Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Như một “cẩm nang” về di sản văn hóa Huế

ĐNA -

Trong dịp kỷ niệm 30 năm (1993 – 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 – 2023) Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Tiến sỹ Phan Thanh Hải vừa cho xuất bản hai cuốn sách “Tản mạn về Huế từ góc nhìn di sản văn hoá” và “Huế còn lại với di sản” về di sản văn hoá Huế. Là người công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế 27 năm, Tiến sỹ Phan Thanh Hải có điều kiện đi sâu nghiên cứu di sản văn hoá Huế đến tận mọi ngõ ngách và cả ở tầm “vĩ mô”. Với lượng thông tin phong phú như thế, hai cuốn sách của Tiến sỹ Phan Thanh Hải có thể xem như là “cẩm nang” cho nhiều đối tượng muốn nghiên cứu, tìm hiểu về di sản Huế.

Cuốn “Tản mạn về Huế từ góc nhìn di sản văn hoá” (viết gọn là “Cuốn 1”) dày trên 300 trang khổ lớn gồm 68 tiểu mục; cuốn “Huế còn lại với di sản” (viết gọn là “Cuốn 2”) dày trên 350 trang, gồm 26 chuyên đề; cả hai cuốn đều có phụ bản nhiều ảnh, do NXB Hà Nội và Công ty cổ phần Tri thức Văn hoá Việt Nam thực hiện (quý 2, 2023).

Tác giả cho biết, “Cuốn 1” tập hợp chủ yếu các bài viết ngắn về lịch sử, văn hoá, di sản chủ yếu của vùng đất Huế; còn “Cuốn 2” gồm những bài viết dài hơn, chuyên sâu hơn – có thể gọi là “chuyên đề” – tập trung vào chủ đề di sản văn hoá Huế. Là người công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế 27 năm (1992-2019), từ một cán bộ nghiệp vụ, tiếp bước các đàn anh như Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng…, trở thành Giám đốc Trung tâm, Phan Thanh Hải có điều kiện đi sâu nghiên cứu di sản văn hoá Huế đến tận mọi ngõ ngách và cả ở tầm “vĩ mô”. Với lượng thông tin phong phú như thế, hai cuốn sách của Phan Thanh Hải có thể xem như là “cẩm nang” cho nhiều đối tượng muốn nghiên cứu, tìm hiểu về di sản Huế.

Chỉ cần điểm qua các đề mục, chúng ta sẽ thấy điều đó. “Cuốn 1” có 3 phần: Lịch sử và văn hoá – Di tích-cổ vật – Bảo tồn-phát huy. Trong phần “Lịch sử và văn hoá”, tác giả đưa chúng ta về thời Nguyễn Hoàng “mở cõi” qua bài viết “Tiên chúa Nguyễn Hoàng với việc chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Thuận Quảng”; tiếp đến là mối quan hệ Việt-Nhật thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi hình ảnh thị trấn Thanh Hoa qua “Hoàng Việt nhất thống  dư địa chí”…Bạn cũng có thể tìm  hiểu Lễ dựng nêu, Lễ hội Điện Hòn Chén… cho đến nghệ thuật Rồng-Phượng, thú chơi kiểng, nghệ thuật ẩm thực Huế… và nhiều nét đặc sắc khác nữa của văn hoá Huế trong phần này…

Một đề tài hình như còn ít nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu đã hiện diện trong Phần I (“Cuốn 1”): “Quy hoạch nhà phố trong Kinh thành Huế có từ bao giờ?” Bài viết chỉ có tư liệu “khô khan” – những bản dịch văn bản hành chính xác nhận quyền sở hữu nhà đất ra đời năm Khải Định thứ 5 (1920) tức cách đây hơn một thế kỷ …-  nhưng lại khá thú vị vì gợi người đọc hình dung lại cả một thế kỷ hình thành đường phố dân cư trong Thành Nội. Tôi cứ nghĩ: giả như “hậu duệ” ông Phạm Hữu Nam (người đứng tên tờ khai nói trên) nay còn ở trên đường Đinh Thiên Hoàng, sẽ rất thích thú biết rằng, từ năm 1920, cha ông mình đã “mua được miếng vườn và nhà ở lợp tranh còn nguyên trạng” trên “khoảng đất trong thành, từ cửa Đông Nam (Thượng Tứ) đến cầu Ngự (cầu Kho)…do nhà cửa bằng tranh luôm thuộm không ngay thẳng, nên… hễ nhà nào tình nguyện xây dựng nhà ngói, theo đúng luật lệ nạp thuế thì được phép cư trú vĩnh viễn…” (Bản dịch chiếu chỉ ngày 12 tháng 10 năm Khải Định thứ 4 (1919)… Thì ra Thành Nội từ lúc chỉ có quan và lính đã dần trở thành phố thị đông vui như thế!…

Trong Phần 2 “Di tích – cổ vật”, tác giả giới thiệu hầu hết những di sản quý giá của Huế từ Điện Long An, Cung An Định, Cung Diên Thọ… cho đến chùa Huế, Nhà rường Huế, Bình phong và  Non bộ…, rồi Cửu đỉnh, Kim bảo ngọc tỷ của Triều Nguyễn… Tác giả còn giới thiệu cả “Bàn ủi” thời Nguyễn và cập nhật về “sự “trở về” của hai cổ vật Triều Nguyễn (mũ đại quan Triều Nguyễn và “áo Nhật bình” được cho là của cung tần Triều Nguyễn) vừa diễn ra tại Tây Ban Nha tháng 10/2021…

“Cuốn 2” có nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu , giúp bạn đọc hiểu cả quá trình hình thành và công phu tôn tạo, quảng bá giá trị di sản văn hoá Huế. Ví như bài “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế – vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững” dài đến 15 trang, tác giả không chỉ cho biết việc hoàn chỉnh bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 19/5/ 2016 là vô cùng phức tạp với sự hợp lực của nhiều chuyên gia (chỉ riêng khâu chuyển ngữ từ Hán sang Việt rồi sang Anh đã rất kỳ công) mà còn đặt ra nhiều kế hoạch nghiên cứu, quảng bá tiếp nối để di sản quý giá này đến được với công chúng đông đảo. Bài “Sông Hương và đô thị  Huế” cũng dài đến 12 trang – một đề tài đã có nhiều tác giả “cày xới”, nhưng với cái nhìn tổng thể, có chiều sâu lịch sử và văn hoá, chúng ta hiểu thêm giá trị tạo vật vô giá mà Trời đất đã ban tặng cho Huế; từ đó mỗi người thấy rõ thêm trách nhiệm ngăn chặn mọi kiểu xâm phạm để vẻ đẹp sông Hương trường tồn cùng Huế trong quá trình phát triển hiện nay.

Có lẽ điều cần nói thêm là bộ sách của Phan Thanh Hải không chỉ đầy ắp thông tin mà còn có những trang giàu chất văn. Trong bài “Mây say trên Túy Vân Sơn” (“Cuốn 1”) có đoạn viết: “…Vượt lên ngót trăm bậc cấp nữa mới đến Đại Từ Các nằm giữa lưng núi… Khi kê máy để chụp phần mái ngói còn lại trên cổng, tôi mới giật mình khi phát hiện các cuộn mây trắng xốp như bông đã quây đầy quanh núi tự bao giờ. Nhớ lời kể của dân địa phương, về những đám mây say trên đỉnh Túy Vân, tôi vội vã trèo lên mấy chục bậc cấp nữa rồi trèo tót lên tầng cao nhất của tháp Điều  Ngự trên đỉnh núi để ngắm mây. Đỉnh trời vẫn trong vắt… nhưng cảnh đẹp tuyệt vời của chốn đầm phá bày ra trước mắt khiến tôi ngỡ ngàng. Tạo hóa quả là khéo sắp đặt để tạo ra một vùng đầm phá mênh mông dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ…”

Tôi đã hơn một lần đến Túy Vân mà cũng “ngỡ ngàng” trước cảnh mây núi hữu tình qua miêu tả của nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải có điều kiện đi sâu nghiên cứu di sản văn hoá Huế đến tận mọi ngõ ngách và cả ở tầm “vĩ mô”.

Công chúng Huế và đông đảo người yêu Huế cả nước đã được thưởng thức Chương trình nghệ thuật “Di sản Cố đô trao truyền & hội tụ” phong phú đậm đà như khai mạc một Fesstival đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30 năm (1993 – 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 – 2023) Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Ở một phương diện khác, có thể nói với gần 100 di sản văn hoá Huế được giới thiệu, khảo cứu trong bộ sách mới, Phan Thanh Hải và các cộng sự thân thiết mà ông đã bảy tỏ lòng biết ơn trong “Lời nói đầu” sách, cùng các công trình nghiên cứu về di sản Huế của Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân. Mai Khắc Ứng, Hải Trung, Hồ Vĩnh… và một số tác giả trẻ khác cũng là một “Fesstival đặc biệt” – Fesstival sách về Huế, tuy thầm lặng nhưng có chiều sâu, được lưu giữ và có sức  lan tỏa lâu dài…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê