Ngày 3/6/2025, báo điện tử NachDenkSeiten của Đức đăng tải bài viết mang tựa đề “Những kẻ đạo đức giả và kẻ nói dối” do Oskar Lafontaine, cựu Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là một trong những chính trị gia và nhà bình luận chính trị có ảnh hưởng tại Đức chấp bút. Trong bài viết, Lafontaine không ngần ngại chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo phương Tây, cáo buộc họ che giấu sự thật và sử dụng chuẩn mực đạo đức kép trong các vấn đề đối nội và quốc tế, đặc biệt là liên quan đến xung đột và quan hệ với Nga.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu cách đây vài ngày: “Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu quân đội Israel đang làm gì ở Dải Gaza hiện nay, với mục đích gì.” Một tuyên bố như vậy cho thấy sự hoài nghi ngày càng gia tăng ngay trong giới lãnh đạo Đức về chiến dịch quân sự của Israel. Trên thực tế, chính quyền Israel đã nhiều lần công khai tuyên bố mục tiêu của họ ở Dải Gaza, theo nhiều quan sát quốc tế là tiến hành các hành động có thể bị xem là thanh trừng sắc tộc. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, ông Johann Wadephul, cũng lên tiếng rằng cần phải xem xét nghiêm túc liệu những gì đang diễn ra ở Dải Gaza có còn phù hợp với luật nhân đạo quốc tế hay không.
Thật khó tin nổi. Mức độ đạo đức giả và lối ngụy biện của một số chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) dường như không còn giới hạn. Trước thực tế của một cuộc chiến mà ngày càng nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế mô tả là hành động “diệt chủng” và “thanh trừng sắc tộc”, việc tiếp tục gọi đó là “vấn đề cần xem xét” chỉ làm dấy lên thêm hoài nghi về động cơ thực sự của họ. Nhiều nhà bình luận cho rằng sự miễn cưỡng lên tiếng mạnh mẽ không chỉ xuất phát từ yếu tố chính trị – ngoại giao, mà còn từ nỗi lo ngại ngày càng rõ rệt: nếu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra phán quyết về đơn kiện của Nicaragua, khả năng Đức bị kết luận là đồng lõa trong tội ác diệt chủng không còn là điều không tưởng.
Thật vậy, sau những gì nhân loại đã chứng kiến trong kỷ nguyên đen tối của Chủ nghĩa Quốc xã, thật khó có thể tưởng tượng rằng thế hệ hậu duệ – những người từng tuyên thệ “không bao giờ lặp lại” – lại đang nhắm mắt làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho một cuộc chiến bị nhiều tiếng nói độc lập mô tả là diệt chủng. Việc chính phủ Đức tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính quyền Israel trong bối cảnh thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza không chỉ đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về đạo lý, mà còn làm lung lay nền tảng đạo đức mà nước Đức hậu Thế chiến II từng nỗ lực xây dựng.
Oskar Lafontaine sinh ngày 16/9/1943, là một chính trị gia và nhà chính luận người Đức. Từ năm 1985 đến ngày 9/11/1998, ông là Thủ hiến của bang Saarland. Ông là ứng cử viên thủ tướng Đức của SPD cho cuộc bầu cử liên bang vào ngày 2/12/1990, ngay sau khi thống nhất nước Đức và từ năm 1995 đến 1999 là chủ tịch của SPD. Sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9/1998, Gerhard Schröder trở thành Thủ tướng Liên bang, ông tiếp quản Bộ Tài chính Liên bang trong nội các Schröder. Vào tháng 3/1999, ông đã từ chức một cách đột ngột tất cả các cơ quan chính trị, bao gồm cả nhiệm vụ là dân biểu Quốc hội Đức của mình. Từ đó trở đi, ông xuất hiện với tư cách là người chỉ trích đường lối của chính phủ trong liên minh SPD/Đảng Xanh. Vào ngày 1/5/1999, Lafontaine xuất hiện trong các cuộc mít tinh của Liên đoàn Công đoàn Đức với những lời chỉ trích gay gắt về các cuộc ném bom của NATO vào Serbia, bắt đầu vào ngày 24/3. Vào ngày 17/3/2022, ông tuyên bố rời khỏi Đảng Cánh tả Linke. (Chú thích của người biên dịch)
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=133924