Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Người lính Thành Cổ Nguyễn Thanh Bình.



ĐNA -
Sáu năm sau ngày đất nước thống nhất, dẫu có đủ điều kiện để ở lại TP Huế làm việc, song cựu binh Nguyễn Thanh Bình đã chọn mảnh đất Thành cổ Quảng Trị để quay về, với một mong ước cháy bỏng là tìm kiếm, cất bốc bằng hết hài cốt liệt sĩ-những đồng đội đã cùng ông chiến đấu, hy sinh bảo vệ mảnh đất này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Mùa hè Đỏ lửa 1972. 
Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra thông tin ghi chép về liệt sĩ để tổ chức tìm kiếm hài cốt các anh

Tuổi thơ dữ dội

Khách thập phương lúc đến Thành cổ Quảng Trị hỏi ông Nguyễn Thanh Bình thì tất tật ai ai cũng biết. Chuyện cuộc đời ông Bình gắn bó với cách mạng, với nghĩa cử cao đẹp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ dày như một pho sách. Tuổi thơ ông sinh ra, lớn lên bên bờ Nam dòng Bến Hải lịch sử, thuộc thôn Giang Phao, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị). 12 tuổi, chú bé Bình đã bén duyên với việc chung sức cứu người dân, cứu bộ đội thoát khỏi những trận càn, bom đạn và họng súng lùng sục của giặc.
 Ông Bình kể, có một lần lúc đang chăn trâu ven sông bỗng nghe tiếng rên khe khẽ. Lũ bạn cùng trang lứa sợ xanh mặt tránh xa, nhưng Bình thì không, cậu khẽ lén nghe ngóng rồi lần theo tiếng rên và phát hiện được nhiều chú độ đội lúc đó đang bị thương rất nặng. Bình liền đến hỏi giúp nhưng các chú cảnh giác, hỏi trở lại nhiều câu. Thế là cậu bé Bình đã phải đem “lý lịch đỏ” của gia đình ra để thông tin với các chú và được các chú xác minh, tin tưởng. Chú bé bí mật liên lạc với các cơ sở của cách mạng trong làng để bà con tìm cách cứu chữa, chăm sóc vết thương cho họ.
Một thời gian ngắn sau khi đã tạm lành vết thương, các chú bộ đội đã tiếp tục hành quân vào miền Nam chiến đấu. Hai ngày sau đó, xóm nhỏ của chú bé Bình hứng trọn một loạt bom tọa độ của máy bay B52 Mỹ ném phá. Hai đứa em ruột của Bình và hai cán bộ huyện đã không thoát khỏi trận bom tàn khốc dữ dội đó. Mẹ Bình khóc ngất, gói ghém thi hài hai em mang ra đồng chôn cất. Gia đình Bình giấu thông tin để cha của Bình lúc đó đang ở căn cứ Dốc Miếu chỉ cách làng vài cây số, an tâm chiến đấu.
 Lần khác, trong một trận càn của 18 tiểu đoàn lính Mỹ vào làng, ông nội đưa Bình vượt sông Bến Hải sang vùng giải phóng bên bờ Bắc sông Bến Hải. Thế nhưng lúc chứng kiến cảnh bộ đội và bà con ngã xuống trong mưa đạn của kẻ thù, chú bé Bình đã nhất quyết bơi ngược trở lại để cứu người. Nhưng mới trờ đến bờ đã gặp ngay cảnh bộ đội bị thương nằm la liệt không thể nào sang sông. Một cán bộ nói giọng miền Bắc lo lắng hỏi chú bé Bình: “Trận đánh đang ác liệt, bộ đội ta lại thương vong nhiều, làm sao đây cháu?”. Bình thưa: “Dạ thì chặt chuối kết bè, làng cháu thiếu gì chuối!”. Nghe nói vậy, người cán bộ mừng rỡ cùng Bình chặt chuối kết bè đưa hàng trăm bộ đội và người dân sang sông an toàn. Bốn năm sau, vào năm 1972, Bình tình nguyện nhập ngũ. Anh được biên chế vào tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị, tham gia chiến đấu chiến dịch lịch sử 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị.
Tri ân đồng đội
Nước nhà thống nhất, người lính của Thành cổ Quảng Trị năm xưa Nguyễn Thanh Bình chuyển ngành vào làm ở Ty Thương nghiệp Bình-Trị-Thiên. Song ông đã một mực từ chối điều kiện làm việc thuận lợi ở TP Huế để quay về lại Thành cổ Quảng Trị, với một mong muốn cháy bỏng là tìm kiếm, cất bốc bằng hết hài cốt liệt sĩ- những người đã từng cùng ông chiến đấu, hy sinh bảo vệ mảnh đất này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm lịch sử của Mùa hè Đỏ lửa năm 1972.
Tâm nguyện đó đã được ông Bình thực hiện ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại thị xã Quảng Trị. Thời đó khu tập thể của cán bộ, nhân viên Công ty Thương nghiệp Triệu Hải nằm ngay trên trụ sở của Ty Cảnh sát chế độ cũ ở khu phố 2, phường 1. Ông Bình vận động mọi người đào trên sân của khu tập thể 22 bộ hài cốt liệt sĩ mang đi quy tập. Rồi đến khu vực chợ thị xã Quảng Trị, nhà bà Nuôi, phường 2, đào được 24 hài cốt.
Nhà bà Lý, gần trường Bồ Đề 9 hài cốt… Suốt ngày ông cầm bản đồ đi quanh thị xã Quảng Trị để đánh dấu thực địa những nơi ông đã từng mai táng chôn cất đồng đội hoặc có thông tin về họ. Sau đó, ông chủ trì tổ chức, vận động cùng với bà con địa phương đứng ra khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại những địa điểm này. Cứ mỗi nơi, ông và bà con tìm thấy, bốc được vài hài cốt, tổng cộng đến nay đã được hơn 100 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thị xã Quảng Trị. Mỗi một địa điểm tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội là mỗi một kỷ niệm không thể nào quên đối với ông.
Ông Bình nhớ lại, lúc đào lấy hài cốt liệt sĩ của chiến sĩ Đông, C2, K8, quê ở Quảng Bình, do ông Bình và đồng đội mai táng, chôn cất tháng 7/1972 khiến ông xúc động dâng trào. ký ức ùa về. Lúc đó, giữa tứ bề đạn bom cày xới khốc liệt, tình cờ chiến sĩ Đông đã gặp được em ruột của mình là chiến sĩ Dương đang cùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Hai anh em họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở, bất chấp bom đạn đang tuôn đổ, dội xuống trên đầu.
Sau đó, người anh cố kìm nén cảm xúc, quay sang nói với ông Bình: “Nhờ anh đưa em tôi sang chốt khác chứ chốt này ác liệt quá. Nhà có hai anh em thôi!”. Chưa nói hết câu thì quân địch lại tràn lên đánh chốt. Anh Đông hy sinh trong trận đó, đôi dép cao su cháy dính chặt nhựa vào chân Đông. “Tôi đã an táng anh ngay tại hầm chiến đấu. Trong trận đánh kế tiếp, Dương căm thù ôm súng trung liên xung phong đánh lui địch và cũng anh dũng hy sinh”, giọng ông Bình chùng xuống, nước mắt ầng ậng.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình ở 23 Ngô Thì Nhậm, phường 3, thị xã Quảng Trị đơn sơ mà ấm cúng. Suốt 39 năm qua, kể từ năm 1981 đến nay, nơi đây trở thành ngôi nhà chung của biết bao thân nhân liệt sĩ. Họ từ khắp mọi miền đất nước về đây để nhờ ông tìm kiếm hài cốt người thân của mình. Họ được ăn ở miễn phí và cùng ông thực hiện những chuyến đi tìm kiếm với không ít khó khăn, vất vả nhưng đầy ắp nghĩa tình.
PV