Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nguy cơ Ukraine phản công thất bại khiến Mỹ lo lắng

ĐNA -

Chính quyền Biden phải chuẩn bị khả năng hứng chỉ trích từ nhiều phía ở trong và ngoài nước nếu chiến dịch phản kích của Ukraine không thành công. Theo tài liệu tình báo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây, Ukraine sẽ huy động ít nhất 12 lữ đoàn để tiến hành chiến dịch phản công mùa xuân, nhiều khả năng bắt đầu từ ngày 30/4/2023. Giới chức Mỹ cũng nhận định Ukraine sẽ mở các mũi tiến quân ở miền đông và nam đất nước để đánh bật lực lượng Nga khỏi các khu vực Moskva đang kiểm soát hiện nay. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn thể hiện sự ủng hộ vững chắc với Ukraine bằng những cam kết cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, nhiều quan chức giấu tên thừa nhận giới chức Mỹ đang lo ngại kịch bản bị công kích nhiều mặt nếu chiến dịch phản công của Ukraine thất bại hoặc không đạt được kết quả đáng kể.

Cục diện chiến trường Nga – Ukraine. Đồ họa: WP

“Trong trường hợp đó, phe diều hâu sẽ cho rằng Ukraine có thể đã thành công nếu được Mỹ cung cấp đầy đủ những gì họ yêu cầu, như tên lửa tầm xa và tiêm kích hiện đại. Còn phe chủ hòa có thể tuyên bố thất bại của Ukraine là dấu hiệu thể hiện họ không thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga”, một quan chức giấu tên nói với truyền thông hôm 24/4.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh họ đang làm mọi thứ trong khả năng để bảo đảm thành công cho chiến dịch phản công của Ukraine. “Chúng tôi đã đáp ứng gần như toàn bộ yêu cầu của Ukraine cho cuộc phản kích, Mỹ đã tăng cường chuyển giao vũ khí và trang thiết bị cho nước này suốt những tháng qua”, một quan chức giấu tên khác cho hay.

Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM), trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 26/4, cho hay phương Tây đã chuyển giao hơn 98% tăng thiết giáp viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, lo ngại của chính quyền Mỹ về nguy cơ Ukraine phản công thất bại được hé lộ trong loạt tài liệu tình báo mật bị rò rỉ. Đánh giá tuyệt mật hồi đầu tháng 2 nhận định Ukraine sẽ “khó đạt được mục tiêu”, trong khi những báo cáo gần đây cho rằng Kiev sẽ đạt bước tiến ở miền nam và đông, nhưng không thể lặp lại thành công như trong đợt phản công bất ngờ hồi tháng 9/2022 ở tỉnh Kharkov.

Ukraine từng thể hiện mong muốn cắt đứt hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với vùng Donbass, nhưng các quan chức Mỹ giờ đây tỏ ra hoài nghi về khả năng này. Lầu Năm Góc vẫn hy vọng rằng Ukraine có thể cản trở tuyến hậu cần của Nga, trong bối cảnh Kiev khó đánh bật được lực lượng của Moskva khỏi những vị trí phòng thủ kiên cố hiện nay.

Các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng với những khó khăn chồng chất, Ukraine có thể xem xét điều chỉnh mục tiêu chiến dịch và tuyên bố chiến thắng với những bước tiến khiêm tốn hơn.

Theo các trợ lý Nhà Trắng, giới chức Mỹ đã thảo luận về khả năng chiến thắng đó chỉ là một “lệnh ngừng bắn”, thay vì các cuộc đàm phán hòa bình lâu dài. Điều này có thể để ngỏ khả năng quân đội Ukraine giành lại nhiều vùng lãnh thổ trong tương lai.

Giới chức Mỹ cũng đề xuất những biện pháp khuyến khích Kiev chấp nhận nhượng bộ, như tăng cường viện trợ quân sự để bù đắp tổn thất, đưa ra lời bảo đảm an ninh cho Ukraine như một thành viên NATO và hỗ trợ kinh tế.

Mối lo ngại của các quan chức Mỹ còn tập trung vào phản ứng tiêu cực từ dư luận trong nước và cả các đồng minh, chủ yếu là tại châu Âu, khi họ có thể cho rằng thúc đẩy đàm phán Nga – Ukraine sẽ là giải pháp hấp dẫn hơn nếu Kiev không thể giành thắng lợi trong cuộc phản công.

“Nếu chiến dịch phản công không thuận lợi, chính quyền Mỹ chỉ có thể tự trách mình vì không cung cấp một số loại vũ khí nhất định vào thời điểm Ukraine cần chúng nhất”, Kurt Volker, đặc phái viên của Mỹ về Ukraine dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump, cho hay.

Cuộc phản công thất bại sẽ khiến các đồng minh của Mỹ đặt dấu hỏi về khả năng họ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, khi triển vọng đẩy lùi Nga ngày càng xa vời. Nhiều quốc gia châu Âu có thể gây sức ép, buộc Ukraine tìm cách chấm dứt chiến sự theo những điều khoản bất lợi.

“Sự ủng hộ của công chúng châu Âu có thể suy giảm dần khi tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn và chi phí năng lượng duy trì ở mức cao. Rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương có nguy cơ tác động xấu đến quan điểm của người dân Mỹ, khiến chính quyền Biden và quốc hội Mỹ gặp nhiều khó khăn”, Clementine Starling, giám đốc tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ, nêu quan điểm.

Nga tấn công Ukraine bên phía đông sông Dnieper ở Kherson

Chính quyền Biden liên tục khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ nên đàm phán hòa bình khi đã sẵn sàng, nhưng cũng cảnh báo Kiev cần đối mặt với thực tế chính trị. Đó là viện trợ từ Washington sẽ chậm lại vào thời điểm nào đó, nhất là khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ.

Washington từng cảnh báo Kiev về nguy cơ khi dàn trải lực lượng và theo đuổi những mục tiêu quá tham vọng, tương tự những gì Tổng thống Biden từng nhắn gửi cựu tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong giai đoạn Taliban mở rộng vùng kiểm soát sau khi Mỹ rút quân hồi năm 2021.

“Nếu Ukraine không giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường, sẽ xuất hiện những câu hỏi về thời điểm bắt đầu hòa đàm. Mỹ không thể dồn mọi nguồn lực cho Ukraine quá lâu, khi lạm phát gia tăng, kho dự trữ đạn dược đang cạn dần và Washington còn phải chuẩn bị phương án khẩn cấp cho nhiều khu vực khác trên thế giới”, Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế tại Mỹ, nhận định.

Chy Le/ nguồn Politico