Ngày 28/6/2025, Channel NewsAsia (Singapore) đăng tải bài viết với tiêu đề “Người biểu tình Thái Lan kêu gọi Thủ tướng Paetongtarn từ chức”. Theo bài báo, hàng ngàn người đã đổ xuống đường tại thủ đô Bangkok vào thứ Bảy để yêu cầu Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra từ nhiệm, trong bối cảnh làn sóng bất bình trong nước gia tăng liên quan đến tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Cuộc biểu tình được xem là làn sóng phản đối chính phủ lớn nhất kể từ khi đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo lên nắm quyền vào năm 2023, làm gia tăng sức ép đối với nữ Thủ tướng 38 tuổi trong bối cảnh bà đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế trì trệ và duy trì sự ổn định của liên minh cầm quyền vốn đang lung lay trước nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể diễn ra vào tháng tới.
Hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập bên cạnh Tượng đài Chiến thắng, địa điểm mang tính biểu tượng tại một ngã tư đông đúc ở thủ đô Bangkok vẫy cờ và hô khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành do liên minh United Force of the Land tổ chức. Đây là một nhóm tập hợp các nhà hoạt động chủ nghĩa dân tộc, vốn nhiều lần phản đối các chính phủ được hậu thuẫn bởi gia tộc Shinawatra trong suốt hai thập kỷ qua.
Dù các cuộc biểu tình trước đây không trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của các chính phủ thân Shinawatra, nhưng chúng đã tạo ra áp lực chính trị đáng kể, góp phần dẫn đến các cuộc đảo chính quân sự vào các năm 2006 và 2014, cũng như những can thiệp của hệ thống tư pháp.
Tình trạng bất ổn chính trị kéo dài đang đặt ra thách thức lớn đối với tiến trình phục hồi kinh tế của Thái Lan, vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực sau đại dịch. Trước tình hình căng thẳng, ngày 28/6, Thủ tướng Paetongtarn tuyên bố. bà không lo ngại về cuộc biểu tình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh và trật tự, nhằm duy trì một cuộc tụ họp trong hòa bình.
“Điều đó nằm trong quyền của người dân và tôi sẽ không trả đũa”, bà nói.
Thủ tướng Paetongtarn hiện đang nắm giữ một liên minh đa số mong manh, sau khi đảng Bhumjaithai, đối tác quan trọng trong chính phủ tuyên bố rút lui vào tuần trước. Diễn biến này khiến bà có nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi Quốc hội Thái Lan nhóm họp trở lại trong tuần tới.
Đảng Bhumjaithai cho biết họ rút lại sự ủng hộ với lý do lo ngại về việc mất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sau khi xuất hiện một đoạn ghi âm bị rò rỉ từ cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Paetongtarn và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Trong cuộc trò chuyện bị rò rỉ, bà Paetongtarn được cho là đã đưa ra những phát ngôn mang tính xoa dịu đối với chính trị gia kỳ cựu của Campuchia, đồng thời chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan, hành động bị xem là vượt quá giới hạn tại một quốc gia nơi quân đội vẫn giữ vai trò có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị.
Sau khi đoạn ghi âm lan truyền, Thủ tướng Paetongtarn đã lên tiếng xin lỗi về những phát biểu của mình, trong nỗ lực xoa dịu làn sóng chỉ trích và giữ vững sự ổn định của chính phủ.

Thủ tướng Paetongtarn hiện không chỉ đối mặt với áp lực chính trị trong nước mà còn đang bị giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan tư pháp. Một nhóm thượng nghị sĩ đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia, cơ quan có thẩm quyền rộng rãi yêu cầu mở cuộc điều tra đối với bà liên quan đến cuộc điện đàm bị rò rỉ với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Bất kỳ phán quyết bất lợi nào từ các cơ quan này đều có thể dẫn đến việc bà bị cách chức, làm gia tăng rủi ro chính trị cho chính phủ vốn đang trong tình thế bấp bênh.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Hun Sen, từng là đồng minh thân cận của gia đình Shinawatra đã công khai chỉ trích Thủ tướng Paetongtarn và gia tộc bà trong một bài phát biểu kéo dài nhiều giờ phát sóng trên truyền hình quốc gia Campuchia vào ngày thứ Sáu, đồng thời kêu gọi thay đổi chính quyền tại Thái Lan.
Phản ứng trước tuyên bố cứng rắn này, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gọi bài phát biểu là “phi thường” và khẳng định rằng Thái Lan vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết những căng thẳng song phương đang leo thang giữa hai nước.
Trong bối cảnh sức ép chính trị ngày càng gia tăng từ cả trong nước lẫn quốc tế, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất kể từ khi lên nắm quyền. Với một liên minh cầm quyền đang rạn nứt, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tư pháp và căng thẳng ngoại giao với Campuchia leo thang, tương lai chính trị của bà trở nên bất định hơn bao giờ hết. Diễn biến trong những tuần tới, đặc biệt là phiên họp Quốc hội và các phán quyết pháp lý liên quan sẽ mang tính quyết định đối với sự tồn tại của chính phủ đương nhiệm.