Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nói đúng, viết đúng về một sự kiện lịch sử đặc biệt 30/4/1975

ĐNA -

Trong những năm gần đây, cứ mỗi dịp Kỷ niệm Đại lễ 30/4, thì trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội, ngay cả sách giáo khoa viết không chính xác tên gọi của sự kiện lịch sử đặc biệt “GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC”. Thay vì viết đúng, đầy đủ như vậy thì họ chỉ viết: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”; “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất lãnh thổ Tổ quốc”; ngay cả là “Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước”… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tuyệt nhiên không “chẻ chữ” và tuyệt đối không công kích cách sử dụng chưa đúng, đầy đủ tên gọi sự kiện lịch sử đặc biệt này.

Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975. Ảnh: Internet

Nhưng không thể phủ nhận được rằng, ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy, “ngôn ngữ cũng tồn tại lâu như ý thức; ngôn ngữ là ý thức hiện thực, thực tiễn, tồn tại vì cả những người khác và chỉ do đó nó mới cũng tồn tại vì bản thân tôi nữa, và cũng như ý thức, ngôn ngữ chỉ xuất hiện từ nhu cầu, từ sự tất yếu phải giao tiếp với những người khác” (1) như C. Mác đã khẳng định. Vì vậy, bài viết góp phần chỉ rõ cơ sở khách quan để khẳng định: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc” khi nói và viết mới là đúng nhất. Đây là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa thiết thực để hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2025).

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hàng ngồi từ trái qua phải: Đại tướng Văn Tiến Dũng; ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban miền Nam; ông Phạm Hùng, nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam.

Vì sao “Giải phóng hoàn toàn miền Nam” là đúng nhất?
Từ tính chất toàn diện, triệt để, gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài; mang tính nhân dân; tính quốc tế sâu sắc của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống ấm no cho nhân dân ta. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất” (2). Tính chất đó do mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa quy định; đối cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là thực hiện “mục tiêu kép”: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Riêng cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lại có đặc điểm đặc thù: “Đặc điểm của cách mạng này là làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không cần phải qua một cuộc nổ bùng cách mạng, một cuộc nội chiến, và thiết lập nhân dân dân chủ chuyên chính dưới hình thức cộng hòa dân chủ nhân dân, chứ không thiết lập công nông chuyên chính dưới hình thức xôviết công nông binh. Đó là một thứ cách mạng điển hình ở một nước nông nghiệp trong điều kiện lịch sử của chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau chiến tranh thứ hai” (3).

Trong “Thư của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi ông Phạm Hùng, nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam về Kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị”, ngày 10/10/1974 đã khẳng định tính toàn diện của giải phóng hoàn toàn miền Nam, khi Đảng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu: “Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước” (4).

Mục tiêu, nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam có tính toàn diện, triệt để nhất, và là điều kiện tiên quyết để thống nhất Tổ quốc: “Không kiên quyết đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến ở miền Nam, cụ thể là chế độ Mỹ – Diệm, thì cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi nhất là để hoà bình thống nhất Tổ quốc” (5). Theo đó, Đảng ta đã nhận định đúng mâu thuẫn trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ: “Trong xã hội miền Nam thuộc địa và nửa phong kiến, có hai mâu thuẫn cơ bản:

Mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ và mâu thuẫn va nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân, và giai cấp địa chủ phong kiến.

Trong giai đoạn hiện nay, mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc ta, nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược Mỹ cùng tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, đại diện cho bọn địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất” (6).

Do đó, giải quyết triệt để hai mâu thuẫn cơ bản thì miền Nam mới được hoàn toàn giải phóng. Chủ trương đúng đắn đó còn được thể hiện trong “Điện của Bộ Chính trị” gửi vao miền Nam đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 ghi rõ: “Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc” (7).

“Mục tiêu kép” trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa không có bức trường thành ngăn cách. Quy luật cách mạng ở nước ta là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (đây là tư tưởng sáng tạo của Bác Hồ). Ngay trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã chứa đựng những nhân tố của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính lý tưởng xã hội chủ nghĩa là một động lực quan trọng thúc đẩy nhân dân ta theo Đảng làm cách mạng lật đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến để giành độc lập, tự do, tiến lên giành cơm no áo ấm, nước giàu dân mạnh… Những nhân tố quyết định chuyển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa còn là:

Có Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chính quyền nhân dân, nền tảng là liên minh công – nông. Tuyệt đại đa số nhân dân ta một lòng theo Đảng” (8).

Đặc biệt, trong “Diễn văn của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn trong buổi lễ mừng Chiến thắng”, ngày 15/5/1975 tại Hà Nội đã nhắc đi, nhắc lại từ “hoàn toàn”, trong đó nhấn mạnh: “Hôm nay, với niềm vui vô hạn, 45 triệu đồng bào cả nước tưng bừng mở hội mừng thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Chúng ta chào mừng Tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vĩnh viễn thoát khỏi hoạ chia cắt, chào mừng non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ nay hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập, tự do!

Chúng ta chào mừng kỷ nguyên mới trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc: kỷ nguyên phát triển rực rỡ của nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, kỷ nguyên nhân dân lao động hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, đồng tâm hiệp lực xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mình và cho muôn đời con cháu mai sau” (9).

Những cơ sở trên cho thấy, tư duy và tầm vóc lớn của Đảng ta khi xác định và hiện thực hóa mục tiêu “giải phóng hoàn toàn miền Nam”; đồng thời, phản ánh được tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Do đó, dù vô tình hay hữu ý, việc tước bỏ từ “hoàn toàn” đều không đúng; kể cả việc nói tắt cho ngắn ngọn, dễ nhớ cụm từ đó là bao biện.

Nhà báo B.Gallasch (ngồi bên trái) giúp quân giải phóng ghi âm lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh (ngồi bên phải) tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ảnh của Kỳ Sơn – hãng AP.

Vì sao “thống nhất Tổ quốc” là đúng nhất?
Theo nghĩa chung nhất, tổ quốc là một phạm trù lịch sử dùng để chỉ đất nước, con người gắn liền với biên giới, lãnh thổ xác định với những điều kiện kinh tế, tự nhiên, những truyền thống văn hóa, tâm lý, tình cảm của những cộng đồng người hình thành lãnh thổ đó, một chế độ xã hội và thể chế chính trị tương ứng. Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen, do điều lịch sử quy định nên các ông chưa bàn nhiều đến vấn đề Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, song các ông đã nêu ra những quan điểm khoa học về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong “Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ năm 1845”, Ph.Ăngghen khẳng định: “Xin quý vị lưu ý rằng, khi xảy ra chiến tranh và đương nhiên chỉ có thể là chiến tranh chống lại các quốc gia chống cộng sản thì mỗi thành viên xã hội phải bảo vệ tổ quốc chân chính, mái nhà chân chính, do đó sẽ chiến đấu với tinh thần hăng hái, tính cương nghị và lòng dũng cảm khiến cho quân đội hiện đại được huấn luyện một cách máy móc phải tan” (10). Như vậy, Tổ quốc mà Ph.Ăngghen đề cập ở đây là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định dưới chế độ bóc lột của chủ nghĩa tư bản, “Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có” (11). Theo hai ông “cái mà họ không có” chính là phương diện chính trị – xã hội của tổ quốc.

Tổ quốc là một hiện tượng lịch sử, bao gồm hai phương diện tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội. Trên phương diện tự nhiên – lịch sử, bao gồm: vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo – cương vực, được công ước quốc tế thừa nhận và có cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng lãnh thổ đó (thường gọi tắt là đất nước). Trên phương diện chính trị – xã hội, bao gồm: chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, được quy định bản chất của giai cấp thống trị, cùng với ngôn ngữ chung, truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, tâm lý… Tổ quốc và chế độ xã hội không đồng nhất với nhau, nhưng có sự thống nhất trên thực tế. Phương diện chính trị – xã hội quyết định bản chất của Tổ quốc, V.I.Lênin đã chỉ dẫn: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội” (12). Vì thế, V.I.Lênin nhấn mạnh phương diện chính trị – xã hội của nội dung bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đó là: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội” (13).

Như vậy, Tổ quốc được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đó là một loại hình Tổ quốc ra đời gắn liền với thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là thành quả đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Trong lịch sử xã hội loài người đã xuất hiện, tồn tại hai loại hình tổ quốc khác nhau về chất: Tổ quốc có áp bức bóc lột và tổ quốc không có áp bức bóc lột, nay là tổ quốc tư bản chủ nghĩa và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cũng như các loại hình tổ quốc khác, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa gồm hai phương diện cơ bản: tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội, nhưng nó khác hẳn về chất so với các loại hình tổ quốc khác trong lịch sử. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời gắn liền với thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sản phẩm đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chế độ chính trị – xã hội chủ nghĩa được thiết lập do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là đảng cộng sản. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời, tồn tại và phát triển cùng với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất biện chứng trên mọi phương diện; ngoài ra, còn là sự kết hợp chặt chẽ bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và tính nhân loại. Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã ra đời Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử. Do đó, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc kể từ ngày 25 tháng Mười năm 1917. Điều này tôi đã nói nhiều lần một cách hoàn toàn dứt khoát, và các anh cũng không dám bác lại. Chính vì lợi ích “củng cố mối liên hệ” với chủ nghĩa xã hội quốc tế nên nhất thiết phải bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (14).

Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xét phương diện tự nhiên – lịch sử, chính trị – xã hội, thì ra đời từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công gắn với sự ra đời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” – là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập, bảo vệ Tổ quốc mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược. Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Người đã tuyên bố độc lập của Tổ quốc ta trên cả hai phương diện: Tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội. Đó là tư duy biện chứng, vượt trước của Người so với các văn thân, sĩ phu yêu nước cùng với thế hệ đồng chí đồng sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ở thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đó.

Thuật ngữ “Thống nhất Tổ quốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhất quán với tần xuất liên tục nhất là sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho đến khi Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Lần đầu tiên, Người dùng thuật ngữ này trong “Điện cảm ơn Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”, ngày 01 tháng 8 năm 1954, tức là sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương được ký (ngày 20-7-1954). Trong bức điện, Người viết: “Trong cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình và thống nhất Tổ quốc của hai nước chúng ta, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Triều Tiên và Việt Nam sẽ ngày càng thêm thắm thiết” (15).

Từ đó trở đi, một trong hai mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là “thống nhất Tổ quốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại trong các bài nói, bài viết của Người với tần xuất liên tục (với 82 lần, nếu tính cả lời nhà xuất bản và chú thích là 98 lần) và lần cuối cùng được đề cập trong “Di chúc” với khát vọng cháy bỏng của Người là: “Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc” (16).
Nhất quán và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu thống nhất Tổ quốc, “Đường lối cách mạng miền Nam”, tháng 8 năm 1956, Đảng ta chỉ rõ: “Lý do là bọn đế quốc xâm lược Mỹ và phong kiến độc tài Ngô Đình Diệm đã tìm mọi cách để phá hoại, không chịu thi hành hiệp định, để mong chia xẻ lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ để gây lại chiến tranh, mong cướp đoạt giang sơn, Tổ quốc của chúng ta” (17).

Trong Báo cáo của Bộ Chính trị Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trang trọng dành một phần (“Phần I. Thắng lợi cách mạng vô cùng vẻ vang của Tổ quốc, của thời đại”), trong đó khẳng định: “Thắng lợi rực rỡ mùa Xuân 1975 là thắng lợi trọn vẹn nhất, vững chắc nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, của độc lập, tự do, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đó là thành quả vĩ đại của 45 năm đấu tranh cách mạng không ngừng, của 30 năm Đảng lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược… Kẻ thù nguy hiểm của độc lập, dân chủ đồng thời cũng là kẻ thù của thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, đã bị đánh bại hoàn toàn. Từ nay, nhân dân ta từ Bắc chí Nam có điều kiện tập trung sức lực và trí tuệ vào việc xây dựng Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, tiếp tục góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới” (18).

Báo cáo cũng nêu rõ nội hàm đầy đủ nhất của “thống nhất Tổ quốc”: “Trong 45 năm qua, cuộc đấu tranh cho thống nhất Tổ quốc luôn luôn gắn bó khăng khít với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… nguyện vọng và ý chí của nhân dân lao động. Ngày nay, Tổ quốc ta đã được hoàn toàn độc lập thì đồng thời cũng được thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ đất liền đến các hải đảo. Từ nay sự thống nhất ấy là vĩnh viễn. Sự thống nhất dân tộc trên cơ sở cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước cũng là sự thống nhất cao nhất chưa từng có trong lịch sử nước ta. Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, dân tộc ta mới thực sự được thống nhất không những về mặt lãnh thổ, mà cả về các mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, mới có sự đồng nhất về quan hệ sản xuất, sự nhất trí về tinh thần, sự bình đẳng thật sự giữa các tầng lớp nhân dân lao động, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số” (19).

Như vậy, nội hàm của “thống nhất Tổ quốc” rộng lớn, toàn diện, bao gồm thống nhất cả về phương diện tự nhiên – lịch sử và cả chính trị – xã hội của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, nếu sự dụng thuật ngữ “thống nhất đất nước” thì mới chỉ nhấn mạnh sự thống nhất về phương diện tự nhiên – lịch sử của Tổ quốc. Vì vậy, sử dụng thuật ngữ “thống nhất Tổ quốc” mới thấy tầm vóc lớn lao và giá trị đặc biệt của sự kiện “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc” của toàn thể dân tộc ta.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ông cha ta có tư duy rất biện chứng khi gọi “giang sơn” (tức phương diện tự nhiên – lịch sử) luôn gắn với “xã tắc” (tức phương diện chính trị – xã hội) của Tổ quốc ta. Chúng ta đều nhớ sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 thắng lợi (đầu năm 1288), vua tôi nhà Trần làm lễ dâng tù binh mừng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông ở Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Vua Trần Nhân Tông đã cảm động làm hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (dịch nghĩa là: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Hoặc truyền thuyết về vua Lý Thái Tổ cũng lưu truyền bài thơ diễn tả “khẩu khí đế vương” của ngài lúc còn hàn vi: “Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên/ Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên/ Dạ thâm bất cảm tràng thân túc/ Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên” (dịch nghĩa là: Trời làm màn gối, đất làm chăn/ Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên/ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng).

Thực tiễn phong trào công sản và công nhân quốc tế đã chứng minh, sau sự sụp đổ của mô chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở đó không còn; mặc dù vẫn còn phương diện tự nhiên – lịch sử vẫn còn, song, phương diện chính trị – xã hội đã mất (đúng như V.I.Lênin đã chỉ dẫn ở trên “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội”); tổ quốc đó bây giờ là của chủ nghĩa tư bản…
Tóm lại, xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn trên và với thái độ khoa học, tôn trọng lịch sử của người cách mạng, của người Việt Nam yêu nước chân chính, chúng ta phải trở lại với giá trị lịch sử, thời đại vĩnh hằng của sự kiện đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc ta tương ứng với tên gọi đầy đủ, đúng nhất: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

Thượng tá, TS.Hà Sơn Thái/Phòng Khoa học quân sự, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
ThS.Nguyễn Văn Ái/Trường Chính trị Đắk Lắk

Chú thích:
(1) C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.43.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.383.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.82-83.
(4) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Hà Nội, 2004, tr.185
(5) (6) (7) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Hà Nội, 2002, tr.62; tr.62: tr.178.
(8) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, Hà Nội, 2007, tr.191.
(9) (18) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Hà Nội, 2004, tr.206; tr.303-304; tr.311-312.
(10) Sđd, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, tr.725.
(11) Sđd, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, tr.623.
(12) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.230.
(13) (14) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, tr.102; tr.358.
(15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.14.
(16) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.617.
(17) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Hà Nội, 2002, tr.783.