Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nguyễn Ngọc Thủy – “Shark” Thủy, Chủ tịch Egroup, bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản



ĐNA -

Ngày 25/3/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an  cho biết, Nguyễn Ngọc Thủy (tức “Shark” Thủy) Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame và Đặng Văn Hiền (Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame) bị Bộ Công an bắt tạm giam.

Bị can Nguyễn Ngọc Thủy (trái) và Đặng Văn Hiền tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) nhận được đơn của nhiều nhà đầu tư, tố giác Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản. “Để đảm bảo quyền lợi của người bị hại, cơ quan điều tra đề nghị những người mua cổ phần của công ty Nguyễn Ngọc Thủy hiện còn dư nợ, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra”, trung tướng Tô Ân Xô cho biết tại cuộc họp báo của Bộ Công an, sáng nay.

Ngoài hành vi lần này, hồi năm 2023, Công an TP HCM cũng vào cuộc xác minh hàng trăm đơn tố cáo của phụ huynh, cho rằng bị Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders “chiếm đoạt tiền học phí” khoảng 6 tỷ đồng. Trong đơn, họ cho biết đã phải chi hàng trăm triệu đồng mua khóa học tiếng Anh tại Apax Leaders cho con nhưng các cháu không được học vì trung tâm đã đóng cửa, đòi lại tiền thì không được.

Hôm 9/1, Chủ tịch Egroup Nguyễn Ngọc Thủy thông báo gặp “khó khăn đặc biệt” khi một số trung tâm tại TP HCM phải tạm dừng do một nhóm phụ huynh đến bao vây, đòi lại học phí. Điều này được cho là gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của công ty. Nhân sự lo sợ nghỉ việc, tăng số lượng rút phí do các trung tâm đang hoạt động không thể giảng dạy trực tiếp cho học sinh…

Trong thông báo, Nguyễn Ngọc Thủy cũng cho rằng, việc một nhóm phụ huynh đến bao vây, đòi lại học phí “khiến Apax Leaders mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo cho phụ huynh”. Hiện công ty Shark Thủy đã dừng giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm ở TP HCM để “đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô”.

Trước thông tin Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra, các phụ huynh cho rằng ” Nguyễn Ngọc Thủy đang cố tình biến chúng tôi từ nạn nhân trở thành người phá hoại”. Việc họ tụ tập đòi tiền là hành động dễ hiểu, vì trước đó Apax Leaders đã trễ hẹn hoàn phí theo cam kết. Phụ huynh tìm tới các trung tâm Apax Leaders để nói chuyện trực tiếp, hô khẩu lệnh đòi tiền chứ không đến mức “bao vây” như Nguyễn Ngọc Thủy mô tả.

Apax Leaders là chuỗi trung tâm Anh ngữ cho trẻ em, được cấp phép từ 2016. Trên trang web, chuỗi cho biết có 120 trung tâm trên cả nước, với khoảng 120.000 học viên. Tại TP HCM, Apax Leaders từng có hơn 15.000 học viên. Từ cuối năm 2022 đến nay Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, “ôm tiền bỏ rơi khách hàng” và yêu cầu hoàn trả học phí.

Hệ sinh thái của ‘Shark Thủy’ nợ Bảo hiểm xã hội hơn 100 tỷ

Hệ sinh thái của ‘Shark Thủy’ nợ Bảo hiểm xã hội hơn 100 tỷ
Hàng chục tháng qua, Apax Leaders và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Nguyễn Ngọc Thủy chậm đóng hơn 100 tỷ đồng Bảo hiểm xã hội.

Theo văn bản Bảo hiểm xã hội Hà Nội vừa công bố, tính đến cuối tháng 11, Apax Leaders đang chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệm, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này nợ tiền bảo hiểm của lao động trong nước 45 tháng qua với 55,8 tỷ đồng và nợ tiền bảo hiểm của người nước ngoài 48 tháng với 5,4 tỷ đồng.

Apax Leaders đang là đơn vị có số tiền nợ đứng đầu danh sách hơn 53.600 doanh nghiệp chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên.
Ngoài chuỗi trung tâm Anh ngữ này, các doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái của Nguyễn Ngọc Thủy cũng có mặt ở danh sách chậm đóng tiền cho Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Chuỗi trường mầm non Igarten nợ hơn 19 tỷ đồng trong 21 tháng. Xếp sau là chuỗi dạy toán học tư duy CMS với số tiền chậm nộp gần 10 tỷ đồng trong 34 tháng.

Các doanh nghiệp còn lại gồm English Now, Egame và công ty mẹ Egroup cũng đang chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động suốt thời gian dài. Tổng cộng, hệ sinh thái của Nguyễn Ngọc Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 101,8 tỷ đồng.

Tình trạng chậm trả lương và hoàn thành các nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động đã diễn ra trong hệ sinh thái Egroup từ cuối năm 2019 đến nay. Hệ quả là hàng loạt nhân viên chọn cách nghỉ việc, trong đó có nhiều giáo viên nước ngoài – vốn là điểm bán hàng đặc trưng (USP) của Apax Leaders. Kéo theo đó, bê bối phụ huynh chỉ trích chất lượng giảng dạy của hệ thống Anh ngữ này giảm sút, yêu cầu bồi hoàn học phí diễn ra tại nhiều địa phương. Đến nay, nhiều nhân viên cho biết vẫn chưa nhận được lương và bảo hiểm xã hội còn nợ, bao gồm cả những người đã nghỉ việc.

Thùy Linh