Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nhà trường phải tham gia vào quy trình định chuẩn năng lực hành nghề Y Dược

ĐNA -

(Đà Nẵng). Phát biểu tại hội nghị Khoa học Y Dược – Đại học Duy Tân (mở rộng, năm 2024), diễn ra ngày 28/4; TS.BS.Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), đã đề nghị Đại học Duy Tân tham gia vào quy trình đào tạo, quy trình nghiên cứu của Bộ Y tế.

Trước mắt, bằng năng lực chuyên môn, nhà trường sớm tham gia vào quy trình định chuẩn năng lực hành nghề Y Dược. Thực hiện Luật khám chữa bệnh (đã có hiệu lực từ 1/1/2024). Theo Luật, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (để cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề: đối với chức danh bác sỹ (kể từ gày 1/1/2027); các chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh (kể từ ngày 1/1/2028) và từ ngày 1/1/2029, đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

TS.BS. Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế): Nhà trường phải giúp sinh viên tiếp cận sớm với các định chuẩn bắt buộc, thích ứng với đòi hỏi khắt khe của quy trình đánh giá năng lực hành nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: T.Ngọc.

Đại học Duy Tân có thể tham gia đóng góp câu hỏi cho Ngân hàng đề thi (đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh) mà Bộ đang tích cực chuẩn bị. Thông qua quy trình này, Đại học Duy Tân hình thành bộ khung về năng lực đào tạo các khối ngành Khoa học sức khỏe, giúp sinh viên tiếp cận sớm với các định chuẩn bắt buộc, thích ứng với đòi hỏi khắt khe của quy trình đánh giá năng lực hành nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Bộ cũng đang xem xét, nếu cần sẽ thành lập một Trung tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngay tại Đà Nẵng.

“Y Dược công nghệ cao trong kỷ nguyên mới”
Đó là chủ đề hội nghị Khoa học Y Dược Duy Tân mở rộng năm 2024, một trong những hoạt động của chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Đại học Duy Tân. Hội nghị do Trường Y Dược, Đại học Duy Tân chủ trì tổ chức.

Các chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều trường Đại học, Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các cơ sở Y tế trên cả nước, chụp ảnh lưu niệm cùng BTC hội nghị. Ảnh: T.Ngọc.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi những (ứng dụng) tiến bộ công nghệ, cập nhật kiến thức mới trong các lĩnh vực Y – Sinh – Dược – Răng Hàm Mặt -Điều Dưỡng, Y tế Công cộng trong thời đại kỷ nguyên số, hướng tới điều trị tốt hơn cho bệnh nhân; quản lý, kiểm soát chất lượng trong chẩn đoán, điều trị và phát triển thuốc mới.

Hội nghị có 10 phiên báo cáo, gồm phiên toàn thể (sáng 28/9/2024) với các báo cáo khoa học tiêu biểu:
“Điều trị theo cơ chế bệnh sinh: Nền tảng thiết yếu để quản lý bệnh đa dây thần kinh Đái tháo đường”. Diễn giả GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân, Hiệu trưởng Trường Y Dược.

Báo cáo khoa học: “Điều trị theo cơ chế bệnh sinh: Nền tảng thiết yếu để quản lý bệnh đa dây thần kinh Đái tháo đường”. Diễn giả GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng.Ảnh: T.Ngọc

“Huấn luyện hệ thống bảo vệ của cơ thể: Lĩnh vực đã được trao 2 giải thưởng Nobel”. Diễn giả GS.TS.DS. Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Cập nhật điều trị tăng huyết áp”. Diễn giả GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam

Và 9 phiên khác (diễn ra chiều nay 28/9/2024). Tổng cộng có gần 100 báo cáo khoa học (với nhiều chủ đề Nội tiết-Đái tháo đường, Hồi sức cấp cứu, Phẫu thuật tạo hình, Tim mạch, Chẩn đoán, Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y tế Công cộng, Sinh học và Y sinh.. Diễn giả, báo cáo viên và đại biểu tham dự là các Chuyên gia, Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ, Kỹ thuật viên, Nghiên cứu viên; các Thầy, cô là giảng viên, cán bộ quản lý, đến từ nhiều trường Đại học, Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các cơ sở Y tế trên cả nước; giảng viên và sinh viên các khối ngành Khoa học sức khỏe Đại học Duy Tân.

Báo cáo khoa học : “Huấn luyện hệ thống bảo vệ của cơ thể: Lĩnh vực đã được trao 2 giải thưởng Nobel”. Diễn giả GS.TS.DS. Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: T.Ngọc

Trí tuệ nhân tạo và Y- Dược công nghệ cao trong kỷ nguyên mới
“Hội nghị Khoa học Y Dược Duy Tân mở rộng năm 2024, là cơ hội để chúng tôi phát triển khoa học và xây dựng chiến lược khoa học các khối ngành khoa học sức khỏe, hướng tới tương lai. Với Đại học Duy Tân, các khối ngành khoa học sức khỏe còn non trẻ, nên cần đầu tư nhiều. Chiến lược của nhà trường luôn nhạy với bối cảnh tình hình và nhu cầu của cộng đồng, chiến lược luôn được cập nhật sát với tình hình thực tiễn, hằng năm, nếu có những biến động, tác động, tập thể lãnh đạo sẽ có điều chỉnh ngay chiến lược. Khối ngành khoa học sức khỏe cũng vậy.

Đại học Duy Tân đã và đang quan tâm đến vấn đề trí tuệ (AI) tác động như thế nào đến các ngành khoa học sức khỏe nói riêng, lĩnh vực và các ngành đào tạo khác của toàn trường nói chung. Với sự phát triển của AI, việc dạy và học sẽ như thế nào ? Trường vừa phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, mời các chuyên gia của một Tập đoàn lớn đến làm việc về AI”, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết.

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường (thứ 6, từ phải sang), tặng sách đến các chuyên gia, đại biểu, về tham dự hội nghị. Ảnh: T.Ngọc.

Trong phát biểu phiên khai mạc sáng nay, GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Trưởng BTC hội nghị khoa học cũng nhấn mạnh:

Những năm gần đây, thế giới đã phải đối mặt với những thách thức mới trước sự phát triển quá nhanh và mạnh của kỷ nguyên số, trong đó trí tuệ nhân tạo – AI đã chiếm một vị thế quan trọng trong sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đời sống sản xuất của con người.

Trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, AI đã dần thay thế một phần công việc của bác sĩ như mổ tim, cấy vi chíp phục hồi chức năng cơ thể, v.v. Điều này đã thôi thúc chúng ta càng phải nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng bứt phá với AI và kiểm soát được AI.

Để thực hiện điều đó, chúng ta cần thay đổi thái độ, nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cho ngành khoa học sức khỏe và sự cần thiết của sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Trường, Viện về vấn đề học thuật và ứng dụng thực tiễn.

(Từ bên phải sang): GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân, Hiệu trưởng Trường Y Dược ; Thạc sỹ. Bác sỹ CK II Ngô Thị Kim Yến – Phó Hiệu trưởng Trường Y Dược (Đại học Duy Tân), chủ trì phiên hội thảo chuyên đề (chiều 28/9). Ảnh Kim Cang.

TS.BS. Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cũng cho biết thêm, các tác động của AI đối với lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe là một trong những vấn đề ưu tiên mà Bộ rất quan tâm.

Y học hiện đại Việt Nam chú trọng các lĩnh vực công nghệ sinh học ; công nghệ mới trong điều trị theo hướng ít xâm lấn, y học cá thể hóa và trị liệu tế bào, những mô hình y học của tương lai.

Cục trưởng cũng đã đề nghị Đại học Duy Tân cũng đề nghị Đại học Duy Tân tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực, tiến tới có mã ngành đào tạo bác sỹ chuyên khoa, điều trị nội trú; đào tạo hàn lâm trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các khối ngành khoa học sức khỏe, chuyên sâu nghiên cứu, cùng với các đại học khác, “ghi dấu ấn” trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực ngành Y-Dược, phụng sự sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho toàn dân./.

Trần Ngọc – Thế Cương