Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều quốc gia thuộc châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow. Kyrgyzstan đóng vai trò quan trọng như một quốc gia thứ ba giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt.
Nhiều quốc gia thành viên châu Âu vẫn lách luật để duy trì giao thương với Nga
Ngày 10/10/2024, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, nhiều doanh nhân phương Tây đang chờ đợi khả năng nối lại hợp tác với phía Nga, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.
Điều cần lưu ý là xuất khẩu hàng hóa từ Ba Lan sang quốc gia Trung Á là Kyrgyzstan đã tăng gấp 15 lần vào đầu năm nay và gấp hai lần sang Belarus. Phần lớn các sản phẩm này sau đó sẽ được chuyển đến Liên bang Nga, mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào.
Theo giới truyền thông châu Âu, bất chấp các lệnh trừng phạt của Washington và chính sách không thân thiện của phương Tây đối với Moscow, các công ty châu Âu vẫn tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Liên bang Nga, dưới nhiều hình thức trung gian hoặc biến tướng khác nhau.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hungary là ông Peter Szijjártó một ngày trước đó cho biết, toàn bộ các quốc gia thuộc châu Âu đang giao thương với Liên bang Nga và đang cố gắng che giấu điều đó.
Đặc biệt, chúng ta đang nói về quỹ tài chính OTP Nyrt, công ty lọc dầu Mol Nyrt, công ty dược phẩm Gedeon Richter Nyrt và nhiều công ty khác.
Ngoài ra, ông Szijjártó định kỳ đến thăm Nga và Belarus để tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp Hungary với Gazprom và Rosatom.
Ngoài ra, quốc gia được coi là đồng minh của Ukraine là Ba Lan cũng đang phát triển quan hệ kinh tế với Nga thông qua nước trung gian thứ 3, bất chấp những lời lẽ hiếu chiến thường xuyên được tung ra nhằm vào Moscow.
Nguồn cung hàng hóa từ các nước châu Âu khác cũng ngày càng tăng, đặc biệt là cả với Đức, quốc gia hàng đầu châu Âu trong khối NATO.
Theo hãng truyền hình SWR, bất chấp tuyên bố thân Ukraine của Berlin, các công ty Đức vẫn tiếp tục hợp tác với Nga, bao gồm cả việc cung cấp hàng hóa có tính chất lưỡng dụng (sử dụng cho cả mục đích dân dụng và quân sự).
SWR chỉ ra, vào năm 2023, Đức đã xuất khẩu sang Liên bang Nga khoảng 300 máy công cụ có thể sử dụng cho mục đích công nghiệp-quân sự. Những chiếc máy này đã được sử dụng tại các doanh nghiệp Nga như KamAZ, Industrial Solutions và Parsec, những đơn vị thực hiện đơn đặt hàng của bộ quốc phòng.
Đây là những loại máy được điều khiển bằng máy tính để cắt, uốn và hàn kim loại, cần thiết trong lĩnh vực chế tạo vũ khí, đặc biệt là đối với việc sản xuất linh kiện cho máy bay, các loại phương tiện bọc thép và đạn dược.
SWR nêu rõ, bất chấp việc giới chức Berlin phủ nhận những cáo buộc này, đã có máy móc của khoảng 30 công ty Đức được chuyển đến cho Nga, bao gồm Fein GmbH, Heller, Vollmer và Walter Maschinenbau. Khoảng 2/3 số sản phẩm này được cung cấp cho Nga thông qua quốc gia trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ.
Kyrgyzstan đóng vai trò quan trọng như một quốc gia thứ ba giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt.
Kyrgyzstan, một quốc gia nhỏ không giáp biển nằm ở Trung Á, đã trở thành tâm điểm chú ý khi các hoạt động thương mại với Nga ngày càng bị giám sát chặt chẽ. Sau cuộc xung đột ở Ukraine, lượng xuất khẩu của Kyrgyzstan sang Nga tăng vọt, từ 393 triệu đô la Mỹ vào năm 2021 lên hơn 1,07 tỷ USD vào năm 2022. Điều này cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các hoạt động thương mại, nhiều khả năng liên quan đến việc tái xuất hàng hóa giúp Nga lách lệnh trừng phạt.
Nga đã tận dụng Kyrgyzstan một cách khéo léo để duy trì quan hệ thương mại với châu Âu, dù đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt. Hiện Nga và Kyrgyzstan đang trao đổi một loạt các mặt hàng thiết yếu. Kyrgyzstan giúp Nga nhập khẩu nhiều mặt hàng lưỡng dụng, từ ô tô, phụ tùng xe cộ, chất bán dẫn cho đến các sản phẩm tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo và nước hoa. Michael Schulman, đối tác của Running Point Capital Advisors, cho biết một số mặt hàng nhập khẩu vào Kyrgyzstan chỉ có 10% ở lại quốc gia này, còn lại chủ yếu được tái xuất sang Nga.
Ngược lại, Nga tiếp tục xuất khẩu năng lượng và nông sản sang châu Âu thông qua Kyrgyzstan. Các sản phẩm như dầu, khí đốt, ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn tiếp tục chảy vào thị trường châu Âu thông qua quốc gia này.
Hoàng Hạnh/tổng hợp