Không ai đo được lòng người, hiểu được họ là ai. Nhưng chỉ với một nụ cười của họ được giới truyền thông tô vẽ đã khiến họ vượt lên hẳn và làm lu mờ những chiến công đánh địch cả ở ngoài đời và trong ngục tù Mỹ-Ngụy của các chiến sĩ cộng sản kiên trung. Tạp chí Đông Nam Á xin giới thiệu một trong nhiều trận đánh vang dội của nữ chiến sĩ biệt động Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Nguyệt được đồng đội đặt tên là “Chim sắt”.
Năm 1960, Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời, cô gái trẻ Lê Thị Thu Nguyệt năm đó đã đầu quân cho lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta. Lực lượng này hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch.
Theo chia sẻ của anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Nguyệt, biệt danh “Chim sắt” của bà được bà lý giải như sau: “Tôi có biệt danh Chim sắt là bay cao, bay xa, đánh nhanh, đánh đau, thắng lớn”.
Năm 1963, Mỹ bắt đầu đưa cố vấn qua rất đông. Khi đó, tôi bắt đầu vào đội 159, lúc đó tôi chuyên đánh những cố vấn quân sự Mỹ. Nên khi nào đánh Mỹ thì mấy anh mấy chú cứ lại giao cho tôi, từ đó tôi mới có biệt danh Chim sắt”.
Để có thể hoạt động giữa sào huyệt của địch, “Chim sắt” phải biến hoá, mưu trí và đặc biệt phải giữ được cho mình một tinh thần thép. Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Nguyệt nói thời kỳ đó, trước khi đi làm nhiệm vụ, bà luôn được cấp trên dặn 3 điều:
-Không để lọt vũ khí vào tay giặc.
-Không để lộ mục tiêu.
-Không để đồng bào ta bị thương.
“Và như thế chỉ còn hy sinh thôi và tôi sẵn sàng hy sinh” – anh hùng Thu Nguyệt nói với sự nhẹ nhàng và đơn giản, “Chết, tôi thấy rất vinh dự vì tôi chết cho đất nước, tôi chết cho dân tộc tôi”.
Năm 1963, thế giới rúng động khi máy bay FHA007 của Mỹ bị đánh nổ và người làm nên điều đó không ai khác chính là người mang biệt danh “Chim sắt”, Lê Thị Thu Nguyệt. Nhưng để làm nên được kỳ tích huỷ diệt một máy bay Mỹ với 300 quân Mỹ trong đó có 80 sỹ quan cao cấp không phải một chuyện đơn giản.
Anh hùng LLVTND Thu Nguyệt kể, ngày 28/3/1963, 7 giờ sáng từ huyện Củ Chi, Thu Nguyệt lặng lẽ mang theo khối thuốc nổ và chiếc đồng hồ hẹn giờ giấu trong “bụng bầu”, bắt xe về thành phố để gặp “người yêu”. Cô đi qua các cổng gác, trạm kiểm soát như thường lệ mà không gặp trở ngại gì. Theo hiệp đồng, Chín E chuẩn bị một chiếc túi giống túi của sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ, để trong nhà vệ sinh. Nguyệt tiếp cận, cho lượng thuốc nổ vào túi, rồi cài đặt đồng hồ hẹn giờ và người đồng chí trong vai nhân viên sân bay sẽ mang chiếc túi này cùng hành lý của lính Mỹ ra băng chuyền để lên chiếc máy bay số hiệu FA007 sẽ cất cánh từ Sân bay Tân Sơn Nhất đi Mỹ .
“Lúc đó tôi định 15 phút, khi máy bay ra tới Thái Bình Dương thì sẽ nổ. Nhưng không ngờ nó không nổ. Lúc đó, tôi không biết tại sao lại không nổ. Nếu nó không nổ thì lộ hết” – anh hùng Thu Nguyệt nhớ lại thời điểm căng thẳng trong nhiệm vụ bà đã thực hiện thời điểm ấy. “Nó lấy được quả mìn của mình thì mai mốt mình không làm được nữa. Nhưng mà không ngờ ngày hôm sau, sau khi mấy anh cứ rà đài thì biết, vào lúc 15 giờ chiều 28/3/1963, Đài BBC và nhiều phương tiện truyền thông loan tin, máy bay số hiệu FA007 cất cánh từ Sân bay Tân Sân Nhất đi San Francisco (Mỹ), khi quá cảnh tại Sân bay Honolunu (Mỹ) đã bị nổ tung khi máy bay vừa hạ cánh được 15 phút, gây nhiều thương vong. Sau này tôi mới biết, sở dĩ bom nổ chậm hơn là do đồng hồ hẹn giờ của ta lạc hậu, khi máy bay lên cao, thay đổi áp suất, đồng hồ bị ngưng hoạt động”. Với chiến công này, bà được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được đồng đội tin yêu đặt cho bà biệt danh “Chim sắt”.
Cuối năm 1963, “Chim sắt” bị bắt. Thế nhưng, lồng cũi không giam được ý chí chiến đấu của người Cộng sản. 11 năm trong ngục là 11 năm chiến đấu – một mặt trận ngùn ngụt khí thế ở nơi mà người ta vẫn gọi là địa ngục trần gian.
Anh hùng LLVTND Thu Nguyệt nhớ lại những năm tháng bị tù đày: “Từ một chú chim tự do mà tôi bị đàn áp, bị mất tự do. Ý chí lúc đó là tôi muốn chiến đấu mà chiến đấu phải thắng”.
“Khi vào tù tôi chống ly khai, chống tố Cộng, chống chào cờ. Nó đánh tôi, cho chó bẹc-giê xé tôi… Chúng tôi đã cướp chính quyền trong đó. Nếu mình có chết thì người sau cũng được hưởng những thắng lợi đó”.
Đầu năm 1974, sau khi được ra tù, “Chim sắt” vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước được giải phóng. Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Nguyệt cũng như những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã viết nên huyền thoại đẹp về những người con bất tử, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc.
Thế Cương/trích nguồn “Những anh hùng thế kỷ XX”.