(Indonesia). Theo AFP, tối 16/4 và ngày 17/4/2024, cột khói bụi từ núi lửa Ruang bốc lên sau 4 lần phun trào. Giới chức thành phố Manado trên đảo Silawesi phải nâng cảnh báo lên mức cao nhất trong thang 4 cấp và đóng cửa sân bay quốc tế ở Manado trong 24 giờ.
Chính quyền cảnh báo nguy cơ sóng thần sau khi núi lửa phun trào 5 lần, lực lượng cứu hộ đang gấp rút sơ tán 11.000 cư dân khỏi khu vực lân cận, trong đó có đảo Tagulandang, nơi sinh sống của khoảng 20.000 người. Theo giới chức địa phương, một số cư dân đã chạy trốn trong hoảng loạn.
“Đêm qua nhiều người đã tự sơ tán nhưng không biết phải đi về hướng nào do núi lửa phun trào và tro bụi bao phủ”, Jandry Paendong, quan chức cơ quan tìm kiếm cứu nạn địa phương, nói.
Ông cho biết 20 nhân viên đã giúp sơ tán cư dân dọc bờ biển gần núi lửa bằng xuồng cao su và kêu gọi bổ sung thêm thuyền, thiết bị để các nhóm tiếp tục hoạt động sơ tán. Khách du lịch và người dân được cảnh báo tránh xa khu vực núi lửa ít nhất 6 km.
Giới chức địa phương cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần sau các vụ phun trào của núi lửa Ruang. “Cộng đồng ở đảo Tagulandang, đặc biệt là khu vực gần gần bờ biển, cần phải cảnh giác về khả năng núi lửa đổ sụp gây sóng thần”, Hendra Gunawan, người đứng đầu cơ quan quản lý núi lửa Indonesia nói ngày 17/4.
Năm 2018, núi lửa Anak Krakatoa nằm giữa đảo Java và Sumatra sụp đổ một phần sau vụ phun trào lớn, khiến những khối núi lửa khổng lồ trượt xuống đại dương và gây sóng thần. Hơn 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Indonesia thường xuyên hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, vòng cung nơi các mảng kiến tạo dễ va chạm, trải dài từ Nhật Bản, qua Đông Nam Á tới khắp lưu vực Thái Bình Dương.