Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi làm Chủ tịch nước

ĐNA -

Chiều 17/1/2023, tại cuộc họp bất thường , Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Trung ương thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, thôi giữ chức Chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân.

Trung ương thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, thôi giữ chức Chủ tịch nước

Theo thông cáo phát ngay sau cuộc họp, trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó Thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Ông Phúc còn chờ việc phê chuẩn miễn nhiệm của Quốc hội trong phiên họp bất thường chiều 18/1/2023.

Đầu nhiệm kỳ khóa 13, Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Sau khi ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc thôi chức, Bộ Chính trị còn 16 ủy viên.

Kỳ họp bất thường lần 2 diễn ra vào đầu năm 2023, nhằm xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Quốc hội họp bất thường lần 3, xem xét công tác nhân sự vào chiều 18/1/2023
Kỳ họp bất thường lần 2 diễn ra vào đầu năm 2023, nhằm xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt trong đó là việc phê chuẩn miễn nhiệm phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam; đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm hai tân phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Sau 2 tuần kể từ khi kỳ họp bất thường lần thứ 2 kết thúc, Quốc hội tiếp tục triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3 vào chiều ngày 18/1/2023 để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Về cơ sở pháp lý cho những kỳ họp bất thường của Quốc hội, chương V của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định rõ về kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về việc Quốc hội họp bất thường và Khoản 2 Điều 83 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.

Chy Le