Tuần qua (từ 27/6 – 3/7), thế giới đã diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, từ việc G7 ra quyết sách quan trọng liên quan tới lĩnh vực năng lượng và an ninh lương thực; NATO thông qua khái niệm chiến lược mới; OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng… Những quyết sách này sẽ tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực.
Từ sai lầm của NATO mở rộng lãnh thổ sang Ukraina. Từ năm 2014, NATO hậu thuận cách mạng màu tại Ukraina nhằm lật đổ chính quyền thân Nga. Tháng 2/2022, Nga giải quyết xung đột tại Ukraina dẫn đến trong 4 tháng vừa qua, nhiều tình thế bất lợi cho kinh tế liên minh Mỹ và châu Âu về bất ổn chính trị, năng lượng và lương thực.
G7 thông qua nhiều quyết định quan trọng về năng lượng và an ninh lương thực.
Ngày 28/6/2022, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, đã bế mạc sau ba ngày làm việc.
Hội nghị đã thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Trong vấn đề năng lượng, G7 cam kết nhanh chóng hành động để đảm bảo nguồn cung năng lượng và kiềm chế việc gia tăng chi phí do các điều kiện thị trường bất thường, cũng như xem xét các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như áp mức trần giá dầu.
Để đối phó với nguy cơ xảy ra nạn đói và suy dinh dưỡng, G7 cam kết gia tăng việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm và dinh dưỡng toàn cầu, theo đó, G7 sẽ bổ sung 4,5 tỷ USD nhằm duy trì thị trường thực phẩm và nông sản, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực giúp Ukraine sản xuất và xuất khẩu lương thực.
Liên quan nỗ lực bảo vệ khí hậu, G7 cam kết ủng hộ các mục tiêu xây dựng một “câu lạc bộ khí hậu” quốc tế mở và hợp tác, cùng các nước đối tác hướng tới việc xây dựng câu lạc bộ này từ nay tới cuối năm 2022.
Với sự hỗ trợ của chương trình Đối tác vì cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, các nước G7 cũng cam kết huy động 600 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm thu hẹp lỗ hổng đầu tư toàn cầu.
Liên quan tới đại dịch COVID-19, G7 cam kết xây dựng nguồn dự phòng trên 1,1 tỷ liều vaccine, quan tâm tới việc phòng ngừa, dự phòng và chống các đại dịch trong tương lai cũng như các thách thức liên quan tới sức khỏe. Ngoài ra, G7 cũng sẽ nỗ lực kiểm soát các thách thức toàn cầu, hợp tác với các tổ chức xã hội và các đối tác nhằm nâng cao khả năng phục hồi của các xã hội, củng cố quyền con người cả trực tuyến và ngoại tuyến cũng như chống lại các thông tin sai lệch và đạt cân bằng giới.
NATO thông qua khái niệm chiến lược mới
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/6, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua “Khái niệm chiến lược mới”, với 4 trụ cột chính nhằm định hướng chính sách của NATO trong những năm tới, dựa trên ba trụ cột: vừa răn đe vừa phòng thủ, phòng ngừa giải quyết khủng hoảng và phòng vệ tập thể.
NATO quyết định tăng lực lượng trực chiến sẵn sàng chiến đấu từ 40.000 lên tới hơn 300.000 quân, trải dài tại sườn phía Đông của NATO dọc suốt biên giới với Nga. Một số đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn ở Đông Âu sẽ được nâng cấp lên thành lữ đoàn. Chiến lược vừa răn đe vừa phòng thủ hình thành, với lực lượng phòng thủ tuyến đầu đông hơn và nhiều trang thiết bị hơn. Lãnh đạo NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, nhấn mạnh có hai nước Bắc Âu tham gia sẽ làm cho NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu – Đại Tây Dương ổn định hơn. Bản tuyên bố chung cũng cam kết sẽ giúp đỡ Ukraine và nhất trí một gói hỗ trợ mới nhằm hiện đại hóa nền quốc phòng của đất nước Đông Âu.
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong ba ngày 28-30/6, được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt của khối quân sự này với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó việc đưa ra “Khái niệm chiến lược” mới, đánh dấu sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới. Đây là tài liệu quan trọng, xác định các giá trị và mục tiêu của liên minh quân sự, đồng thời định hướng các nhiệm vụ ưu tiên liên quan đến vấn đề an ninh và giải quyết những thách thức mà NATO phải đối mặt. Được cập nhật khoảng 10 năm một lần, “Khái niệm chiến lược” của NATO là “kim chỉ nam” cho chính sách quốc phòng của từng nước thành viên. Đây là văn bản nền tảng xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và định hướng mọi hành động quân sự của NATO.
OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng
Hôm 30/6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh (OPEC+), đã đồng ý bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 8, bất chấp lời kêu gọi bơm thêm dầu để hạ nhiệt giá dầu thô.
Trong bối cảnh giá xăng vẫn ở mức cao, động thái này của OPEC+ có thể khiến Mỹ thất vọng khi trước chuyến thăm chính thức đầu tiên tới khu vực Trung Đông, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi các nước sản xuất dầu tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu.
OPEC+ đã kết thúc cuộc họp thông qua cầu truyền hình bằng quyết định giữ nguyên chính sách sản xuất. Theo đó, Liên minh này sẽ chỉ tăng sản lượng dầu vào tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày mà không thảo luận về mức tăng trong tháng 9. Các chuyên gia nhận định, bước đi này của OPEC+ nhằm giữ giá dầu ở mức cao và tiếp tục hưởng lợi.
Giá dầu đã tăng lên những mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Giá đã giảm bớt nhưng hiện vẫn ở mức trên 115 USD/thùng vào ngày 30/6 do nguồn cung bị thắt chặt và những lo ngại rằng các nước OPEC có ít khả năng tăng sản lượng nhanh chóng.
Saudi Arabia và Nga lần lượt là 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong OPEC+. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022.
Đậu mùa khỉ và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu
+Ngày 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi châu Âu hãy hành động khẩn cấp để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lây lan khắp nơi, thêm rằng số ca tại châu lục đã tăng gấp ba lần trong 2 tuần qua.
Tại buổi cập nhật thông tin của WHO về đậu mùa khỉ, ông Hans Henri Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, thúc giục các chính phủ hãy đẩy nhanh nỗ lực hơn nữa trong những tuần và tháng tới nếu muốn ngăn chặn dịch bệnh “cắm rễ” tại châu lục này.
WHO cho biết đậu mùa khỉ đã lan đến 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài châu Phi, bao gồm Đông Nam Á. Đến nay, hơn 4.500 ca được phát hiện trên toàn cầu và được xác nhận bằng kết quả ở phòng thí nghiệm. Trong đó, 90% số ca được ghi nhận ở châu Âu, theo AFP dẫn lời ông Kluge. Từ ngày 15/6, WHO ghi nhận thêm 6 nước và vùng lãnh thổ xuất hiện ca đậu mùa khỉ, và số ca ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong 2 tuần qua.
Hiện châu Âu vẫn là tâm dịch và nguy cơ lây lan tiếp tục cao. Ông Kluge cho biết tạm thời dịch đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, WHO chuẩn bị rà soát lại dữ liệu và sẽ thay đổi quyết định nếu cần thiết.
+ Cũng trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu tăng mạnh trở lại và “lục địa già” nhiều lần đứng đầu thế giới về ca mắc mới COVID-19 tính theo ngày. Ngày 1/7, Đức ghi nhận hơn 98.000 ca mắc mới và biến thể phụ BA.5 được đánh giá là biến thể chủ đạo của đợt sóng COVID-19 mới tại nước này. Trong khi đó, Italy cũng đã có hơn 86.000 ca mắc mới – mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4. Hiện có 8 trong tổng số 21 tỉnh thành và vùng của Italy được xếp vào diện có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Số ca mắc mới trung bình 7 ngày qua tại Pháp là hơn 99 nghìn. Riêng ngày 1/7, ghi nhận hơn 125.000 ca nhiễm mới, gấp gần 7 lần so với thời điểm cuối tháng 5. Số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực đã tăng lên 960 ca. Trong 3 tuần qua, mỗi ngày Pháp có khoảng 40 ca tử vong do COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh trên, Thủ tướng Pháp đã khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trở lại tại những địa điểm đông người có không gian kín, đặc biệt trên các phương tiện giao thông công cộng.
Mỹ truy tố 4 đối tượng liên quan vụ 53 người di cư thiệt mạng
Trong tuần qua, giới chức Mỹ đã tiến hành bắt giữ và truy tố 4 đối tượng liên quan đến vụ việc 53 người di cư thiệt mạng trong xe container ở bang Texas. Đây được xem là một trong những vụ buôn người chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Theo hãng tin CNN, tài xế Homero Zamorano, 45 tuổi, bị truy tố về tội buôn người nước ngoài dẫn đến tử vong. Homero đã bị bắt trong quá trình chạy trốn, bỏ lại xe container chở thi thể người di cư. Đối tượng này đã được đưa tới bệnh viện trong tình trạng phê ma túy đá.
Một nghi phạm khác là Christian Martinez, 28 tuổi, cũng bị truy tố với tội danh âm mưu vận chuyển người nước ngoài bất hợp pháp dẫn đến tử vong. Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối mặt với án tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, hai nghi phạm là công dân Mexico cũng bị truy tố vì sở hữu súng khi cư trú bất hợp pháp tại Mỹ.
Vào ngày 27/6, một chiếc xe container được phát hiện bị bỏ rơi trên một con đường ngoại ô hẻo lánh ở San Antonio, Texas (Mỹ) . Khi kiểm tra bên trong, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều thi thể người di cư trái phép. Ban đầu, 44 người thiệt mạng đã được phát hiện và 16 người được đưa đi cấp cứu. Đến tối ngày 29/6 (giờ Mỹ), số nạn nhân tử vong đã lên con số 53.
Các nạn nhân trong container đã trốn từ Mexico, Guatemala, Honduras và các quốc gia khác để nhập cư trái phép vào Mỹ. Họ đã được tìm thấy trong xe không có điều hòa nhiệt độ, thức ăn hay nước uống khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 39,4 độ C.
Minh Hòa – Thanh Vân (tổng hợp)