Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nội bộ lục đục khiến EU và NATO rất khó có thể thành công với mục tiêu gây khó cho Nga và hậu thuẫn Ukraine

ĐNA -

Theo tờ Euro News, ngày 3/8/2024, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Hungary giải thích về quyết định gần đây của nước này liên quan đến việc nới lỏng quy định cấp thị thực cho công dân Nga và Belarus, điều mà Brussels lo ngại “có thể dẫn đến việc lách luật” các hạn chế của khối và làm suy yếu các tiêu chuẩn an toàn trên toàn Khu vực Schengen miễn hộ chiếu.

Thủ tướng Viktor Orban. Ảnh: Getty Images.

Ủy ban châu Âu cho rằng, quyết định của Hungary về mở rộng chương trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và kiểm tra an ninh đối với lao động đến từ Nga và Belarus đã gây tranh cãi và dấy lên quan ngại từ EU về khả năng lách luật và rủi ro an ninh.

EU lo ngại khả năng Hungary tạo lỗ hổng về an ninh chung cho khối. EU còn bực bội nhiều hơn về việc Hungary tăng cường quan hệ hợp tác với Nga trong khi EU tẩy chay, trừng phạt và đối đầu Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Điều khiến EU hậm hực hơn cả là Hungary “manh động” về đối ngoại và cải thiện quan hệ với Nga khi đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên EU. EU đã công khai phản đối Hungary, thậm chí còn tẩy chay nhiều hoạt động chung do Hungary chủ trì tổ chức, nhưng Hungary vẫn kiên định lối đi riêng. Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về quyết định của Hungary. Bà Johansson nhấn mạnh rằng Nga hiện đang là “vấn đề an ninh” và việc nới lỏng yêu cầu cấp thị thực có thể làm suy yếu an ninh của EU. Bà Johansson cảnh báo rằng khi kế hoạch tiếp cận dễ dàng này gây ra rủi ro, Ủy ban châu Âu sẽ hành động để đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực.

Vào đầu tháng 7 vừa qua, cùng thời điểm Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tới Nga, Budapest đã mở rộng chương trình thị thực cho công dân từ Nga và Belarus. Trước đó, thẻ này đã được áp dụng cho những người nộp đơn từ các quốc gia khác như Ukraine, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro và Serbia.

Budapest cho biết, những công nhân này sẽ được tuyển dụng vào các dự án xây dựng nhà máy hạt nhân sử dụng công nghệ của Nga, công nghệ mà Thủ tướng Orbán đã yêu cầu miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt. Quyết định này không được chú ý cho đến khi Manfred Weber, Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), gửi một lá thư vào cuối tháng 7 cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, yêu cầu thảo luận ở cấp lãnh đạo về vấn đề trên. Ông Weber cho rằng các quy định mới “đáng ngờ” này “tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp” và có thể cho phép “một lượng lớn người Nga vào Hungary với sự giám sát tối thiểu”, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.

Đáp lại, người phát ngôn của Thủ tướng Hungary đã bác bỏ các cáo buộc của ông Weber, mô tả quan điểm này là “vô lý và đạo đức giả”, đồng thời khẳng định rằng hệ thống di cư của Hungary là “nghiêm ngặt nhất” trong EU. Dù vậy, Ủy ban châu Âu đã vào cuộc để giải quyết cuộc tranh cãi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh khu vực Schengen, nơi các trạm kiểm soát biên giới đã bị bãi bỏ để tạo điều kiện di chuyển dễ dàng.

Hungary cho biết quyết định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động người Nga và Belarus nhập cảnh vào làm việc ở Hungary. Hungary tham gia Hiệp ước Schengen của EU. Theo hiệp ước này, các thành viên vẫn có thể tự quyết định cho người nước ngoài nhập cảnh với thị thực riêng của quốc gia, nhưng vẫn phải thông báo cho cả khối biết.

Hộ chiếu Nga.

Trước đó vào ngày 1/8, bà Johansson đã gửi một lá thư tới Bộ Nội vụ Hungary, đặt câu hỏi về các thay đổi mới đối với chương trình nới lỏng thị thực của nước này. Chương trình này được cập nhật để đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và kiểm tra lý lịch an ninh cho “người lao động được mời” từ Nga và Belarus. Giấy phép có hiệu lực trong hai năm và có thể gia hạn thêm ba năm, mở đường cho việc đủ điều kiện để thường trú.

Những động thái của Hungary biểu hiện ra bên ngoài chỉ là của một thành viên EU và NATO. Trong thực chất, nó phản ánh sự bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc và xung khắc lợi ích cơ bản giữa các nhóm thành viên trong EU và NATO liên quan việc ủng hộ Ukraine, trong chính sách đối với Nga và về định hướng giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.

Một khi thực trạng nội bộ như thế thì EU và NATO rất khó có thể thành công với mục tiêu gây khó cho Nga và hậu thuẫn Ukraine. Các biện pháp chính sách của EU nhằm trừng phạt Nga khó có thể đưa lại hiệu quả như EU kỳ vọng vì Nga vẫn luôn có được cách để lách và vô hiệu hóa.

Theo thông tin từ Euro News, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, khoảng 500 “điệp viên hoặc nhân viên tình báo” Nga đã bị trục xuất khỏi EU. András Rácz, một chuyên gia về chính trị và an ninh cho biết, Nga hiện có ít điệp viên “truyền thống” hơn ở châu Âu và ngày càng dựa vào “các hình thức gián điệp” khác.

Lê Huy/tổng hợp.