải thiết kế các nghiên cứu bao gồm những người này để xác định xem liệu erythritol có tác dụng phụ cộng gộp lên nguy cơ mắc bệnh tim hay không”.

Phê bình và tác động
Những người chỉ trích cho rằng liều erythritol 30 gram mà những người tham gia nghiên cứu uống vào là không thực tế. Hazen cho biết không phải vậy.

Erythritol thường được khuyến nghị là chất thay thế đường theo tỷ lệ 1:1. Hazen cho rằng bạn có thể thêm 30 gram vào một vài khẩu phần kem hoặc soda tạo ngọt bằng erythritol.

Hazen cho biết: “Liều lượng mà chúng tôi sử dụng ở mức cao, nhưng vẫn nằm trong mức sinh lý phù hợp”.

Những người khác lại cho rằng kết quả chỉ có liên quan đến những người có bệnh tim từ trước. Tuy nhiên, Hazen cho biết chúng có ý nghĩa đối với số đông dân số.

Ông nói “Tôi nghĩ rằng có một mối quan tâm đáng kể về sức khỏe ở cấp độ dân số mà công trình nghiên cứu này đang nhấn mạnh”.

Xét cho cùng, các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và hút thuốc rất phổ biến và nhanh chóng gia tăng.

Hazen nói “Nếu bạn nhìn vào nước Mỹ trung niên, hầu hết những người bị đau tim hoặc đột quỵ đều không biết rằng họ mắc bệnh động mạch vành và chỉ nhận ra lần đầu tiên về điều đó khi gặp sự cố”.

Hiện tại, Hazen khuyên rằng nên ăn đường thật ở mức độ vừa phải. Ông hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tìm thấy một chất tạo ngọt không dinh dưỡng và củng không kích hoạt tiểu cầu.

Tổng quan
Nghiên cứu mới này bổ sung thêm một phần vào câu đố về việc liệu chất tạo ngọt không dinh dưỡng có tốt hơn đường hay không.

“Tôi nghĩ những kết quả này đáng lo ngại”, Tiến sĩ JoAnn E. Manson, Trưởng khoa Y học Dự phòng tại Bệnh viện Brigham and Women’s và là giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Harvard, Cambridge, Massachusetts cho biết. Kết quả này “có thể giúp giải thích những kết quả đáng ngạc nhiên trong một số nghiên cứu quan sát rằng chất tạo ngọt nhân tạo có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

Manson, người không tham gia vào nghiên cứu mới này, đã tiến hành một nghiên cứu khác liên hệ việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo với nguy cơ đột quỵ.

Trong một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên sắp tới, nhóm của bà sẽ so sánh trực tiếp đồ uống có đường, đồ uống không calo được tạo ngọt nhân tạo và nước để xác định loại nào là tốt nhất cho một phạm vi kết quả về tim mạch chuyển hóa.

Bà cho biết: “Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này vì những chất tạo ngọt nhân tạo này được sử dụng rất phổ biến và nhiều người cho rằng sức khỏe của họ sẽ tốt hơn khi dùng chất tạo ngọt nhân tạo so với các sản phẩm có đường”.

Đinh Hoàng Anh/nguồn:Tin tức y khoa Medscape