Theo IMF, lệnh cấm vận khí đốt của Nga sẽ gây ra những cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng tại Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Italy trừ khi các quốc gia này hợp tác để cùng chia sẻ các nguồn cung thay thế.
Các chuyên gia nghiên cứu của IMF cho rằng, một số quốc gia có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt tới 40% lượng tiêu thụ khí đốt thông thường trong trường hợp toàn bộ khí đốt của Nga bị cấm vận.
IMF dự báo, trừ khi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chia sẻ và được kiểm soát giá, mọi hành động của Nga nhằm ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ khiến kinh tế suy giảm từ 5% – 6% trong năm tới ở Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Italy.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây đã thông báo việc không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu là “tình huống bất khả kháng”. Thông báo không có nghĩa Gazprom sẽ ngừng giao hàng, song tập đoàn này sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng các điều khoản trong hợp đồng.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), nối từ Nga tới Đức đang trải qua tiến trình bảo trì định kỳ kéo dài 10 ngày hằng năm, làm gia tăng lo ngại ở châu Âu rằng Moskva có thể không khởi động lại đường ống này vào ngày 21/7.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang tích cực chạy đua để tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. Ngày 18/7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỷ m3/năm vào năm 2027.
“Trong bối cảnh Nga tiếp tục vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng là ưu tiên của EU”, thông báo của EC cho biết.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng gấp đôi lượng khí đốt chuyển từ Azerbaijan tới EU trong vài năm tới. Azerbaijan sẽ là đối tác quan trọng đảm bảo nguồn cung năng lượng cho chúng tôi và thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải”, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen viết trên trang cá nhân Twitter.
Theo bà Ursula von der Leyen, nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan “sẽ giúp bù đắp việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga và đóng góp đáng kể nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung của châu Âu”.
Hồi tháng 5 vừa qua, các lãnh đạo EU đã thống nhất dừng đa số hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay theo gói trừng phạt mà EU đang áp dụng đối với Moskva vì chiến dịch quân sự mà Nga đang triển khai tại Ukraine.
PV/theo heo Reuters