Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. đâu đâu cũng thấy không khí Tết thổi qua từng khu phố, len qua từng khe cửa. Trên các tuyến đường lớn, tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm hòa vào những sắc hoa đào, quất, mai, lan…cùng với nhịp người đi mua sắm, khiến đường phố tại một số chợ ở Hà Tĩnh trở nên náo nhiệt, ấm áp phần nào.
Thoáng chốc mà đã hết năm Nhâm Dần. Xa xa, hoa đào, hoa mai lại thi nhau tỏa hương, khoe sắc dưới ánh sương mai, đẹp óng ánh đến độ cứ ngỡ vị Tết tròn trĩa đã gõ cửa từng nhà.
Những ngày cuối năm là lúc người ta mong muốn được thức dậy sớm để có thể cảm nhận được cái tiết trời se se lạnh của mùa xuân, nghe một bài nhạc Tết hay đơn giản chỉ là ngồi góc cà phê quen thuộc, ngắm nhìn dòng người qua lại tất bật, hối hả những ngày cận kề đón xuân.
Đi chợ Tết cuối năm đã là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam. Bởi lẽ, chợ ngày Tết nó mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người. Tại Hà Tĩnh, càng những ngày giáp Tết, không khí tại các khu chợ càng trở nên đông đúc, tấp nập người mua, kẻ sắm.
Dù bận đến mấy, mỗi người đều dành cho mình những thời gian đi chợ Tết, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa tinh tươm đón xuân, sân vườn đón năm mới thì đây còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Đông Nam Á, các chợ tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hàng trăm cây, cành đào, quất, mai, cúc… bắt đầu xuống phố, được các thương lái bày bán dọc vỉa hè để phục vụ Tết Quý Mão đang cận kề.
Cành đào luôn được lựa chọn đầu tiên để bày biện trong nhà như là nét văn hóa Tết đặc trưng của người dân Việt nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Hoa ở đây được các thương lái bày bàn rất nhiều, đa dạng về chủng loại, màu sắc như: Cúc, thủy tiên, mai vàng, hoa tulip,…với mức giá từ vài chục nghìn lên đến hàng triệu đồng/chậu. Chỉ cần vậy thôi cũng đủ để cảm nhận được “hơi thở” của sắc xuân trong dịp Tết bởi rực rỡ hoa màu và nhộn nhịp “người mua kẻ bán”.
Chị Nguyễn Như Quỳnh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều đi tham quan các chợ hoa xuân để tìm những cành đào bày cắm, trang trí nhà cửa. Cứ thấy đào là cảm thấy rõ không khí Tết đang đến gần hơn, đặc biệt là giữ gìn được nét truyền thống của Tết Việt xưa”.
Có thể thấy, như một thói quen, hầu như ai cũng muốn dành thời gian đến các chợ hoa để cảm nhận không khí Tết. Từ đó, chợ hoa Xuân đã trở thành một nét văn hóa của người Hà Tĩnh nói riêng, của người Việt Nam nói chung mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Dù cuộc sống còn nhiều thăng trầm, khó khăn, vất vả nhưng chúng ta hãy gói ghém nó lại, tạm biệt năm cũ và cùng nhau thắp lên ngọn lửa của những ước mơ và khát vọng thành công… Đếm từng phút, từng phút, hân hoan đón khoảnh khắc đất trời vào xuân.
Tăng Anh Thành