Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nơi lưu giữ những kiệt tác rực rỡ của một huyền thoại, kỳ 2

ĐNA -

(Đông Nam Á) – “Nói về điêu khắc Champa, bản thân tôi cảm thấy mình không phải là một người am hiểu nhiều và còn ngơ ngác lắm, dù đã có một thời gian khá dài, hơn 10 năm gắn bó với các di tích Chăm, được tiếp cận tìm hiểu về các đền tháp, các tác phẩm điêu khắc Champa.

Nói thế là vì điêu khắc Champa đã đạt đến trình độ bậc thầy trong nghệ thuật tạo hình trên nhiều chất liệu như đá, đồng, đất nung… Trong đó, nổi bật nhật và chiếm đa số là chất liệu sa thạch. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng của thành phố chúng ta đang bảo quản và trưng bày những bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa.

Điêu khắc Champa đã đạt đến trình độ bậc thầy trong nghệ thuật tạo hình. Ảnh: T.Ngọc

Chính những tác phẩm điêu khắc Champa nơi đây, đã làm cho Bảo tàng trở thành một điểm đến văn hóa vô cùng đặc sắc và ấn tượng, như một viên ngọc quý lấp lánh giữa lòng thành phố, thu hút khách du lịch, giới nghiên cứu và những người yêu văn hóa, nghệ thuật. Phải gìn giữ trong sự trân quý vô vàn cho các thế hệ mai sau còn được thụ hưởng những báu vật vô giá này”, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, – Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh gửi gắm.

Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chính thức ký quyết định số 73/QĐ-TTg, công nhận 29 Bảo vật Quốc gia, đang được lưu giữ – trưng bày tại các Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn Di sản; các Chùa, tháp; lưu giữ tại cơ quan công quyền và bộ sưu tập tư nhân.

Chuỗi Bảo tàng trên cả nước, từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đến Bảo tàng các địa phương Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Bạc Liêu, Trà Vinh đều có cổ vật được công nhận là báu vật quốc gia. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội là nơi có số lượng báu vật quốc gia được công nhận nhiều nhất (6).

Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng – một di tích lịch sử cấp thành phố – cả 3 đề xuất đều được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y là 3 báu vật quốc gia: Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1; Phù điêu Apsara Trà Kiệu (Vũ nữ Apsara) và Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 ( Thần Shiva). Điều rất đặc biệt, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đến tháng 1/2024, đã có đến 9 báu vật quốc gia được công nhận.

Thêm một minh chứng rõ nét hơn, về nghệ thuật điêu khắc của nền văn minh huy hoàng ấy: Trong đợt (công nhận) lần thứ 12, năm 2023, còn có nhiều tác phẩm tạo hình độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Champa. Đó là: Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỷ VIII – IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận; Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định; Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại: Thế kỷ XVI – XVII, hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Hàng ngàn hiện vật quý có sức thu hút mãnh liệt du khách đến khám phá trải nghiệm lịch sử văn minh Đông Nam Á. Ảnh: T.Ngọc.

Qua chuỗi báu vật quốc gia đã được công nhận (các lần trước và lần thứ 12 mới đây), còn khẳng định đậm nét thêm rằng: Chính trong quá trình tiếp thu văn hóa Ấn Độ, người Champa đã kết hợp rất hài hòa yếu tố văn hóa địa phương (nội sinh) và văn hóa bên ngoài (ngoại sinh), trên cơ sở môi trường tự nhiên và tâm lý dân tộc. Từ đó, sáng tạo ra nền văn hóa của mình có những nét chung, song lưu giữ nhiều nét riêng so với những văn hóa láng giềng khác ở Đông Nam Á cũng có cùng xu hướng tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ.

“Trong hàng ngàn hiện vật quý, Bảo tàng hiện lưu giữ, trưng bày khoảng 300 -350 hiện vật có giá trị văn hóa – nghệ thuật và lịch sử rất cao. Đây là những di vật có mức độ hiếm, cực quý. Công tác bảo tồn và trưng bày triển lãm các bộ sưu tập hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, phải nói được đầu tư bài bản, phát huy được giá trị các hiện vật. Chúng tôi được biết, ngành Văn hóa thành phố và Bảo tàng, cũng thường xuyên bổ sung nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị cao.

Trung tâm TOP Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đề cử Bảo tàng điêu khắc Chăm vào danh sách “TOP 100 Kỷ lục bất biến của Việt Nam”.

Để phát huy tối đa giá trị các hiện vật, phục vụ nhu cầu này của du khách, các phòng trưng bày được cải tạo nâng cấp, bục bệ được thiết kế lại cho phù hợp, lắp đặt các pa nô trưng bày, trang bị hệ thống chiếu sáng hiện vật, hệ thống thuyết minh điện tử kết hợp tai nghe, duy trì sự xuất hiện và hỗ trợ của thuyết minh viên tại điểm trưng bày.

Như chúng ta đều biết, du khách đã chọn điểm đến là Bảo tàng, thì phần lớn không chỉ tham quan cho biết, mà gắn với nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu. Đà Nẵng cố gắng thỏa mãn mong ước trải nghiệm và khám phá của du khách”, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 174.364 lượt khách (tăng hơn 250% so với năm 2022, và là Bảo tàng có đông nhất du khách đến tham quan tại Đà Nẵng). Trong đó, có 158.290 lượt khách quốc tế (chiếm đến 90,78%); và 16.074 lượt khách nội địa. Sau đại dịch COVID-19, đây là dấu hiệu phục hồi rất đáng trân trọng. Một so sánh để thấy “thời vàng son” trước đó: Khi đại dịch COVID-19 chưa càn quét, trung bình mỗi năm, có  khoảng 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đặc biệt, nhiều nguyên thủ quốc gia, trong hành trình đến thăm Việt Nam, nếu dừng chân ở Đà Nẵng, chắc chắn, các Vị sẽ đến và tìm hiểu Bảo tàng này.

Du khách quốc tế nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1. Ảnh: Bảo Phương.

“Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, đặc trưng của Đà Nẵng, là Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Champa duy nhất trên thế giới. Do vậy, Bảo tàng luôn là điểm đến được các nguyên thủ quốc gia ghé thăm trong các chuyến công du tại Đà Nẵng (Quốc vương Thái Lan, Quốc vương và các hoàng thân, công chúa Campuchia, Tổng thống Pháp; Tổng thống Singapore; Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ và Phu nhân;;…).

Không ngừng phát huy giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô cùng độc đáo của Bảo tàng điêu khắc Chăm, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh truyền thông, tích cực giới thiệu trên nhiều phương tiện và nền tảng, thu hút đồng hơn, du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Chúng tôi cũng đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất hình thành thêm các dịch vụ, nâng chất lượng phục vụ, đáp ứng và thỏa mãn nhiều nhu cầu, đòi hỏi thị hiếu. Nỗ lực của liên ngành Du lịch – Văn hóa, là bằng nhiều cách, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với Bảo tàng”, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ.

Nhiều thế hệ du khách vẫn ao ước có một lần, được đến thăm Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. ảnh: T.Ngọc

Cũng trong năm qua, Bảo tàng đã dần khôi phục lại hoạt động chuyên môn như trước. Và lần đầu tiên, Bảo tàng tổ chức chương trình trao đổi học thuật về nghệ thuật điêu khắc tôn giáo Champa, dành riêng cho đối tượng sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông đa kênh, về bộ sưu tập các bảo vật quốc gia hiện có tại Bảo tàng, cũng như hàng ngàn hiện vật quý khác, Bảo tàng đã thu hút mạnh mẽ công chúng trẻ. Trong số lượng khách nội địa, số lượng học sinh-sinh viên chiếm gần 70% ( 11.111 lượt khách đến), cho thấy Bảo tàng có sức thu hút thật sự, trở thành điểm đến của giới trẻ.

Năm 2022, với những giá trị rất đặc biệt của Bảo tàng điêu khắc Chăm, Trung tâm TOP Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam: “Bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam”. Ban tổ chức khẳng định rằng, đây là hành trình tìm kiếm và đề cử “Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được”. Nỗ lực này góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung, các giá trị của từng địa phương nói riêng. Với Đà Nẵng, đây là đề cử duy nhất.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Bảo tàng có tuổi đời cao nhất hiện nay ở Đà Nẵng. Không chỉ nhiều về số lượng hiện vật trưng bày, đây cũng là Bảo tàng duy nhất ở thành phố biển, mang trong mình các báu vật rất hiếm: Các tác phẩm điêu khắc, tạo hình tiêu biểu, đa phong cách, của một nền văn minh huy hoàng trong buổi bình minh rực rỡ của văn minh Đông Nam Á. Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện hữu cho đến ngày nay, đã là một di sản quý của cả dân tộc Việt.

Đại biểu tham dự hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) và các quan chức cấp cao phụ trách Thông tin ASEAN lần thứ 20 (SOMRI 20), đến tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Bảo Phương.

Với Đà Nẵng, Bảo tàng gắn với nhiều truyền thuyết, nhiều sự kiện, đi vào hành trang ký ức của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng và những ai đã từng đến và sống với đô thị bên sông Hàn. Nhiều thế hệ cựu binh Pháp, Mỹ, Thái Lan từng có mặt ở các căn cứ quân sự, đóng trên địa bàn Đà Nẵng (trước 1975), đã quay trở lại. Họ không chỉ tìm về chiến trường xưa, mà tìm đến cả Musée Cham (theo cách đọc, cách gọi của nhiều thế hệ là: Muy – giê Chàm). Họ chia sẻ rằng, họ đã gặp may mắn. Chiến tranh đã xua đẩy họ đến Đà Nẵng, và so với những người thân, những đồng hương cùng xứ sở, họ đã sớm biết về “Muy – giê Chàm”…Một nơi rất nổi tiếng ! Trên thế giới chỉ có một ! .

“Cố Kiến trúc sư Kazimiers Kwiatkowski từng nói “người Champa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá”, tôi nghĩ câu nói đó thật hay, nhưng không những thế, họ (Người Champa cổ đại) còn gửi cả tài năng xuất chúng, sự khéo léo nhuần nhuyễn, những kiến thức khoa học được đúc kết, những triết lý tôn giáo thâm sâu, sự đam mê sáng tạo và cả tình yêu thiên nhiên cuộc sống… để tạo nên những tác phẩm điêu khắc đầy ý nghĩa và vẫn hút hồn người cả ngàn đời sau.

Musée Cham Tourane năm 1919.Ảnh Viện Viễn Đông Bác cổ  (EFEO) – Biên mục: Cổ vật Chăm ở Đà Nẵng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay. Ảnh: T.Ngọc

Hãy xem, tạo hình nhân vật của điêu khắc Champa là những khối mảng căng tròn, đầy đặn, tuy mềm mại, uyển chuyền nhưng lại gây cảm giác chắc khoẻ, ẩn chứa sinh lực tràn trề. Đối với mô-típ hoa văn trang trí, những nét chạm khắc xoắn xít, rậm rạp trên chất liệu đá, gạch thô cứng nhưng đầy sinh động, toát lên sức sống tuôn trào…”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đầy cảm xúc chia sẻ./.

Trần Ngọc