Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế năm 2025, được tổ chức từ ngày 4 – 5/2/2025, tại Washington DC, Hoa Kỳ. Tại đây, các thế lực chống phá tiếp tục đưa ra nội dung xuyên tạc, hướng lái sai lệch các vụ án có liên quan đến dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam nhằm hạ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, chúng kêu gọi Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế gây sức ép với chính quyền Việt Nam, kích động phần tử chống đối ở trong nước tiến hành các hoạt động gây rối phá hoại, làm mất ổn định an ninh, trật tự.

Hội nghị Thượng đỉnh tự do tôn giáo quốc tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt là IRF Summit) là sự kiện được tổ chức bắt đầu từ năm 2021 đến nay liên quan đến các vấn đề về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hội nghị được khởi xướng và duy trì bởi hai đồng chủ tịch là cựu Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Sam Brownback và Katrina Lantos Swett, một luật sư nhân quyền hiện đang giữ chức Chủ tịch Quỹ Nhân quyền Lantos.
Nhiều năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế cũng đã căn cứ vào những nguồn tin không đầy đủ, thiếu khách quan, nguồn tin cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan, cơ hội chính trị về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh chỉ là một tổ chức do những cá nhân khởi xướng liên quan đến vấn đề tự do và tôn giáo toàn cầu để trục lợi, được tuyên truyền trên mạng xã hội một cách rầm rộ cả về số người tham dự và số tiền chi ra để tổ chức trong những năm qua nhưng về bản chất, hội nghị này chỉ là một diễn đàn để các tổ chức và các đối tượng chống đối đưa ra những thông tin vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian hội nghị diễn ra với những công bố thiếu khách quan, sai sự thật, ngay lập tức đã được các tổ chức thiếu thiện chí, thù địch chống phá Việt Nam tung hô, xem đó như là bằng chứng quy kết Đảng, Nhà nước Việt Nam có những đối xử “bất công”, “phân biệt đối xử”, “đàn áp” tôn giáo, tín ngưỡng của người dân…
Cũng như các năm trước, năm nay, tại hội nghị này, các đại biểu tham dự đều là các tổ chức, cá nhân tự xưng quen thuộc trên không gian mạng về các hoạt động xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật về tự do tôn giáo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, qua đó kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép với những chủ trương, đường lối chính sách của Việt Nam, có thể kể đến như đối tượng Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức do chính y lập ra là Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS. Dù không sinh sống cũng như không có mối liên hệ mật thiết nào ở Việt Nam nhưng đối tượng trên vẫn đưa ra những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật việc “Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống và giới hoạt động muốn hội nghị quan tâm đến hiện trạng đàn áp ở Việt Nam”, đồng thời mong muốn các tổ chức, cá nhân tham dự tiếp tục vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh dách quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Ngoài ra, thông qua hội nghị này, nhiều đối tượng tiếp tục cổ suý và tẩy trắng cho các hành động khủng bố tại Việt Nam như đối tượng Y Phic Hdok, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, là một trong những đối tượng cốt cán của tổ chức Người Thượng vì công lý – MSFJ” (Montagnards Stand For Justice) đã kêu gọi các tổ chức quốc tế tự xung về nhân quyền can thiệp vào Việt Nam nhằm thả các đối tượng vi phạm pháp luật và đang chấp hành án phạt như Y Thinh Niê, Nay Y Blang, Y Krếc Byă). Thậm chí, đối tượng này còn lớn tiếng kêu gọi các tổ chức quốc tế trên can thiệp, gây sức ép đối với Chính phủ Thái Lan trong việc không trục xuất đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap chủ mưu, cầm đầu vụ khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 về Việt Nam.
Như vậy, về bản chất hội nghị này không phải là một diễn đàn để đưa ra những tiếng nói công bằng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như đại diện cho tổ chức tôn giáo nào cho người dân toàn cầu mà là một trong những công cụ chính trị để các thế lực thù địch nhắm vào các quốc gia được cho là không thân thiện nhằm tạo áp lực chính trị, tức là mục tiêu “quốc tế hóa”, “chính trị hóa” vấn đề tôn giáo, tiến tới các hoạt động kích động gây bất ổn ở trong nước và thực hiện can thiệp quân sự từ bên ngoài. Điểm qua những thành phần tham dự Hội nghị đều là những gương mặt quen thuộc của các tổ chức quốc tế tự xưng về nhân quyền, các cá nhân, tổ chức gắn mác “đấu tranh tự do tôn giáo” chỉ nhằm mục đích vận động chính sách, chứ không phải là đại diện các quốc gia đến bàn thảo, nghị sự về tôn giáo. Dù được các đối tượng chống đối và các tổ chức phản động lưu vong tuyên truyền trên mạng xã hội nhưng suy cho cùng, đây chỉ là một diễn đàn mang tính nhỏ lẻ không tính quốc tế, không đại diện cho tiếng nói của một quốc gia nào nên không có được sự quan tâm từ các tổ chức truyền thông hay bất cứ tổ chức tôn giáo nào trên thế giới.
Bản chất các hoạt động cổ xúy cho hội nghị trên của các thế lực thù địch, phản động lưu vong và số đối tượng chống đối ở trong nước thời gian qua chỉ nhằm mục đích kích động “ngòi nổ” tín ngưỡng, tôn giáo để kích động mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau, giữa người theo đạo và người không theo đạo, giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp, từ đó gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, gây tổn hại đến vị thế và uy tín của Việt Nam hiện nay.

Bác bỏ những cáo buộc xuyên tạc, sai sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam
Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai có quyền xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội. Ðảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Hiến pháp năm 2013 phân định rõ ràng hai khái niệm quyền con người và quyền công dân, trong đó ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là một quyền con người với tính phổ quát của nó: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 24). Hơn thế, Hiến pháp năm 2013 mở rộng phạm vi nghĩa vụ của Nhà nước, không chỉ là bảo hộ nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo như Hiến pháp năm 1992 mà là: “tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.” Đối tượng bảo hộ gồm cả quyền tự do theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nơi thờ tự). Như vậy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tự nhiên của con người, đã được pháp luật quốc tế công nhận và bảo hộ với tư cách một quyền con người cơ bản ngay từ khi Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người – đạo luật nhân quyền quốc tế đầu tiên – được ban hành. Ở Việt Nam, tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn luôn là một quyền hiến định mà Nhà nước có nghĩa vụ bảo hộ. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được khẳng định thông qua nhiều bằng chứng sống động, từ việc công nhận tổ chức, đăng ký hoạt động, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, đến việc bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được mở cơ sở đào tạo, in ấn kinh sách, sinh hoạt giáo lý…
Thực tiễn cho thấy, kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đi vào đời sống, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự và công dân theo tôn giáo tăng theo thời gian, ở tất cả các tôn giáo. Đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tổ chức tôn giáo và cấp đăng ký hoạt động, hơn 3.700 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập, trong đó có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, cùng với đó là 62 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Trên cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, hơn 54.000 chức sắc, hơn 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Người dân được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với việc thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng giữa các dân tộc; Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển về mọi mặt; coi đây là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững đất nước.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các tổ chức tôn giáo được tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như: Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Người bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo đã vận động chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là điểm đến được các tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện, các lễ kỷ niệm như: năm 2009, Nhà nước cho phép và hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 2.000 ni sư từ hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự sự kiện này. Đặc biệt, năm 2024 đã diễn ra những hoạt động đối ngoại, nổi bật là Tổng Giám mục Marek Zalewski bắt đầu đảm nhiệm vai trò Đại diện Thường trú đầu tiên của Toà thánh ở Việt Nam từ tháng 1/2024.
Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam từ ngày 9-14/4/2024 qua đó diện kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và có các cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; thăm các Tổng Giáo phận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Trong chương trình tại Việt Nam, Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham đã gặp Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ. Đồng thời, mục sư Franklin Graham tham dự Chương trình Thánh nhạc Truyền giảng “Mùa Yêu thương 2024” do Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham tổ chức tại Cần Thơ, với 2 đêm nhạc vào ngày 3-4/12/2024, thu hút khoảng 10.000 người tham dự gồm chức sắc, chức việc, tín đồ Tin lành và khách mời của 13 tỉnh miền Tây.
Cần khẳng định rằng, tôn trọng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Cụ thể tại Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể góp phần tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền này được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thực tiễn ở Việt Nam.

Những thành quả về bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây được đánh giá là cơ sở quan trọng giúp quan hệ Việt Nam-Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú. Năm 2023, Tòa thánh Vatican đã mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam. Ghi nhận về thành tựu nhân quyền của Việt Nam nói chung và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam nói riêng ông Kyril Whittaker (người Anh), nhà nghiên cứu chính trị-lịch sử Việt Nam khẳng định: Ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam cũng bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, với nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư. Ông Kyril Whittaker cho biết mình rất ấn tượng trước quy mô, vẻ đẹp và vai trò của các đền, chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong các cộng đồng mà ông từng đến thăm ở Việt Nam.
Những con số trên là minh chứng sinh động cho thấy tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được pháp luật bảo hộ và luôn được bảo đảm, thực thi trong thực tiễn, các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi và ngày càng phát triển. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động ở khắp các vùng, miền, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội, nhất là vào dịp đầu năm, lễ hội truyền thống.
Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đang hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Vừa qua hai nước cũng đã kỷ niệm một năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài, hiệu quả, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Bởi vậy những báo cáo, đánh giá của Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế năm 2025, được tổ chức tại Hoa Kỳ và Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) không chỉ phản ánh sai sự thật về tình hình tại Việt Nam mà còn có nguy cơ làm gia tăng sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đi ngược lại xu thế hợp tác, phát triển, vi phạm nguyên tắc tôn trọng các vấn đề nội bộ của các quốc gia do đó cần bị phản bác, lên án nghiêm khắc.
Thế Nguyễn/tổng hợp