Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022

ĐNA -

Ngày 8/6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, đồng thời cảnh báo các nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc xung đột Nga – Ukraine.

OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 do tác động nặng nề của cuộc xung đột Nga – Ukraine. (Ảnh: enazvision.az)

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD đã dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2022 đạt mức 3%, giảm 1,5% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, OECD còn nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên của tổ chức này lên 8,5%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1988.

“Căng thẳng tại Ukraine cùng với việc đóng cửa các thành phố và cảng lớn ở Trung Quốc do chính sách Zero COVID đã tạo ra một loạt các cú sốc bất lợi mới”, OECD – tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết.

“Đã có một số thay đổi đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những tháng gần đây, bao gồm sự lan rộng của biến thể Omicron trên toàn thế giới và sự kéo dài hơn mong đợi của áp lực lạm phát. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất là tác động kinh tế do chiến sự ở Ukraine”, OECD nhấn mạnh.

Trong báo cáo, OECD dự báo khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra cuối năm 2021. Hai nền kinh tế lớn nhất của Eurozone là Đức và Pháp lần lượt dự kiến tăng trưởng ở mức 1,9% (giảm 2,2%) và 2,4% (giảm 1,8%).

Các nền kinh tế lớn khác như Mỹ cũng giảm từ 3,7% xuống còn 2,5%, Trung Quốc được dự báo giảm từ 5,1% xuống còn 4,4%, Vương quốc Anh từ 4,7% xuống 3,6%. Kinh tế Nga được dự báo sẽ rơi vào suy thoái, giảm 10% do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Trước khi xung đột nổ ra, triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung được dự báo khả quan trong năm 2022 và 2023, trong đó tăng trưởng GDP và lạm phát đều được dự báo trở về mức bình thường sau thời gian chịu tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xung đột kết hợp với các biện pháp phong tỏa phòng dịch tại các thành phố và cảng quan trọng ở Trung Quốc đã dẫn tới những cú sốc lớn đối với các nền kinh tế.

OECD lưu ý lạm phát liên tục tăng trong thời gian qua, ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu thực tế, đặc biệt là với những hộ gia đình dễ chịu tổn thương nhất. Ở nhiều nền kinh tế mới nổi, nguy cơ thiếu lương thực ở mức cao do phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

OECD cũng dự báo áp lực lạm phát sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU dự kiến sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ vào quý III/2022. Tuy nhiên, triển vọng này chưa là chắc chắn nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao hoặc Nga đột ngột dừng nguồn cung khí đốt sang châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt.

Trước những thách thức trên, OECD kêu gọi Chính phủ các nước ưu tiên bảo vệ những nhóm dễ chịu tổn thương nhất. Trong ngắn hạn, các biện pháp tài khóa tạm thời, kịp thời và có trọng tâm sẽ giúp các hộ gia đình nghèo nhất. Trong trung và dài hạn, các chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch và chi tiêu quốc phòng.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay xuống còn 2,9%, thấp hơn so với mức dự báo 4,1% được đưa ra trước đó vào tháng 1/2022.

PV