Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nhiều lý do được đưa ra xung quanh quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô và giữ giá dầu ở mức cao của Saudi Arabia, bất chấp yêu cầu từ Mỹ.

ĐNA -

Trước quyết định của OPEC+ nhằm giảm sản lượng dầu bắt đầu từ tháng 11, Mỹ đã cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga trong thời điểm thế giới đang lo lắng về vấn đề lạm phát. Nhưng quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới khẳng định quyết định ấy được đưa ra vì mục đích kinh tế, không liên quan tới chính trị. Đây được cho là động thái đáng chú ý nhất trong hơn 70 năm quan hệ đồng minh giữa Saudi Arabia và Mỹ. Quyết định này được đưa ra gần ba tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tại Saudi Arabia nhằm kêu gọi quốc gia này tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu.

Theo tin từ Bloomberg, động thái của Saudi Arabia đang tạo ra thách thức mới đối với chính quyền ông Biden khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng. Việc giá xăng tại Mỹ lại bắt đầu tăng trở lại có thể gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng luôn cố gắng tránh né.

Thái tử Mohammed bin Salman đảm nhận vai trò thủ tướng thay vua cha, trở thành người đứng đầu chính phủ Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Dầu mỏ và vấn đề an ninh
Từ trước tới nay, nền tảng cho mối quan hệ giữa Saudi Arabia và siêu cường Mỹ là việc Washington đảm bảo cho Riyadh về mặt an ninh để đổi lại nguồn cung ứng dầu đáng tin cậy. Nhưng trước khi Tổng thống Biden thăm Jeddah vào tháng 7/2022, giới chức trách Saudi Arabia từng cho rằng bản chất của quan hệ đối tác giữa Washington và Riyadh đã có sự thay đổi căn bản. Họ cho rằng quan hệ này đã trở nên mất cân bằng.

Hàng loạt sự kiện được cho là đã góp phần làm leo thang căng thẳng trong quan hệ hai quốc gia, như việc Mỹ nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran – quốc gia đối đầu của Saudi Arabia, Riyadh tham chiến tại Yemen, và việc các nước Vùng Vịnh không được Mỹ bảo vệ trước những lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Lãnh đạo các quốc gia Vùng Vịnh đã nhiều lần phàn nàn về việc Mỹ cố ép họ chấp thuận một số chính sách nhất định. Mãi sau này, quan chức Mỹ mới nhận ra rằng việc này không còn có tác dụng và Washington cần sống chung với một trật tự mới dựa trên lợi ích chung.

Quyền lực không chính thức
Thái tử Mohammed bin Salman, đang cố gắng chứng tỏ với thế giới rằng Saudi Arabia cũng là nước then chốt trên bàn cờ quốc tế và đang sử dụng hàng triệu USD thu nhập từ xuất khẩu dầu để chuẩn bị cho kế hoạch trở thành cường quốc của thế kỷ 21. Dù bốn năm đã trôi qua kể từ khi Thái tử bin Salman bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới bê bối sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhiều dấu hiệu cho thấy sự tự tin và hoài bão của ông vẫn không hề suy giảm. Vị thái tử luôn bác cáo buộc này.

Tháng 9, Saudi Arabia bất ngờ thông báo thái tử đã làm trung gian cho cuộc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, góp phần mang đến hình ảnh vị thái tử với tư cách là một nhà hòa giải quốc tế.

Trước đó, vào thời điểm tranh cử tổng thống, ông Biden từng cam kết sẽ bài xích Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng vào tháng 7 vừa qua, ông lại chấp nhận ngồi cùng và cụng tay với Thái tử bin Salman – người ông từng khẳng định sẽ phải trả lời cho vụ giết người chấn động. Cái cụng tay của Tổng thống Biden với Thái tử bin Salman từng hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt.

Ngoài Biden, Thái tử bin Salman đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của Pháp, Anh và Đức tại vương quốc trong năm nay. Vị thái tử đang thận trọng hàn gắn quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đang tìm kiếm đầu tư từ một nền kinh tế đang trên đà trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).

Trước quyết định của OPEC+ nhằm giảm sản lượng dầu bắt đầu từ tháng 11, Mỹ đã cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga trong thời điểm thế giới đang lo lắng về vấn đề lạm phát.

Các yếu tố kinh tế
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman tại OPEC+, cho biết quyết định của nước này được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cơ bản của thị trường và nhóm cần chủ động trong thời kỳ thị trường biến động mạnh.

Lời kêu gọi cắt giảm xuất khẩu năng lượng dựa trên các giả thuyết rằng cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần, kênh truyền hình Al Arabiya TV dẫn lời Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais.
Al Jazeera dẫn cảnh báo của nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya cho biết việc cắt giảm lượng lớn sản lượng dầu có thể “phản tác dụng” đối với OPEC+ nếu nhà đầu tư lo ngại quyết định này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất đến mức gây ra suy thoái.

“Khi giá năng lượng càng cao, các ngân hàng trung ương càng phải giảm bớt các nhu cầu để kéo giá dầu xuống thấp hơn”, bà nói thêm.

Theo phân tích của Financial Times, quyết định cắt giảm của OPEC rất có thể diễn ra đồng thời với việc nguồn cung dầu tiếp tục giảm. Ngoài ra, động thái này có thể cản trở nỗ lực của EU nhằm tước nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ của Moscow.

Giáo sư Adam Pankratz, giáo sư tại Trường Kinh doanh Sauder của Đại học British Columbia, nói với Al Jazeera rằng giá dầu có thể sẽ tăng lên khi sản lượng cắt giảm và dầu “sẽ trở thành một mặt hàng khan hiếm”.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghai.  Ảnh: Reuters.

Cân bằng quyền lực
Các Lãnh đạo Vùng Vịnh tranh cãi rằng họ cần cân bằng mối quan hệ với cả Nga và Mỹ – các quốc gia đóng vai trò quan trọng không chỉ trong thị trường năng lượng, mà còn trong các xung đột khu vực từ Syria tới Libya. hiện nay, Saudi Arabia và các đồng minh cùng khu vực vẫn chưa tham gia áp lệnh trừng phạt với Moscow, cho rằng việc cô lập Nga còn có thể “phản tác dụng”.

Trong khi đó, quan chức Mỹ đang cố gắng cân bằng việc trừng phạt Nga với tình trạng lạm phát bắt nguồn từ lệnh trừng phạt. Họ cũng đang cố gắng cân bằng nhu cầu trước mắt của Mỹ là nhập nhiều dầu hơn từ OPEC với sự bức bối của chính OPEC – tổ chức không có chung lợi ích với Washington.

Sau đợt cắt giảm sản lượng mới nhất, Nhà Trắng trong một tuyên bố đã kêu gọi “cần bổ sung thêm các công cụ để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng”. Quyết định này cũng cho thấy lý do Mỹ cần khẩn cấp giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch nước ngoài.

Washington Post dẫn tuyên bố của Nhà Trắng hôm 11/10, cho biết Tổng thống Biden đang bắt đầu quá trình “đánh giá lại” mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng thảo luận về mối quan hệ này với các thành viên của Quốc hội. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN hôm 11/10, ông Biden cho biết “sẽ có những hậu quả” đối với Saudi Arabia, nhưng ông không nói rõ hậu quả là gì. Trước đó, ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 10/10 đã kêu gọi Washington đóng băng mọi hợp tác với Saudi Arabia, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, phía Saudi Arabia cho rằng nguyên nhân khiến Washington muốn trì hoãn quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC + là do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn có thời gian trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào ngày 8/11 tới. Tại Mỹ, giá dầu tăng đột biến có thể tác động đáng kể đến vị thế của đảng Dân chủ đang nắm quyền. Quyền kiểm soát tại Quốc hội có thể chuyển từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa nếu giá dầu, vốn đã đẩy lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm, tiếp tục khiến người Mỹ tức giận.
Chính vì những lý do trên, Saudi Arabia đã kiên quyết nói không trước yêu cầu của Mỹ. Trên thực tế, Saudi Arabia cần sự đồng ý từ các đồng minh OPEC, trong đó có Nga, để tiến hành cắt giảm sản lượng.
Chy Le/tổng hợp từ Bloomberg