Báo cáo hàng tháng mới công bố cho biết, tổng sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng 216.000 thùng/ngày trong tháng 7/2022 so với tháng trước đó.
Theo báo cáo, sản lượng của 13 nước thành viên của nhóm này trong tháng 7 đã tăng thêm 216.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt tổng cộng 28,9 triệu thùng/ngày, nhờ nguồn cung gia tăng tại 7 nước thành viên, bao gồm Iraq, Ả rập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE), Kuwait, Gabon, Guinea Xích đạo và Nigeria.
Hiện nay, sản lượng dầu thô của Ả rập Xê út ghi nhận mức tăng lớn nhất với 158.000 thùng/ngày, lên 10,714 triệu thùng/ngày, tiếp đến là UAE với mức tăng 48.000 thùng/ngày. Kuwait xếp ở vị trí thứ 3 với mức tăng 47.000 thùng/ngày.
Mức sản lượng tháng 7/2022 của Iraq cao hơn 447.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng dầu của Gabon, Guinea Xích đạo và Nigeria trong tháng trước cũng lần lượt tăng thêm 14.000 thùng/ngày, 13.000 thùng/ngày và 6.000 thùng/ngày.
OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+ đang tăng sản lượng dầu sau khi cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới đây được Argus Insights thực hiện cho thấy, mặc dù đã tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 7, OPEC+ đã không thể đạt được mức tăng sản lượng theo kế hoạch đề ra.
Ngày 11/8/2022 vừa qua, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 4/2022 cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới do những lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc xung đột Ukraine, lạm phát cao và dịch bệnh COVID-19.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng, OPEC nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra tháng trước đó. Ngoài ra, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,7 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dầu trung bình là 102,72 triệu thùng/ngày.
OPEC cho biết, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát gia tăng, mức nợ Chính phủ tăng cao ở nhiều khu vực và việc môt số ngân hàng trung ương dự báo tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến cơ quan này hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022.
Tiến Chí – Hoàng Hạnh