Vào giữa thế kỷ XVI, khi Đại Việt chìm trong khói lửa nội chiến và tình trạng phân tranh giữa các tập đoàn phong kiến ngày càng gay gắt, một sự kiện đã âm thầm đánh dấu bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc: Nguyễn Hoàng được cử vào trấn nhậm Thuận Hóa năm 1558. Không chỉ là một toan tính chính trị cá nhân, quyết định này còn mở ra hành trình mở cõi về phương Nam, đặt nền móng cho sự hình thành Đàng Trong, một miền đất mới đầy tiềm năng, góp phần định hình cục diện lãnh thổ nước ta sau này.

Nguyễn Hoàng: Khởi nguồn hành trình mở cõi phương Nam
Nguyễn Hoàng, con trai thứ của danh tướng Nguyễn Kim, người có công lớn trong việc phò Lê diệt Mạc, dựng nên triều Lê Trung Hưng (1533–1789). Ông được đánh giá là bậc anh tài với dung mạo phi thường, lập nhiều chiến công từ khi còn rất trẻ và từng được phong tước Đoan Quận công. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Kim bị sát hại, quyền lực rơi vào tay Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng dần bị gạt khỏi trung tâm quyền lực. Nhận thấy nguy cơ bị loại trừ, ông đã khôn khéo xin được vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa, một vùng đất xa xôi, hiểm trở nhưng giàu tiềm năng. Mùa đông năm 1558, được sự đồng thuận của vua Lê và chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và hơn một nghìn thuộc hạ đã chính thức vào Thuận Hóa bằng đường biển, mở ra một bước ngoặt lớn trong tiến trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Tuy vào Thuận Hóa ban đầu với mục đích “lánh nạn”, nhưng với tầm nhìn chiến lược và tài năng vượt trội, Nguyễn Hoàng nhanh chóng ổn định tình hình, thực thi chính sách an dân, khai hoang lập ấp và thu hút lưu dân từ miền Bắc vào sinh sống. Nhờ những đóng góp to lớn, ông được nhân dân hết mực kính trọng và tôn xưng là Chúa Tiên. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hoàng, Thuận Hóa không chỉ trở thành vùng đất trù phú, ổn định mà còn giữ vai trò trung tâm trong tiến trình mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam.

Sự nghiệp mở đất dưới các đời chúa Nguyễn: Một quá trình kế tục có định hướng.
Sau Nguyễn Hoàng, các đời chúa Nguyễn tiếp tục sự nghiệp mở cõi, từng bước mở rộng địa bàn quản lý từ Thuận Hóa vào sâu phương Nam, vượt qua Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận cho đến Gia Định, Đồng Nai và miền Tây Nam Bộ. Tiến trình này được triển khai liên tục, có định hướng rõ ràng, dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa.
Từ những nghiên cứu về hệ thống thủ phủ của chúa Nguyễn tại Quảng Trị và Huế, có thể thấy rõ sự tổ chức bài bản trong quản lý hành chính, ổn định đời sống dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng và kiến tạo đô thị. Từ Dinh Ái Tử, Dinh Trà Bát đến các phủ Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, các thủ phủ này không chỉ là trung tâm chính trị mà còn trở thành điểm tụ cư sầm uất, đặt nền móng cho những thiết chế đô thị sơ khai của Đàng Trong, đặc biệt là phong cách đô thị đặc trưng của Huế, đô thị nhà vườn, xanh mát và gần gũi với thiên nhiên.
Đặc biệt, trong quá trình mở đất, các chúa Nguyễn áp dụng chính sách hòa hiếu, linh hoạt trong quan hệ với các cộng đồng bản địa như người Chăm, người Khmer; tôn trọng tập quán địa phương và khuyến khích giao lưu, dung hợp văn hóa. Đây chính là nét đặc sắc, mang tính nhân văn và bền vững trong chiến lược mở cõi, tạo nên dấu ấn khác biệt so với nhiều mô hình mở rộng lãnh thổ khác trong lịch sử thế giới.
Thương mại và đối ngoại: Động lực thúc đẩy sự phát triển của Đàng Trong
Một trong những điểm sáng trong chính sách của các đời chúa Nguyễn là chủ trương mở cửa giao thương và thiết lập quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực cũng như phương Tây. Ngay từ nửa sau thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng đã có thư từ ngoại giao chính thức với chính quyền Mạc phủ Tokugawa của Nhật Bản, đặt nền móng cho mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai bên. Điểm nhấn quan trọng trong chiến lược này là việc phục hưng và phát triển cảng thị Hội An, thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Á thời bấy giờ.
Dưới thời Nguyễn, Hội An không chỉ là trung tâm giao thương mà còn trở thành điểm giao thoa văn hóa Đông – Tây. Thương nhân từ Nhật Bản, Trung Quốc đến các nước châu Âu tấp nập buôn bán, sinh sống và mang theo những ảnh hưởng văn hóa đa dạng. Chính quyền Đàng Trong cho phép lập thương điếm, cư trú lâu dài và cấp nhiều quyền khai thác với chính sách ưu đãi. Tư duy cởi mở này không chỉ giúp ổn định nguồn thu mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, mang tính hội nhập cao.
Qua các văn bản thương mại, tư liệu lưu trữ và hiện vật còn lại, có thể thấy rõ tầm nhìn chiến lược của triều đại nhà Nguyễn khi lấy kinh tế hàng hải và thương mại quốc tế làm trụ cột phát triển. Đây chính là yếu tố then chốt tạo nên một nền kinh tế năng động, mang dấu ấn riêng của Đàng Trong.

Các chúa Nguyễn, xây dựng thiết chế hành chính và văn hóa: Tiền đề cho một quốc gia độc lập
Dù chưa xưng đế, các chúa Nguyễn từ rất sớm đã thiết lập một hệ thống chính quyền riêng biệt, với đầy đủ bộ máy hành chính, quân sự, giáo dục và tôn giáo. Các thiết chế văn hóa được chú trọng phát triển, đặc biệt là hệ thống giáo dục Nho học song hành cùng sự hưng thịnh của Phật giáo.
Từ thời Nguyễn Phúc Chu, Phú Xuân nhanh chóng trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Hàng loạt ngôi chùa danh tiếng được xây dựng hoặc trùng tu như Thiên Mụ, Sùng Hóa, Quốc Ân, Hà Trung, Từ Đàm, Báo Quốc… cùng nhiều pháp khí, bảo vật quý hiếm như chuông chùa Thiên Mụ (đúc năm 1710), bia đá “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” khắc bài văn do chính Phúc Chu ngự đề. Những công trình này không chỉ là kiến trúc tôn giáo mà còn là biểu tượng văn hóa tinh thần, thể hiện sự gắn kết giữa đạo và đời trong chính sách trị quốc của thời chúa Nguyễn.
Đến hôm nay, dấu ấn thời chúa Nguyễn vẫn hiện hữu đậm nét qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Huế: hệ thống chùa chiền, nhà vườn, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian… Trong đó, đô thị cổ Thanh Hà – Bao Vinh, từng là trung tâm buôn bán sầm uất, vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử quý giá.
Đặc biệt, đô thị cổ Hội An, thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ dưới thời Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Sự kiện này không chỉ ghi nhận vai trò của Hội An trong giao thương Đông – Tây thế kỷ XVII–XVIII mà còn phản ánh tầm nhìn mở cửa, hội nhập của triều đại Nguyễn.
Tiến trình mở cõi của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn không chỉ góp phần xác lập hình hài lãnh thổ Việt Nam hình chữ S ngày nay, mà còn là minh chứng sống động cho tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức trị quốc của một dòng họ giữ vai trò then chốt trong lịch sử dân tộc.
Các chúa Nguyễn không chỉ là những nhà kiến tạo lãnh thổ, mà còn là những nhà kiến tạo văn hóa. Họ đặt nền móng cho một thể chế quản lý độc lập, linh hoạt và thích ứng, những giá trị còn nguyên ý nghĩa tham chiếu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Di sản thời Nguyễn, cả vật thể lẫn tinh thần, là tài sản quý báu cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới gắn với khát vọng dựng xây một Việt Nam hội nhập, giàu bản sắc và trường tồn.
Yên Chi