Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Đắk Nông

ĐNA -

(Đắk Nông). Với diện tích hơn 4.700km2, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố. Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng – cảnh quan Đray Sáp… lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học.

Những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã dành nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vùng công viên địa chất. Theo đó, Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ các di sản trong vùng CVĐCTC. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại các thôn, bon, buôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Các tờ rơi về bảo vệ di sản được dịch sang tiếng đồng bào DTTS để người dân dễ hiểu, tiếp cận.

Đắk Nông tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, liên hoan, hội diễn sân khấu hóa nhằm tuyên truyền và tôn vinh giá trị di sản.

UBND tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tiến hành phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như lễ cúng bến nước (dân tộc Mạ), lễ cúng rào bon (dân tộc M’nông), lễ sum họp cộng đồng… Đến nay, các giá trị di sản đang được tỉnh Đắk Nông khai thác có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Điển hình như cộng đồng người M’nông ở bon Ja Ráh và bon R’Cập của xã Nam Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã thành lập Nhóm du lịch cộng đồng Yok Nâm Nung với hơn 40 thành viên tham gia, hoạt động khá hiệu quả.

Các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng trong khu vực CVĐC như Chư Bluk, Nâm Kar, Băng Mo….

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô chia sẻ với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con Nâm Nung luôn có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà con còn phối hợp, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ di sản vùng CVĐCTC”.

Để bảo vệ di sản trước những tác động của con người và thiên nhiên, Đắk Nông đã bàn giao 41 điểm di sản của 3 tuyến du lịch cho cộng đồng các địa phương vùng CVĐCTC quản lý và bảo vệ. Đặc biệt, ngay sau khi có sự khuyến nghị của các chuyên gia UNESCO về tình trạng khai thác đá tại các hang động núi lửa và xung quanh khu vực núi lửa, Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo dừng hoạt động của nhà máy sản xuất phụ gia xi măng ở núi lửa Nâm Kar thuộc xã Quảng Phú (Krông Nô). Ban tham gia thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội trong vùng CVĐCTC; xây dựng đề án khoanh vùng và bảo tồn di sản…

Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phối hợp với Sở TN&MT tỉnh tham mưu với UBND tỉnh ban hành thông báo về việc công bố khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại các điểm di sản. UBND tỉnh Đắk Nông đầu tư hệ thống bảng biển, cơ sơ hạ tầng cơ bản tại các điểm; tuyến đi bộ lên núi lửa Băng Mo; lối đi bộ dẫn đến hang C3, C4. Hiện tại, 5 dự án đang triển khai gồm: Trung tâm Thông tin Krông Nô, Trung tâm Thông tin Đắk Song, Dự án mở rộng “Thung lũng mặt trời mọc” và nơi gặp gỡ “Đỏ và Trắng”, Núi lửa Nâm Kar…

Cán bộ cơ sở tại huyện Krông Nô phản ánh về công tác bảo vệ di sản trong vùng CVĐCTC với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á.

Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cho biết: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những tiêu chí bắt buộc và là mục tiêu hướng đến của mạng lưới CVĐCTC UNESCO nhằm phát triển bền vững cho các thành viên. Việc khoanh vùng, bảo vệ di sản có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở để tỉnh đưa ra các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản. Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác khoanh vùng bảo tồn mới. Địa phương ban hành các quyết định để bảo đảm cho công tác bảo tồn phù hợp về mặt pháp lý. Việc thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn được thực hiện”.

Nguyễn Sơn