Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Những câu chuyện chân thực về quan hệ ngoại giao Việt Nam -Thái Lan



ĐNA -

Những thành quả hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan có được là nhờ hai nước có nhiều điểm tương đồng, sự tin cậy chính trị, sự kết nối chặt chẽ về kinh tế và giao lưu nhân dân làm nền tảng.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành và Đặc phái viên Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Vitavas Srivihok trao đổi bộ tem chung giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Thái Lan, ngày 5/8/2016.

Khi lên đường sang Bangkok nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan năm 2014, tôi biết mình có hai thuận lợi lớn. Một là, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (6/2013), quan hệ Việt Nam-Thái Lan vừa được nâng cấp lên Đối tác chiến lược. Hai là, năm 2016 sẽ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.

Khi tới nơi, dần dần tôi mới biết mình có nhiều thuận lợi hơn thế. Ba câu chuyện dưới đây sẽ thể hiện một cách chân thực nhất mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan tốt đẹp đến nhường nào.

Sự cảm mến của Hoàng gia Thái Lan

Công chúa Maha Chakri Sirindhorn là một người uyên bác, hóm hỉnh, gần gũi và được nhân dân Thái Lan kính trọng, coi như “công chúa quốc dân”. Cá nhân tôi chứng kiến bà thông thạo nhiều thứ tiếng, ham mê đọc, vẽ, chơi đàn, chụp ảnh và sưu tập tem.

Khuôn viên sứ quán được trang trí với gam màu tím nhạt, màu đặc trưng của Công chúa. Một triển lãm hội họa và tem bưu chính được chuẩn bị. Nhà truyền thống sẵn sàng để bà khai trương. Cuốn sách tập hợp những tấm ảnh bà chụp trong các chuyến thăm Việt Nam vừa kịp in để bà phát hành. Đầu bếp danh tiếng Hà Nội được mời, và cả một chương trình chầu văn được dàn dựng.Khi tới chào Công chúa năm 2015, tôi mời bà tới thăm sứ quán. Có lẽ hiếm khi anh chị em sứ quán hồ hởi như vậy suốt tháng trời để chuẩn bị đón Công chúa.

Ngày 28/5/2016, Công chúa Sirindorn thăm sứ quán, được cả cơ quan và đông đảo bà con Việt kiều chào đón. Đây là lần đầu tiên một thành viên Hoàng gia Thái Lan thăm Đại sứ quán Việt Nam.

Khi tham quan triển lãm tem, bà bày tỏ ngạc nhiên thấy Marshall Islands, một quốc đảo từng do Mỹ ủy trị, phát hành con tem bưu chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà bảo, con tem mang cả ý nghĩa văn hóa và chính trị sâu sắc.

Sau chuyến thăm, Công chúa Sirindorn đã tích cực thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Việt Nam hơn. Bà cho phép gắn biển tên tiếng Việt cho các chùa Việt tông, nhờ đó các ngôi chùa này được bà con người Việt và du khách thường xuyên thăm viếng. Cũng từ đây, ngày càng có nhiều thành viên Hoàng gia Thái Lan khác tới thăm các ngôi chùa Việt.

“Học lỏm” từ mô hình hữu ích

Xác định hợp tác kinh tế là tương lai của quan hệ hai nước nên tôi luôn tranh thủ cơ hội trao đổi với các doanh nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn.

Trong một lần tới thăm tỉnh Chieng Rai, tôi được giới thiệu mô hình Triết lý Kinh tế vừa đủ (SEP) của cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Aduljadej (Rama IX). Mô hình SEP có 3 mục đích: đem lại cuộc sống no ấm cho người dân, giữ gìn nền văn hóa phong phú của các dân tộc và bảo vệ môi trường bền vững.

Cả một khu đồi mấy năm trước còn trơ trụi do xói mòn và cháy rừng, nay xanh mướt nhờ vào một công trình giữ nước mưa thông minh, đơn giản, và tốn ít kinh phí.

Ấn tượng mạnh mẽ, chúng tôi quyết tâm thúc đẩy. Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Thái Lan, dự án SEP đầu tiên đã được triển khai tại Thái Nguyên. Đây cũng được xem là dự án tiêu biểu cho sự gắn bó đoàn kết Việt Nam-Thái Lan.

Chứng kiến dự án SEP tại Thái Nguyên tiếp tục được triển khai giúp phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tôi vui mừng vì đã “học lỏm” được một mô hình hữu ích từ các bạn Thái.

Hy vọng trong tương lai, dự án SEP sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành, để kinh nghiệm phát triển thông minh của Thái Lan có thể đem lại cuộc sống ấm no cho người Việt.

Quan hệ “chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay”

Trong nhiệm kỳ của tôi, quân đội Thái Lan lên nắm quyền sau một cuộc chính biến hòa bình. Khi đó, Đại tướng lục quân Tanasak Patimapragorn được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan.

Tôi là đại sứ nước ngoài đầu tiên tới chào ông ngay sau chính biến, khi ông còn là Tư lệnh quân đội. Báo chí Thái, kể cả báo tiếng Anh, đều đưa tin.

Khi chuyển sang làm đối ngoại, ông Tanasak đặc biệt quan tâm tới Việt Nam. Ông tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh hằng năm của sứ quán, thăm Việt Nam 5 lần, và trực tiếp chỉ đạo để hai nước ký thỏa thuận hợp tác lao động nhân dịp họp Nội các chung năm 2015.

Ông còn chủ động đề xuất Họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, và đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Phu nhân thăm khu du lịch Phuket với một màn pháo hoa rực rỡ làm ngỡ ngàng đoàn ta.

Tiếp tôi tới chào trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Tanasak nhấn mạnh: “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay”.

Từ đó, quan hệ hai nước tiếp tục có những bước phát triển mới. Bà con Việt kiều ngày càng gắn bó với đất nước, thế hệ trẻ hướng đến nhau, quan hệ giữa các địa phương ngày càng thiết thực. Hai nước phối hợp tổ chức thành công các hội nghị ASEAN tại Thái Lan năm 2019 và tại Việt Nam năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng, hai bên vẫn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (6/8/1976-6/8/2021). Những thành quả hợp tác song phương có được là nhờ hai nước có nhiều điểm tương đồng, sự tin cậy chính trị, sự kết nối chặt chẽ về kinh tế và giao lưu nhân dân làm nền tảng.

Tôi tin tưởng từ nay đến dịp kỷ niệm 50 năm quan⁰ hệ Việt Nam-Thái Lan, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều bước phát triển vượt bậc hơn nữa, đưa quan hệ lên một tầm cao mới, đồng thời đóng góp tích cực vào phát triển của tiểu vùng Mekong và ASEAN.

NGUYỄN TẤT THÀNH (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan)

Nguồn: baoquocte.vn