Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nhà thơ Phạm Tiến Duật- Thi sĩ của Người lính và Trường Sơn

ĐNA -

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh ngày 14/1/1941 tại Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Tiến Duật nhập ngũ, có 8 năm gắn bó với Trường Sơn. Ông từng bộc bạch: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941-2007)

Tham gia chiến đấu trong tư cách một phóng viên mặt trận, là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, Phạm Tiến Duật vừa là người ở trong cuộc, vừa là người ở ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Phần ở trong, đã cho ông những tư liệu và kinh nghiệm của đời sống thực nơi chiến trường. Phần ở ngoài, cho ông cái bồng bềnh, mơ mộng và lãng mạng của một thi sĩ trí thức. Cả hai đã tạo cho ông có những giây phút thăng hoa trong các bài thơ mà ông đã viết trong những năm tháng đó. Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ. Thơ ông có sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận. Và có cả những bài đọc mà không cầm được nước mắt, ý thấm vào tận tâm can những chàng trai, cô gái ở Trường Sơn.

Quãng đời ở Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông đã từng nói rằng, việc ông có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, cuốn vào cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta là một cuộc phiêu bạt lớn của số phận. Chỉ khi ở đây, ông mới thấu hiểu và ghi nhận được vẻ đẹp và sức mạnh của thời đại mình qua hình ảnh rất cụ thể của người chiến sĩ lái xe, cô thanh niên xung phong, người tư lệnh, người mẹ Pa Cô, Vân Kiều… Trong chiến tranh chống Mỹ, Trường Sơn là tựu trung của mọi tựu trung. Trường Sơn đã cho Phạm Tiến Duật một kho báu. Ngược lại Phạm Tiến Duật đã làm sáng lên Đường Trường Sơn. Mỗi chiến sĩ Trường Sơn, rộng hơn, cả dân tộc thời ấy đều soi thấy mình trong câu thơ của ông.

Thơ ông là cả một Trường Sơn thu nhỏ với những anh bộ đội lái xe quả cảm và vui tính: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”; những chiến sĩ công binh mở đường quả cảm:

 “Những đồng chí công binh lầm lì
 Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát
 Trên áo giáp lấm đầy đất cát
 Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm”

Với những cô gái thanh niên xung phong chiến đấu quả cảm nhưng vô cùng tinh nghịch, vô cùng lãng mạn và giàu chất nữ tính:

“Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
 Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy nắng sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”.

Phạm Tiến Duật đã nói thay cả một thế hệ. Nói thay những người lính lái xe và các cô thanh niên xung phong. Nói thay cho những niềm vui, hy vọng lẫn những gian lao, khổ hạnh nơi chiến trường… Và đặc biệt nhất, bài thơ “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” được Phạm Tiến Duật sáng tác cuối năm 1969, là bài thơ đã luôn có mặt trong túi áo của mỗi người lính trên chiến trường. Khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường. Khắp các mặt trận bộ đội hát vang bài hát “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” đã thôi thúc hàng triệu trái tim xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công.

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.

Sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật không chỉ ở sự mới mẻ trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, ở cấu tứ, giọng điệu:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom dập, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

hoặc

“Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”

Đã thể hiện cả một trình độ kĩ thuật chắc tay, mà còn ở sự trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai cô gái – những nguyên mẫu đời thường đã hồn nhiên đi vào trang thơ, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời đại chống Mỹ.

Ngoài những nốt thăng tại Trường Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng gặp những nốt trầm khi ông đã tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh huỷ diệt do không lực Hoa Kỳ gây ra. Từ ký ức đau thương và căm thù ông viết bài thơ “Vòng trắng”, đăng trên tạp chí Thanh niên tháng 1/1974 như một nén nhang viếng những người dân tử nạn vì bom B52 triệt phá phố Khâm Thiên, Hà Nội, như một lời thúc giục những cái đầu bốc lửa mang theo hờn căm ra chiến trường giết giặc bảo vệ quê hương.

“Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh

Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.”

Khép lại những năm tháng lửa đạn đã qua cũng như khép lại một cánh chim của núi rừng Trường Sơn đã mỏi, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đặt dấu chấm rất đẹp cho cuộc đời mình. Núi rừng Trường Sơn sẽ nhắc mãi tên ông và bao đồng đội. Thơ ca ông sẽ mãi là những trang vàng chói lọi cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học nghệ thuật năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. Ngày 4/12/2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã về với những đồng đội đã ngã xuống cho hòa bình của đất nước.

The Cuong/tổng hợp