Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nguyễn Hoàng – Người khơi thông hệ thống thương mại miền Trung cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII



ĐNA -

Nguyễn Hoàng (1525-1613) là vị chúa Nguyễn đầu tiên vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558-1570) và sau đó là Thuận- Quảng (1570-1613). Ông không chỉ là người đặt nền móng cho cơ nghiệp của họ Nguyễn và sự hình thành của của Đàng Trong mà còn là người có công lao to lớn trong việc khơi thông hệ thống thương mại ở miền Trung Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, góp phần đưa Việt Nam hội nhập vào luồng thương mại quốc tế phát triển cực kỳ sôi động thời bấy giờ.

Ở phương diện này, công lao của Nguyễn Hoàng thể hiện nổi bật ở 3 điểm: Phát hiện, kế thừa và phục hưng hệ thống thương mại ven sông ra cửa biển theo trục đông- tây của cư dân Champa cổ; Ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu và khai thác lâm thổ sản để xuất khẩu và Chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản) đến trao đổi buôn bán.

Chúa Nguyễn Hoàng – Người khơi thông hệ thống thương mại miền Trung cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII

Thay đổi và phát triển Thuận Quảng, đặt nền móng cho sự ra đời của Đàng Trong
Năm 1558, vâng mệnh vua Lê (2), Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông đã chọn vùng cát trắng Ái Tử bên bờ sông Thạch Hãn để đóng thủ phủ.

Thuận Hóa hồi bấy giờ mặc dù đã trở về với Đại Việt đã 250 năm (tính từ mốc 1306) nhưng vẫn nổi danh là vùng “Ô châu ác địa” với thành phần dân cư phức tạp(3), trình độ phát triển của nền kinh tế còn rất lạc hậu, thấp kém, chủ yếu là khai thác lâm thổ sản tự nhiên và trồng lúa.

Để thuần hóa đất dữ Ô Châu trong buổi ban đầu vô cùng gian nan ấy, Nguyễn Hoàng đã sử dụng chính sách “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng…” . Chính quyền được xây dựng theo kiểu thể chế quân sự của ông có kỷ luật rất nghiêm minh, chưa từng xâm hại đến lợi ích dân chúng. Đường lối chính sự khoan hòa, rộng rãi đó đã khiến các tầng lớp dân chúng đều tin yêu, khâm phục và thường gọi (ông) là chúa Tiên.

Với uy tín và tài đức của mình, Nguyễn Hoàng đã tập hợp được quanh ông nhiều nhân vật kiệt xuất, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau. Nổi bật trong số này là Nguyễn Ư Dĩ, Thái phó Uy quốc công của triều Lê, người đã nuôi nấng, dạy dỗ Nguyễn Hoàng trưởng thành; Thống binh Mạc Cảnh Huống, vốn là tôn thất nhà Mạc, em ruột của Khiêm vương Mạc Kính Điển; Luân quận công Tống Phước Trị, quan trấn thủ Thuận Hóa tiền nhiệm đã tình nguyện ở lại phục vụ dưới trướng Nguyễn Hoàng; Thiện vũ vệ Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh (4); Lương quận công Trương Công Gia(5)..vv. Đây chính là những nhân tố quan trọng giúp chính quyền của Nguyễn Hoàng vững vàng và đạt được nhiều thành công trên vùng đất mới.

Đạt được “nhân hòa” thì mọi chuyện trở nên thuận lợi. Nguyễn Hoàng đã lần lượt dẹp yên các cuộc chống đối trong xứ và đánh tan các lần tấn công xâm nhập của các thế lực thù địch.

Năm 1571, Nguyễn Hoàng đánh tan cuộc tấn công của Mỹ Lương, tay chân của họ Trịnh (sách Đại Nam thực lục cho là Trịnh Kiểm mật sai Mỹ Lương đánh úp dinh Vũ Xương của Nguyễn Hoàng nhưng cũng nêu lên giả thuyết Mỹ Lương đánh úp Vũ Xương để hàng nhà Mạc vì thời điểm này Mạc Kính Điển đang đem quân tấn công Thanh-Nghệ.(6)

Năm 1572, Nguyễn Hoàng đánh bại cuộc tấn công của tướng Lập Bạo nhà Mạc, bắt sống hàng ngàn tù binh.

Nội bộ thống nhất, bên ngoài yên tĩnh, Thuận Hóa mới sau hơn 10 năm kể từ ngày có chúa Tiên thì “nhân dân đều an cư lạc nghiệp. Chợ không bán hai giá, không có trộm cướp, thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”(7) .

Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng kiêm quản thêm đất Quảng Nam (8), với chiếc ấn Tổng trấn nhị trấn Thuận-Quảng, uy tín, quyền lực của ông càng tăng lên gấp bội. Sự kiềm tỏa của họ Trịnh từ phía Nam thông qua các tướng trấn thủ cũ của Quảng Nam như Bùi Tá Hán rồi Nguyễn Bá Quýnh được loại bỏ. Tuy nhiên, với chính quyền Lê-Trịnh ở Bắc hà, Nguyễn Hoàng vẫn hết lòng giữ mối quan hệ hòa hiếu. Tất cả các nghĩa vụ hàng năm của Thuận Quảng đều được thực hiện đầy đủ. Sứ giả miền Bắc bao giờ cũng được hậu đãi. Sau lần ra Thanh Hoa yết kiến vua Lê Anh Tông tại hành cung An Trường vào năm 1569, đến năm 1593, ông lại ra Bắc tham dự lễ mừng công sau khi quân Lê-Trịnh giành được Đông Đô. Tiếp đó, Nguyễn Hoàng đã ở lại đất Bắc suốt 8 năm để giúp vua Lê đánh quân Mạc. Chỉ đến khi Trịnh Tùng, người kế vị Trịnh Kiểm tỏ rõ sự ganh ghét và muốn sát hại ông, Nguyễn Hoàng mới quyết tâm tìm cách quay lại Thuận Hóa. Năm 1600, nhân có cuộc nổi dậy làm phản của các tướng Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), ông xin đem quân đi đánh dẹp rồi thừa cơ vượt biển trốn vào Thuận Quảng.

Từ đây, ý đồ lánh nạn ở đất Thuận Hóa ban đầu của Nguyễn Hoàng đã chuyển thành mưu đồ cát cứ cả miền Thuận Quảng, vùng đất phía Nam đất nước hồi đó. Chúa Tiên càng chăm lo xây dựng phát triển đất Thuận Quảng để thực hiện giấc mộng bá vương của mình. Lực lượng quân đội không ngừng được củng cố, quân lệnh càng thêm nghiêm minh; nền kinh tế Thuận Quảng ngày càng phồn thịnh nhờ các chính sách khoan hòa rộng mở, đặc biệt là các chính sách phát triển ngoại thương; đời sống văn hóa, tư tưởng trong xứ cũng rất ổn định nhờ chính sách hòa nhập văn hóa và phát triển đạo Phật(9). Công cuộc Nam tiến để mở rộng bờ cõi bắt đầu được đẩy mạnh, đến năm 1611, bằng một cuộc tấn công quân sự, đất Quảng Nam đã bao gồm toàn bộ phần đất tỉnh Phú Yên ngày nay(10).

Với hơn nửa thế kỷ cai trị đất Thuận Quảng (1558-1613), Nguyễn Hoàng đã đạt được những thành công rực rỡ. Có thể nói: “… đất Thuận Quảng đã mang lại cho Nguyễn Hoàng một thế đứng chính trị, một chỗ dựa xã hội vững chắc, một khả năng kinh tế dồi dào và những võ công oanh liệt. Đó là những điều kiện đủ để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”(11)

Phối cảnh lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng tại Huế

Phát hiện, kế thừa và phục hưng hệ thống thương mại ven sông của cư dân Chămpa cổ
Một trong những điểm cần nhấn mạnh trong tư duy phát triển kinh tế của Nguyễn Hoàng là việc phát hiện và kế thừa và phục hưng hệ thống buôn bán thương mại ven sông ra biển theo trục đông-tây của cư dân Chămpa. Đây là hệ thống kinh tế được hình thành rất sớm, xuất phát từ đặc điểm của địa hình miền Trung và tập quán kinh tế của cư dân bản địa.

Miền Trung Việt Nam vốn có địa hình khá đặc biệt: lưng dựa vào dãy Trường Sơn, mặt nhìn ra biển; bề ngang hẹp, địa hình dốc với nhiều dòng sông, nhiều cảng/vũng biển tốt và kín gió, phù hợp với việc giao lưu buôn bán bằng đường thủy(12). Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, từ trước công nguyên, tại khu vực này đã hình thành những tuyến giao lưu trao đổi hàng hóa của cư dân bản địa qua hành lang đông tây, xuyên qua dãy Trường Sơn kết nối với Lào, Thái Lan, Miến Điện(13)…Đến thời kỳ vương quốc Chămpa, sự giao lưu đó càng được đẩy mạnh. Người Chăm giỏi buôn bán và đi biển nên hàng hóa (sản phẩm nông nghiệp, lâm thổ sản, hàng thủ công mỹ nghệ…) đã được trao đổi mạnh mẽ với bên ngoài thông qua hệ thống cảng biển và con đường biển. Tuy nhiên, từ thế kỷ 14 trở về sau, thất bại trong xung đột với Đại Việt và sự suy yếu toàn diện đã khiến kinh tế buôn bán trên biển của Chămpa ngày càng xuống dốc và dần lụi tàn. Vùng Thuận Quảng sau khi thuộc về Đại Việt thì đã gần như không còn bóng dáng của kinh tế hàng hóa.

Vốn xuất thân từ đất Thanh Hóa, nơi có nền kinh tế nông nghiệp dựa vào trồng lúa nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng khi vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã nhạy bén nhìn ra những ưu thế của vùng đất mới, ưu thế của kinh thế hàng hóa, và ưu thế của biển. Một may mắn nữa là ông đã xuất hiện trùng thời điểm với Kỷ nguyên thương mại châu Á vốn khởi phát từ cuối thế kỷ 15, phát triển bùng nổ trong các thế kỷ 16, 17, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á (14). Đây là điều kiện lý tưởng để Nguyễn Hoàng thể hiện khả năng của mình và ông đã dám đặt cược cả thể chế của mình vào sự hưng vong của kinh tế ngoại thương(15).

Với chính sách cai trị của Nguyễn Hoàng, Thuận Hóa, và từ năm 1570 về sau là Thuận- Quảng, nền kinh tế hàng hóa đã phát triển mạnh mẽ thể hiện qua sự phục hưng cả một hệ thống cảng biển/ cảng sông từ Quảng Bình đến Bình Định như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mai Xá, Phó Hội, Cửa Eo, Thanh Hà, Cửa Tư Dung, Cửa Hàn, Cửa Đại (Hội An), Thi Nại..vv.  Bên cạnh đó, một mạng lưới chợ đầu mối, chợ phiên đã mọc lên khắp nơi tại các khu vực bến sông hay các tuyến đường bộ kết nối giữa khu vực rừng núi phía tây và đồng bằng ven biển phía đông để trao đổi, thu gom các hàng hóa, lâm thổ sản địa phương đưa về cảng thị phục vụ xuất khẩu.

Riêng tại Quảng Trị, nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đóng dinh phủ đã có đến 4 tuyến giao thương quan trọng kết hợp giữa đường bộ và đường thủy, đó là:

Tuyến Tùng Luật- vùng nội địa Minh Linh (Vĩnh Linh, Gio Linh ngày nay) qua sông Minh Lương/Hiền Lương và sông Cánh Hòm/Kênh Hàng/ Kênh Ba Lòng nối với Bố Chính (Quảng Bình) qua kênh Sen/ Liên Thủy;

Tuyến Cửa Việt – Cam Lộ- Ai Lao xuyên hành lang đông tây qua sông Thạch Hãn- sông Hiếu và đường Thượng đạo xuyên Trường Sơn;

Tuyến Cửa Việt- Dinh Cát/ Trà Bát/ Ái Tử – vùng nội địa Vũ Xương/ Đăng Xương, Hải Lăng đến vùng các tộc người thiểu số qua sông Thạch Hãn và hệ chi lưu Vĩnh Định nối với các vùng thuộc Thừa Thiên;

 Tuyến nội địa Hải Lăng qua sông Ô Lâu và hệ chi lưu Vĩnh Định nối với các vùng thuộc Thừa Thiên(16).

Trong 4 tuyến trên thì tuyến Cửa Việt-Cam Lộ- Ai Lao và tuyến Cửa Việt- Dinh Cát/Trà Bát/ Ái Tử là 2 tuyến mậu dịch quan trọng nhất. Đây cũng chính là lí do cắt nghĩa tại sao, trong suốt 55 năm cai trị ở Thuận Hóa và Đàng Trong, Nguyễn Hoàng lại đóng dinh phủ tại khu vực này(17).

Các tuyến thương mại kết nối theo chiều đông tây dọc theo các tuyến sông Bồ, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Cả… của Thuận Quảng cũng phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Trong thời kỳ chúa Tiên, ngoài sự phát triển phồn thịnh của hệ thống cảng Cửa Việt- Ái Tử/Trà Bát/Dinh Cát ở Chính dinh thì quan trọng nhất là sự phục hưng và phát triển mạnh mẽ của tuyến thương mại Cửa Đại – Hội An/Faifo/Hải Phố. Hội An trở thành cảng quốc tế lớn nhất ở Đàng Trong, là “hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả các người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng”(18).

Nhật hoàng và hoàng hậu thăm cố đô Huế năm 2017

Ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp
Một công lao lớn nữa của Nguyễn Hoàng đối với Thuận Quảng và việc ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu và khai thác lâm thổ sản để xuất khẩu.

Tuy ưu tiên cho phát triển ngoại thương nhưng Nguyễn Hoàng vẫn quan tâm đến việc ổn định và phát triển nông nghiệp, quan tâm đến cuộc sống của nông dân vì họ vẫn là lực lượng chính ủng hộ ông trên vùng đất mới. Chính Nguyễn Hoàng là người đầu tiên sáng tạo ra một phương thức kinh tế mới cho Thuận Hóa và Đàng Trong sau này: kết hợp giữa kinh tế nông nghiệp sản xuất lúa nước truyền thống của di dân người Việt vốn phát triển theo trục bắc-nam và kinh tế trao đổi hàng hóa men theo các dòng sông ra cửa biển theo trục đông-tây của cư dân Chămpa bản địa. Và kết quả của sự sáng tạo này cũng là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho Thuận Quảng chỉ sau một thời gian ngắn đã có bước phát triển đột phá, từ một vùng đất biên viễn hoang sơ lạc hậu đã vụt trở thành một vùng đất giàu có, ổn định với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ (19).

Thuận Hóa nói riêng và Thuận Quảng nói chung trong buổi đầu cư dân còn khá thưa thớt lại còn thường xuyên bị lưu tán do chiến tranh và các biến động lịch sử. Nguyễn Hoàng đã tìm cách chiêu tập dân cư (bao gồm cả cư dân từ Đàng Ngoài lánh nạn hay do nạn đói chạy vào), tạo điều kiện để nhân dân khai hoang, mở đất, lập các làng xã mới. Chính vì vậy mà số làng xã ở Đàng Trong đã phát triển rất nhanh, vùng đồng bằng ven biển dân cư ngày càng trù mật(20).

Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng còn đặc biệt chú ý đến việc phát triển các nghề thủ công trong các làng xã nông nghiệp để tạo nên các thương phẩm đặc trưng của từng vùng, phục vụ buôn bán, xuất khẩu (21)

Lâm thổ sản trong đó tiêu biểu là hương liệu vốn là những mặt hàng nổi tiếng của đất Thuận Hóa từ lâu đời. Trong Ô châu cận lục, Dương Văn An đã từng kê mức thuế hàng năm nộp bằng sản vật của các huyện thuộc Thuận Hóa hết sức phong phú, chẳng hạn tại phủ Tân Bình: Huyện Hải Lăng: Ngà voi 280 cân, trầm hương 50 cân, tốc hương 50 cân, bạch mộc hương 180 cân, biện hương 100 cân, nhựa thông 960 cân… Huyện Kim Trà: Ngà voi 300 cân, sừng tê 96 cân, trầm hương 212 cân, tốc hương 124 cân, biện hương 100 cân, nhựa thông 1800 cân, bạch mộc hương 756 cân, hồ tiêu 1800 lạng… Huyện Đan Điền: Ngà voi 60 cân, trầm hương 50 cân, tốc hương 116 cân, tô nhũ hương 108 cân, bạch mộc hương 840 cân, biện hương 84 cân, nhựa thông 1920 cân (22)…  Sau khi vào trấn Thủ Thuận Hóa, và sau đó kiêm quản cả Quảng Nam, Nguyễn Hoàng càng chú ý khai thác lợi thế này, hệ thống thương mại ven sông ra biển theo chiều đông tây chính là nhằm khai thác nguồn lợi trên, tạo nên những “con đường hương liệu” lan tỏa khắp mọi nơi.

Đặc biệt, gắn liền với việc khai hoang, mở đất lập làng xã mới, Nguyễn Hoàng còn chú ý đến việc xây dựng và phát triển các vùng cung cấp nguyên liệu/hương liệu để xuất khẩu. Năm 1572, sau khi đánh bại cuộc tấn công của tướng nhà Mạc Lập Bạo, Nguyễn Hoàng đã đưa hàng ngàn tù binh bắt được lên vùng Cồn Tiên để lập nên 36 phường của tổng Bái Trời (Bái Ân). Chính những tù binh chiến tranh này đã lập công chuộc tội bằng việc xây dựng nên những đồn điền trù phú- một vùng sản xuất hồ tiêu, dầu trẩu, dầu sơn nổi tiếng của Đàng Trong. Đây cũng chính là những sản phẩm được thương lái nước ngoài rất ưa chuộng, là mặt hàng rất được giá của chúa Tiên. Riêng hồ tiêu, với hai loại tiêu trắng và tiêu đen đã trở thành một thương phẩm đặc biệt của Thuận Hóa hồi bấy giờ:

“Hồ tiêu sẵn ở các phường và xã Mai Xá tổng Bái Trời, huyện Minh Linh, mọc đầy rừng, leo vào các cây mà mọc, tháng 9 có hoa, tháng 11 kết quả, tháng 5 thì hái, tháng 6 thu xong… Xưa Đoan Quận công từng sai người y theo giá mà mua chở về cùng với vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hóa vật, bèn làm thành lệ. Họ Nguyễn cứ hằng năm vào thượng tuần tháng 5 thì sai đội trưởng thuyền Tân nhất cùng tinh binh ra địa phương hạ lệnh cho dân tùy vườn nhiều ít mà chia bao, họp số định giá mua lấy, mỗi gánh hồ tiêu chi trả 5 quan tiền, chở về phố Thanh Hà bán cho khách tàu, không cho dân địa phương bán riêng. Hồ tiêu cứ cho 100 cân làm tại, giá 5,6 quan, khách Bắc và khác Mã Cao thường buôn về Quảng Đông”(23).

Như vậy là, không chỉ biết khai thác lợi thế có sẵn của vùng đất về lâm thổ sản tự nhiên, mà Nguyễn Hoàng còn chủ động xây dựng, phát triển các vùng sản xuất, cung cấp nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu. Đây dường như là một việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển kinh tế của các triều đại quân chủ ở Việt Nam.

Chùa Cầu Hội An. Nguyễn Hoàng chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản) đến trao đổi buôn bán.

Chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến trao đổi buôn bán
Nhận thức được vai trò to lớn của ngoại thương trong việc phát triển nền kinh tế, thay đổi cục diện tình hình của Thuận Quảng, đảm bảo cho sự tồn vong của chính mình, Nguyễn Hoàng không chỉ mạnh dạn kế thừa và phục hưng nền kinh tế hàng hóa thông qua việc ổn định sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, khơi thông hệ thống thương mại nội địa theo chiều đông tây từ vùng rừng núi ra biển theo các tuyến sông mà ông còn chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong mua bán, trao đổi.

Trong thời kỳ kỷ nguyên thương mại châu Á này, thương nhân từ các quốc gia phương Tây đã ào ạt đổ qua các nước phương Đông để tìm hàng hóa, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thuận Quảng vốn là một trọng điểm của con đường tơ lụa (Silk Road) trên biển vốn có từ các kỷ nguyên trước, nay lại trở thành điểm đến được yêu thích của các thương nhân nước ngoài, tiêu biểu là thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc…

Ngay từ những năm cuối thế kỷ XVI, chỉ sau hơn chục năm vào trấn thủ Thuận Hóa (từ 1570 là Thuận Quảng), chính sách thu phục nhân tâm, ổn định tình hình an ninh, phát triển sản xuất của Nguyễn Hoàng đã đưa lại những kết quả to lớn: Nhân dân an cư lạc nghiệp, chợ không bán hai giá, không có trộm cướp, thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn trở nên một nơi đô hội lớn (24).

Nguyễn Hoàng đã có thái độ hết sức tích cực, chủ động đối với thương nhân nước ngoài.  Một số tư liệu lịch sử cho thấy, thương nhân châu Âu khi đến Đàng Trong đều được Nguyễn Hoàng chủ động gặp gỡ; ông lắng nghe nguyện vọng của họ, tặng quà cáp, mời gọi họ đến buôn bán, trao đổi (25).

Nguyễn Hoàng còn đặc biệt chú ý đến thương nhân các nước trong khu vực. Thương nhân người Hoa được tạo nhiều điều kiện ưu ái khi đến buôn bán ở Việt Nam, và trên thực tế họ đã đóng một vai trò hết sức quan trong trong việc điều phối, lưu thông các nguồn hàng hóa của Đàng Trong ra bên ngoài thông qua hệ thống cảng biển, đặc biệt là Hội An(26). Nhưng trong thời kỳ chúa Tiên, đối tượng được ông dành cho sự quan tâm chú ý nhiều nhất lại là các thương nhân Nhật Bản. Đây là một điểm khá đặc biệt vì hồi bấy giờ Nhật Bản vẫn còn khá xa lạ đối với Việt Nam. Chỉ với tầm nhìn vượt thời đại và một sự mẫn cảm đặc biệt về kinh tế mới khiến cho Nguyễn Hoàng nhận ra đây là đối tác quan trọng nhất mà ông cần phải kết nối và gắn bó.

 Khảo sát các văn thư trao đổi qua lại giữa chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong với phía Nhật Bản, chủ yếu trong khoảng đầu thế kỷ XVII, cho thấy rất nhiều điều thú vị. Họ Nguyễn ở Đàng Trong tuy bắt đầu “chạm mặt” với người Nhật bằng một vụ xung đột đáng tiếc với thương nhân Hiển Quý tại Cửa Việt vào năm 1585 (27), nhưng Nguyễn Hoàng đã chủ động viết thư dàn hòa với lời lẽ rất khôn khéo. Đáp lại, Mạc phủ Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu)  của Nhật Bản cũng sáng suốt biết dẹp qua bên sự hiềm khích này để bắt tay cùng chúa Nguyễn, mở cửa cho thương thuyền từ Nhật Bản đến Thuận Quảng buôn bán. Chính nhờ thái độ chủ động tích cực này đã gây dựng được niềm tin cho cả hai phía, đây là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Đàng Trong và Nhật Bản, từ đó tạo nên trào lưu “Châu ấn thuyền” từ Nhật Bản đến Đàng Trong sau đó (28).

Theo thống kê của Thành thế Vỹ, từ năm 1604 đến năm 1616, có 186 thuyền buôn Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Ngoài, Đàng Trong, Chămpa, Campuchia, Phi Luật Tân, Nam Trung Quốc, Mã Lai… thì đã có 42 thuyền đến các cảng ở Đàng Trong, trong đó có Cửa Việt (29).

Còn theo Nguyễn Văn Kim thì, trong thời kỳ từ 1604 đến 1634, tức tương đương với thời kỳ Châu ấn thuyền, đã có 86 lượt thuyền buôn Nhật Bản đến cập cảng Hội An, chiếm tỷ lệ 66,15% trong tổng số 130 thuyền Nhật Bản đến Việt Nam (30). Người Nhật đến Hội An và lập nên cả một “Phố Nhật” tại đây để sinh sống và buôn bán. Đặc biệt, chúa Nguyễn Hoàng còn nhận một thương gia Nhật Bản là Hunamoto Yabeije (Di Thất Lang) làm con nuôi. Chính chàng rể Nhật này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết mối quan hệ ngoại giao thân thiết giữa Đàng Trong và Nhật Bản.

Buôn bán trao đổi với người Nhật đã mang lại những nguồn lợi rất lớn cho Thuận Quảng. Thương nhân Nhật mang đến vũ khí (gươm, đao, thuốc súng, đại bác- là những thứ mà quân đội chúa Nguyễn rất cần), đồ trang sức, đồ gốm sứ …và mua các sản phẩm đặc trưng của Đàng Trong như hồ tiêu, các loại hương liệu, các sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công truyền thống… Theo Critoforo Borri, giá trị thương phẩm trên mỗi chiếc thuyền Nhật Bản lên đến 4-5 triệu bạc (31).

Trong bối cảnh đầy biến động của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Nguyễn Hoàng đã nổi lên như một nhân vật đặc biệt, ông là người có công lao to lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất Thuận Quảng về mọi mặt, mở rộng bờ cõi về phía nam, đặt nền móng cho sự ra đời của Đàng Trong.

Nguyễn Hoàng, với tầm nhìn vượt thời đại của mình đã chủ động tích cực trong việc phát triển nền kinh tế ngoại thương, chủ động mời gọi, tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến làm ăn buôn bán song song với việc ổn định, phát triển nền kinh tế nông nghiệp và sản xuất hàng hóa trong nước. Ông đã biến Thuận Quảng từ một vùng đất nghèo khó, lạc hậu nền nền kinh tế ở trình độ rất thấp trở thành một vùng đất trù phú, giàu có với tiềm lực mạnh mẽ, trở thành một nơi “đô hội lớn” không chỉ của Việt Nam mà còn là một trọng điểm trên con đường thương mại Đông Tây thời bấy giờ.

Có thể khẳng định, sự nghiệp và công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng rất xứng đáng được tôn vinh, và còn hơn thế, ông đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về tính chủ động, sáng tạo và khả năng hội nhập với thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay./.

TS.Phan Thanh Hải

Chú thích:
Chính sử của triều Nguyễn cho rằng, Nguyễn Hoàng vì muốn tránh âm mưa sát hại của Trịnh Kiểm nên đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa nhưng về danh nghĩa ông vẫn là người phụng mệnh vua Lê, và Trịnh Kiểm chính là người đã ủng hộ ông trong việc này.

Cư dân Thuận Hóa hồi bấy giờ bao gồm số cư dân Việt đã vào đây khai phá từ các thế kỷ trước, các loại tù binh chiến tranh, những người trốn tránh pháp luật, các loại trộm cướp, và một số cư dân bản địa Chămpa còn ở lại sau khi vương quốc Chămpa giao 2 châu Ô Lý cho Đại Việt.

Lương Văn Chánh (?- 1611) vốn là quan triều Lê đã theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1558, ông là người có công lớn trong việc đánh bại quân đội Chămpa xâm lấn biên giới năm 1578, sau đó được phong chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù nghĩa hầu. Cả cuộc đời ông từ đó về sau gắn bó với việc chiêu tập dân cư, khai hoang mở đất ở biên giới phía Nam tại huyện Tuy Viễn, trấn An Biên. Sau khi ông mất được phong thần và được nhân dân lập miếu thờ. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997): Đại Nam liệt truyện, bản dịch của Viện Sử học, t1, Nxb. Thuận Hóa, tr.96-97.

Trương Công Gia vốn là quan triều Lê, đã đưa gia quyến tình nguyện đi theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có công lớn khi làm Trấn thủ Quảng Bình. Họ Trương Công về sau được chúa Nguyễn cho đổi chữ lót thành Trương Phúc. Con trai ông là Trương Phúc Phấn, cháu là Trương Phúc Hùng, Trương Phúc Cương, chắt là Trương Phúc Thức, Trương Phúc Phan… đều là những danh tướng của chúa Nguyễn. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997): Đại Nam liệt truyện, sđd, t1, tr.132-135.

Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.29.

Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tập 1, tr.33.

Lúc đó hai xứ Thuận- Quảng gồm có 5 phủ. Thuận Hóa có 2 phủ 9 huyện 3 châu: Phủ Tiên Bình (trước là Tân Bình), lĩnh 3 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh, 1 châu Bố Chánh; phủ Triệu Phong, lĩnh 6 huyện: Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền (xưa là Đan Điền), Hương Trà (xưa là Kim Trà), Phú Vang (xưa là Tư Vang), Điện Bàn, 2 châu: Thuận Bình và Sa Bồn. Quảng Nam có 3 phủ 9 huyện. Phủ Thăng Hoa, lĩnh 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang; phủ Tư Nghĩa, lĩnh 3 huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân, lĩnh 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.

Việc xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê (1601), chùa Sùng Hóa ở huyện Phú Vang (1602), chùa Long Hưng ở Quảng Nam (1602), chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (1607) và hàng loạt chùa chiền khác đã thể hiện rõ chính sách trên của chúa Nguyễn.

Năm 1611, nhân việc quân Chămpa xâm lấn biên giới, chúa Nguyễn Hoàng cho Chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh dẹp và chiếm luôn đất, lập phủ Phú Yên gồm 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa (Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, t1, sđd, tr.36)

Đỗ Bang (1996), Phố cảng vùng Thuận – Quảng thế kỷ XVII-XVIII,  Nxb Thuận Hóa – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, tr.17.

Giáo sĩ Cristoforo Borri khi đến Đàng Trong đầu thế kỷ 17 đã mô tả: “Còn về hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn 60 cảng, tất cả đều rất thuận lợi để cập bến và lên đất liền” (Cristoforo Borri  (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. TP HCM, tr. 91).

Trần Quốc Vượng (1993), Vài suy nghĩ về văn hóa Quảng Trị cổ, in trong Trần Quốc Vượng: Dặm dài đất nước: những vùng đất, con người và tâm thức Việt, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.61.

Xem Anthony Reid (1993), Southeast Asia in the age of commerce, vol.2: Expansion and crisis, Yale University Press, New Heven and London.

Nguyễn Văn Kim (2011), Xứ Đàng Trong trong các mối tương tác quyền lực khu vực in trong Việt Nam trong thế giới Đông Á- Một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, tr459.

Lê Đức Thọ (2014), Các tuyến thương mại mậu dịch ở Quảng Trị dưới thời các chúa Nguyễn, in trong Nguyễn Hoàng- người mở cõi. Phan Huy Lê- Đỗ Bang chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, tr.181-182.

Chỉ đóng thủ phủ tại khu vực Ái Tử/Trà Bát/Dinh Cát, Nguyễn Hoàng mới khống chế được cả tuyến đường Thiên lý bắc nam và hành lang kinh tế đông tây. Cả 3 dinh Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát đều nằm sát bên con đường Thiên Lý từ Bắc vào Nam. Xem các bản đồ cổ về vùng Thuận Hóa như Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư 天南四至路圖書 (vẽ năm 1686), Giáp ngọ niên Bình Nam đồ 甲午年平南圖 (được cho là vẽ vào năm Giáp ngọ 1774, riêng Li Tana cho rằng vẽ vào cuối thế kỷ XVII, khoảng từ năm 1687-1690) đều có thể thấy rõ điều này. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄cũng mô tả trấn dinh của họ Nguyễn (dinh Ái Tử năm 1775) và cựu dinh Ái Tử đều nằm gần đường Thiên Lý. Kết quả khảo sát thực địa của tác giả cũng đã xác định rõ các vị trí này đều nằm kề cận tuyến giao thông cả đường thủy và đường bộ từ Bắc vào Nam (Xem: Phan Thanh Hải (1997), Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế,  số 1, Phần I: “Những Thủ Phủ Đầu Tiên Trên Đất Quảng Trị: Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát”, Huế).

Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.91.

Với nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, Andrew Hardy cho rằng, trong khoảng từ thế kỷ XVI-XVIII, nền kinh tế của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong là một “nền kinh tế lai tạp” giữa hai mô hình kinh tế khác biệt: Kinh tế Chămpa dựa vào trao đổi buôn bán hàng hóa có giá trị cao giữa miền núi và miền biển, theo định hướng Đông-Tây, và mô hình kinh tế Việt Nam truyền thống là kinh tế trồng lúa và di dân, theo định hướng Bắc-Nam. Chính hệ thống kinh tế lai tạp này là nhân tố chủ chốt trong sự thành công và trường tồn của chế độ các chúa Nguyễn. Xem Andrew Hardy (2008), Nguồn trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb. Thế Giới, tr .56 và 64.

Theo Dương Văn An trong Ô châu cận lục, cho đến giữa thế kỷ XVI, toàn bộ Thuận Hóa (không kể huyện Điện Bàn, đến năm 1604 mới tách ra để nhập vào Trấn Quảng Nam) mới có 522 thôn xã, thì đến năm 1773, Lê Qúy Đôn trong Phủ biên tạp lục đã thống kê có đến 882 xã thôn, phường, tăng đến 360 xã thôn.

Chẳng hạn vùng Quảng Trị đã có các sản phẩm địa phương khá nổi tiếng như dầu sơn, dầu rái ở tổng Bái Trời, dầu lạc ở Cam Lộ, chiếu cói Xuân Lâm, đồ đan lát ở Lan Đình, đồ mộc ở Cát Sơn, đồ gốm sành ở Sa Lung, Phước Lý, đồ sắt công cụ ở Đông Hà, Thượng Đô, vải ở Lập Thạch, Trâm Lý, bún ở Thượng Trạch, nón ở Bố Liêu, rượu ở Kim Long, bánh ướt ở Phương Lang… tham khảo: Lê Đức Thọ (2013), Các tuyến thương mại mậu dịch ở Quảng Trị dưới thời các chúa Nguyễn, sđd, tr.188.

Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú, bản dịch và hiệu chú của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 29-32.

Lê Qúy Đôn (1973), Lê Qúy Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, HN, tr.321.

Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, t1, sđd, tr.31.

Li Tana, Anthony Reid (2007), Southern Vietnam under the Nguyen, Documents on the economic History of Cochinchina (Đàng Trong) 1602-1777, Ibid, p.9-11.

Xem Phủ biên tạp lục có thể thấy rõ thương nhân người Hoa đóng vai trò then chốt trong việc lưu thông phân phối nguồn hàng ở mọi nơi, họ có mặt ở hầu hết các chợ đầu mối ở Đàng Trong, họ cũng là lực lượng chính để xuất khẩu hang hóa từ Đàng Trong qua Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Theo Đại Nam thực lục, vụ đụng độ của quân đội chúa Nguyễn do Nguyễn Phúc Nguyên, con trai Nguyễn Hoàng chỉ huy xảy ra tại Cửa Việt vào năm 1585 (Đại Nam thực lục, sđd, tr.32), nhưng căn cứ vào bức thư của Nguyễn Hoàng viết cho Mạc phủ Tokugawa thì sự kiện trên phải xảy ra vào năm 1600.

Phan Thanh Hải (2007), Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII nhìn từ 35 bức văn thư ngoại giao in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, tr.249.

Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVI-XVII và XIX, Nxb Sử học, HN, tr46.

Nguyễn Văn Kim (2000), Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa- nguyên nhân và hệ quả, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.121.

Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, sđd, tr.90.