(ĐNA) Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) nổi tiếng là xứ sở của đền tháp Chăm và rất nhiều lễ hội, dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Miền đất nắng gió này còn là “thánh địa” của làng nghề gốm Bàu Trúc- làng gốm cổ nhất còn lại của Đông Nam Á, là “bảo tàng sống” về nghề làm gốm của người Chăm cổ xưa.
Độc nhất vô nhị
Làng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Play Da nau Pan rang, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận). Trong ngôi làng này có khoảng 500 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu đều là người Chăm theo nghề làm gốm. Người dân tộc Chăm, theo chế độ mẫu hệ nên chỉ có con gái mới được mẹ truyền cho những bí kíp làm gốm. Các bé gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề và chỉ vài năm sau là họ có thể làm được các sản phẩm gốm đất. Do đó, mấy trăm năm qua, nghệ nhân gốm Bàu Trúc chỉ toàn là nữ.
Làng Bàu Trúc hiền hòa và hiếu khách, khi tới đây đi khắp làng ở đâu cũng bắt gặp những ụ đất to và đầy những chum, vại, hũ, vò… Theo những bậc cao niên trong làng, người khai sáng nghề gốm Chăm nơi đây là vợ chồng ông Poklong Chanh. Cách đây hơn 300 năm, vợ chồng ông Poklong Chanh đã dạy cho dân làng Bàu Trúc cách lấy đất sét về nắn, nung thành những dụng cụ sinh hoạt như nồi, niêu, chén, tách và một số đồ vật trang trí khác. Từ chỗ làm đồ gốm để sử dụng trong gia đình, dần dần, dân làng dùng các sản phẩm này để trao đổi, mua bán. Nghề gốm Chăm Bàu Trúc ra đời từ đó.
Ấn tượng đầu tiên khi về Bàu Trúc là sự tương phản giữa điều kiện sống, sinh hoạt với công việc mà người dân ở đây đang làm. Hầu hết nhà cửa trong làng đều khang trang, tường xây, mái ngói, nền lát gạch hoa bóng láng cùng những phương tiện phục vụ cho cuộc sống hiện đại. Thế nhưng nghề làm gốm cùng dụng cụ hành nghề thì từ xưa đến nay hầu như không thay đổi. Người Việt từ xa xưa đã dùng bàn xoay – công cụ quan trọng để chế tác gốm.
Thế nhưng người Chăm ở làng Bàu Trúc lại khác hoàn toàn, các nghệ nhân chỉ vận dùng đôi tay khéo léo nhào nặn tạo ra các sản phẩm gốm “độc nhất vô nhị” không tuân theo bất cứ khuôn mẫu nào. Để tiến hành làm một sản phẩm, người thợ đặt nguyên liệu lên đòn kê rồi nhào nặn theo sở thích. Bằng những thao tác rất điệu nghệ, họ bẻ miệng, nống đáy, cạo trong, vỗ ngoài… để tạo hình cho sản phẩm.
Chính nhờ làm bằng tay, không theo khuôn mẫu nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật “độc bản”, không cái nào giống cái nào. Nghệ nhân Đàng Thị Hoa, một người có bàn tay vàng của làng gốm Bàu Trúc cho biết: “Nghề làm gốm đất rất vất vả, công phu. Đầu tiên, người Bàu Trúc phải đi lấy đất sét ở khu vực sông Quao, cách làng gần 1 km. Chỉ có đất sét ở vùng này mới đủ độ dẻo, mịn để chế tác gốm. Đất đem về được đập nhỏ, rưới nước vừa đủ, trùm ủ một đêm. Hôm sau, đất được trộn với cát mịn, tỷ lệ tùy thuộc vào từng sản phẩm, thông thường là 7 đất, 3 cát. Do đặc điểm của nguyên liệu và kỹ thuật chế tác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm nên gốm Bàu Trúc mang tính đặc thù riêng biệt”.
Cũng theo nghệ nhân Hoa, gốm đất không tự lên men mà phải dùng màu sơn chế từ trái dông, trái thị rừng để quét lên lớp da trước khi nung. Độc đáo hơn cả là bí quyết ém khói trong khi nung. Nhờ đó các sản phẩm sẽ có các vết mầu loang rất đặc sắc, đậm nét văn hóa Chăm trên từng sản phẩm gốm. Các sản phẩm sẽ có các màu sắc khác nhau như: vàng đỏ, đỏ hồng, vệt nâu… theo chủ ý của nghệ nhân mà ít nơi nào làm được điều này.
Xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch
Tuy là nghề truyền thống được người dân truyền qua nhiều đời với biết bao thăng trầm biến cố. Có thời điểm nghề gốm Bầu Trúc cũng lâm vào bế tắc, sản phẩm làm ra không bán được, không ít nghệ nhân phải bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh, làng gốm tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Một nghệ nhân cao tuổi trong làng nhớ lại: “Khoảng hơn 10 năm trước, cả làng còn chưa đến 100 hộ theo nghề này và cũng chỉ làm “được chăng hay chớ” vì sản phẩm tiêu thụ rất khó khăn. Lúc bấy giờ, thỉnh thoảng mới có khoảng 5-7 du khách ngoài tỉnh đến Ninh Thuận, ghé tham quan Bàu Trúc, tiện thể mua vài món gốm đất làm kỷ niệm”.
Để giữ gìn và phát triển làng gốm Bàu Trúc, năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án “Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” với tổng kinh phí 26,3 tỉ đồng”. Đồng thời, Ninh Thuận có chủ trương phát triển nghề gốm Bàu Trúc phục vụ du lịch, gốm Bầu Trúc là sản phẩm du lịch của địa phương. Nhờ đó, du khánh trong nước và quốc đế đến tham quan làng gốm ngày cành đông.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đồng loạt các chương trình về quảng bá, tiếp thị gốm tại những hội chợ thương mại, làng nghề được tổ chức trong và ngoài nước; xây dựng trung tâm trưng bày, kinh doanh sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du lịch; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho các hộ làm gốm; đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu…
Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ: “Một phần nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đã vực dậy làng nghề, nhưng cái chính vẫn là sự độc đáo của gốm đất nung Bàu Trúc không dễ bất kỳ loại gốm nào có được. Tiếng lành đồn xa, gốm
Bàu Trúc đã vượt khỏi ranh giới Ninh Thuận, lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc. Du khách tìm đến Bàu Trúc ngày càng nhiều. Sản phẩm gốm Bàu Trúc hôm nay không còn đơn thuần chỉ là những nồi, niêu, chum, vại… mà đã làm ra nhiều sản phẩm theo nhu cầu thị trường và sản xuất theo đơn đặt hàng. Mỗi tháng, HTX gốm Bàu Trúc xuất bán hàng ngàn sản phẩm các loại, thu nhập của người làm gốm cũng tăng lên. Nghề gốm vì thế ngày càng phát triển.
Nghệ thuật làm gốm cổ truyền Bàu Trúc đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dù chưa thể làm giàu từ nghề gốm nhưng hàng trăm năm qua, người dân Bàu Trúc vẫn cố giữ lấy tổ nghiệp. Họ lặng lẽ sống với nghề “mẹ truyền con nối” trong thanh âm đồng vọng của gốm đất nung, truyền và lưu giữ qua muôn đời.
Bài: Xuân Hướng Ảnh: Tiến Vinh