Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nguồn nhân lực công nghệ số Việt Nam ngày mai với các tham chiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện tại



ĐNA -

(Đà Nẵng). Chiều ngày 20/7/2024, tại Đà Nẵng, đã diễn ra hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới” do Đại học Duy Tân phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Tin học Việt Nam, Câu lạc bộ Khoa-Trường- Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức .

TS. Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) với phần trình bày về tình hình đào tạo Công nghệ thông tin Việt Nam. Ảnh: T.Ngọc.

Từ khái niệm đến yêu cầu tiếp cận để “giúp Việt Nam bứt phá và vươn lên tầm cao”
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số”.

Công nghệ số được xem “là một trong các thành tố công nghệ chính” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiêu biểu là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo… Ứng dụng công nghệ số, do vậy, tập trung vào thay đổi về quy trình sử dụng công nghệ,  thay đổi cách thức hoạt động từ truyền thống sang mô hình tối ưu hóa kỹ thuật số dựa trên điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo; Big data, Internet of Things (IoT).

Công nghệ số, cũng chính là công nghệ xử lý tín hiệu số, hay công nghệ thông tin. Nhưng là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ công nghệ để xử lý tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, nhưng chi phí rẻ hơn. Mục tiêu bao trùm mà cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến,  là sự biến đổi, từ ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin sang bước phát triển cao hơn: Công nghệ số. Nói cách khác, chính IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain, …, đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế số.

Sau khi thường trực Chính phủ họp, cho ý kiến thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng và ban Luật Công nghiệp công nghệ số; thống nhất phạm vi điều chỉnh và các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; Bộ Thông tin và Truyền thông (với vai trỏ chủ trì), đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng xây dựng Luật này, tạo hành lang pháp lý cho không gian phát triển mới, giúp Việt Nam bứt phá và vươn lên tầm cao.

Trong phát biểu đề dẫn của mình, TS Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, đã kêu gọi cộng đồng (doanh nghiệp, nhà trường) cùng tham gia đóng góp có trách nhiệm cho dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số. Ông khẳng định đây là lĩnh vực mở ra không gian phát triển mới, kế thừa thành tựu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin trước đó. Ảnh: T.Ngọc.

Thực trạng nguồn nhân lực công nghệ số
Theo (dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số), xét đến bản chất nội hàm, về định nghĩa (définition ), công nghệ số – là công nghệ thông tin cộng thêm các công nghệ mới (IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain, …).Luật Công nghiệp công nghệ số (khi hoàn chỉnh và trình cơ quan thẩm quyền góp ý, thông qua), sẽ là khung pháp lý đầu tiên, định hình khái niệm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng sẽ có phiên hội nghị chuyên đề lấy kiến góp ý dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số (vào chiều ngày 22 tháng 7 năm 2024). Công nghệ số, công nghiệp công nghệ số đã và đang tác động đến nhận thức từ cấp quản lý nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà trường.

Trong tham luận của mình, TS.Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc  Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho rằng, đề có nguồn nhân lực công nghệ số; Các lĩnh vực chuyên sâu về công nghệ số (Điện toán đám mây, Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo, Blockchain,… ) càn được cải thiện trong đào tạo. Hiện có rất ít các nhà trường (đang đào tạo Công nghệ thông tin) tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu. Tại Đà Nẵng, chủ yếu mới có các Trường: Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ Thông tin Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Duy Tân,…có đào tạo, nhưng số lượng còn hạn chế.

 “Các trường đại học trên địa bàn, chậm triển khai thành lập (và tổ chức đào tạo) một số môn chuyên sâu như Công nghệ tri thức; Thị giác máy tính; Điều khiển học thông minh; Trí tuệ nhân tạo,… Do thiếu giảng viên chuyên ngành hẹp, nên từ yêu cầu đầu vào, chuẩn đầu ra, xây dựng khung chương trình, đến gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, còn bị động, chưa được định hướng sớm. Số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp”, TS.Nguyễn Quang Thanh phân tích thêm.

Mở rộng thêm tham chiếu, đối với nguồn nhân lực vi mạch, ngành công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ thiếu kỹ sư thiết kế vi mạch cho phần front end và back end, hiện tại Việt Nam, còn đang thiếu các kỹ sư trưởng, có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con Chip.

Chủ đề hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp, cũng được lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh quan tâm, nhất là đối với một chuyên ngành khó. Theo đó, “không có hoặc có những chỉ rất ít hợp tác nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ giữa công ty và trường đại học”.

“Về mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Một số doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi, đứng ngoài hoạt động đào tạo; chưa có nhiều mô hình doanh nghiệp cho thuê nguồn lực, các mô hình lồng ghép cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp”, TS.Nguyễn Quang Thanh chia sẻ trong tham luận của mình.

TS.Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho rằng: Mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, kết quả đạt được chưa cao. Ảnh: T.Ngọc.

Mỗi trường phải hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin
PGS.TS Nguyễn Gia Như – Hiệu trưởng trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân)- đóng góp cho hội thảo tham luận “Hệ sinh thái đào tạo nhân lực CNTT: Góc nhìn từ Đại học Duy Tân”.

Sử dụng thông tin tham chiếu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện tại, để “sẵn sàng ở mức cao hơn”, đối với Nguồn nhân lực công nghệ số ngày mai, PGS.TS Nguyễn Gia Như

khẳng định rằng, ngay ở thời điểm này, yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đã phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Bối cảnh đã khác nhiều. Các thách thức bao gồm: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain (đây là những thành tố quan trọng của công nghệ số như đã đề cập từ đầu – TN); Nhu cầu đa dạng và chuyên môn hoá sâu, khả năng thích ứng cao ; Những kỹ năng cần thiết của người lao động cũng phải thay đổi phù hộ, kịp thời, mới đáp ứng sự phân công lao động toàn cầu. Ngoài ra, một vấn đề về kỹ năng cũng quan trọng không kém, nhưng đến nay “hãy còn mới với sinh viên (trong nước)”, đó là Start-up .

Những thách thức này đặt ra yêu cầu phải cập nhật, cải tiến thường xuyên (chương trình, phương pháp đào tạo) để có được “chất lượng cao” cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin (sẵn sàng thích nghi nhanh với công nghệ số).

“Đặc biệt, chúng tôi cho rằng phải có sự phối hợp đa dạng, mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù này” –  PGS.TS Nguyễn Gia Như nhấn mạnh.

Và “Hệ sinh thái đào tạo nhân lực công nghệ thông tin : Góc nhìn từ Đại học Duy Tân”, theo ông có các thành tố quan trọng: Chương trình Đào tạo; Hạ tầng Công nghệ; Đội ngũ Giảng viên; Hợp tác với Doanh nghiệp; Phát triển Kỹ năng mềm; Hỗ trợ Khởi nghiệp & Nghiên cứu; Quốc tế hóa giáo dục. PGS.TS Nguyễn Gia Như cũng giải thích thêm: Vấn đề bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng, cũng rất quan trọng !

Liên quan đến “Hợp tác với Doanh nghiệp”, Thầy Hiệu trưởng trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân) nhấn mạnh rằng: Hệ sinh thái đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại Đại học Duy Tân là một minh chứng rõ nét nhất, cho thấy phải có sự kết hợp giữa học thuật và thực tiễn, mới có thể tạo ra những thành tựu đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, không chỉ mang lại cơ hội thực tiễn quý báu cho sinh viên, mà còn giúp nhà trường cập nhật liên tục những yêu cầu mới nhất của thị trường lao động. Hợp tác với doanh nghiệp chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công cho thế hệ nhân lực tương lai, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, Công nghệ số.

Với sự đồng hành và hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Đại học Duy Tân có thể đảm bảo rằng sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn thành thạo kỹ năng thực hành, sẵn sàng đáp ứng và vượt qua những thách thức của thị trường công nghệ thông tin quốc tế.

Trong tham luận, PGS.TS Nguyễn Gia Như cũng minh họa 2 hợp tác với doanh nghiệp và đều đi đến thành công. Yếu tố then chốt là sự chủ động từ doanh nghiệp và tính đáp ứng cao các điều kiện hợp tác của nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Gia Như giải thích thêm: Vấn đề bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng, cũng rất quan trọng !. Ảnh: T.Ngọc.

Những cảnh báo để không bỏ lỡ cơ hội
Đề cập đến chính sách (của nhà nước về) phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, TS. Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, “đến nay có khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện đang đào tạo nhóm ngành CNTT, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn cung nhân lực CNTT.

Các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT cũng bổ sung thêm các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và An ninh mạng. Điều này giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực CNTT có tay nghề cao trên thị trường.

Chính phủ và các Bộ, ngành, UBND các địa phương vẫn đang nỗ lực tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam (như Apple, Intel, NVIDIA, Foxxcon, Meta, Synopsys, Microsoft, SpaceX, Samsung…), đề nghị tăng cường hợp tác, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng IT 2020-2021. Hai năm gần đây 2022 và 2023 ghi nhận có sự sụt giảm lao động phần cứng (năm 2022 là -103 nghìn, năm 2023 ước -10 nghìn), Năm 2023 ghi nhận sụt giảm lao động của của phần mềm, dịch vụ và buôn bán phân phối.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông): Đầu ra chất lượng đào tạo công nghệ thông tin của nhiều trường không cao 1. Ảnh: T.Ngọc

Nhìn chung, giai đoạn 5 năm 2019-2023  lao động các lĩnh vực của ngành CNTT có tăng trưởng nhẹ, tuy vậy mức tăng này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của giai đoạn 5 năm trước (2014-2018) chứng tỏ ảnh hưởng của sự cắt giảm lao động CNTT toàn cầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam. Theo Navigos, lực lượng nhân sự CNTT cũng chịu tác động nghiêm trọng từ làn sóng sa thải, có đến gần 50% nhân sự CNTT chịu ảnh hưởng. Doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ cắt giảm nhân sự ngành này cao nhất (22,2%), trong khi 14,7% doanh nghiệp ở Hà Nội giảm lương, thưởng. Những công ty dưới 100 người sa thải nhiều nhất

Như vậy, tại Việt Nam đã ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng lao động nhóm phần cứng và phần mềm của năm 2021. Công nghệ thông tin là 1 trong 3 ngành giảm nhân sự nhanh nhất 3 năm qua.

Nhân lực IT làm việc trong các công ty tư vấn/xuất khẩu phần mềm, là nhóm nhân lực CNTT bị ảnh hưởng cao nhất, chỉ có 45,6% có công việc ổn định. Đối với nhân sự IT làm việc ở các công ty có sản phẩm, dịch vụ không thuộc ngành công nghệ lại có xu hướng tự thôi việc, tìm kiếm cơ hội mới cao hơn, chiếm 21,6%.

Về phía cầu năm 2021 ghi nhận số việc làm tăng/giảm lĩnh vực phần cứng, điện tử thay đổi do đầu tư của các doanh nghiệp FDI phần cứng điện tử tăng lên khiến nhu cầu việc làm tăng (nhưng chủ yếu lại là trình độ trung cấp và PTTH). Năm 2021 cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể lao động trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin (chủ yếu từ cao đẳng trở lên).

Năm 2021 là năm ghi có sự gia tăng đột biết số lượng việc làm trong nhóm lao độngg lĩnh vực phần cứng, điện tử (188 ngàn, gấp đôi so với mức tăng trung bình hàng năm). Đặc biệt lao động phần mềm cũng có mức tăng trên 75.000 lao động (vượt xa mức trung bình hàng năm 21.000). Nhưng sự tăng trưởng này có thể được gải thích là “nhiều công ty công nghệ số Việt Nam cấp tốc tuyển nhân sự để chớp thời cơ đáp ứng sự khủng hoảng về nguồn cung cho thị trường toàn cầu khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin  như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu bị đóng cửa vì đại dịch Covid 19”.

Đánh giá cán cân cung – cầu lao động công nghệ thông tin Việt Nam về số lượng, TS Nguyễn Thanh Tuyên, lưu ý rằng: Số lượng đào tạo chính quy ngànhcông nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp (ở Việt Nam), hiện đang vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin của đất nước. Xét về đầu vào, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin các cấp (từ trung cấp, cao đẳng và đại học) là rất lớn, trên 110.000, nếu so với số lượng tốt nghiệp PTTH toàn quốc năm 2023 là 650.000 , chỉ tiêu này chiếm tới 17,3% !.

Về đầu ra: chất lượng  đào tạo công nghệ thông tin của nhiều trường không cao. Chỉ có 1/3 sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Theo Topdev, hơn 45% lao động trong lĩnh vực phần mềm là từ mới ra trường và mới đi làm, tiếp theo là 28% cấp trung, cấp cao chỉ chiếm gần 20% tổng số nhân sự công nghệ thông tin trong khi đó, cấp trưởng nhóm trở lên chỉ là 7%”.

Điều này cho thấy, những vấn đề đặt ra tại “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới”, tuy không phải là vấn đề quá mới, nhưng luôn là “câu chuyện thời sự” của nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh nhiều ứng dụng của Công nghệ số mỗi ngày một phát triển và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực (từ  phát triển của các ngành kinh tế, đến các vấn đề của xã hội, an ninh, quốc phòng, …; từ đời sống mỗi con người, đến cả cộng đồng và toàn cầu) yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số – theo xu thế – đã trở thành yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu cao của thị trường lao động trong nước, khu vực Đông Nam Á, châu Á và rộng hơn là thị trường lao động xuyên biên giới.

Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới” góp một tiếng nói , góp phần giải quyết bài toán thị trường lao động trong nước, khu vực Đông Nam Á, … Trong ảnh: NGƯT-AHLĐ thời kỳ đổi mới, Thầy Lê Công Cơ – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Duy Tân (thứ 5, từ trái sang), tặng quà tri ân các diễn giả và thành viên BTC hội thảo. Ảnh: T.Ngọc.

Muốn vậy, đột phá đầu tiên, chính là hoàn thiện hệ sinh thái từ đào tạo đến tuyển dụng và ổn định việc làm, đối với chuyên ngành công nghệ thông tin, theo đà phải chuyển tiếp nhịp nhàng, bắt kịp nhu cầu và yêu cầu nhân lực công nghệ số.

Đã đến lúc các chính sách phải sát hơn thực tiễn và phải đi vào thực tiễn hỗ trợ cho cơ sở đào tạo và người học các ngành ưu tiên phát triển nhân lực công nghệ số, không thể để Trường và sinh viên “tự bơi”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Quang Thanh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, chia sẻ nhìn nhận rằng: Chính quyền thành phố cũng chưa kịp thời có các chính sách cụ thể hỗ trợ cho cơ sở đào tạo và người học các ngành ưu tiên phát triển nhân lực (trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn).

 Và ngay như trong triển khai thí điểm các cơ chế, đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017), bao gồm cho phép các sinh viên chuyên ngành khác chuyển sang ngành công nghệ thông tin; hay cơ sở đào tạo được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô, mở rộng đào tạo văn bằng 2 và đào tạo song ngành trình độ đại học về công nghệ thông tin,… cũng chưa đồng bộ, triệt để. Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có đề án, có hướng dẫn cụ thể để triển khai một cách bài bản thí điểm các cơ chế, đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin./.

Trần Ngọc