(Đà Nẵng). Được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Passage to ASEAN (Đường đến/Hành trình đến ASEAN, tên tổ chức này thường được viết tắt là P2A) sẽ chính thức đặt trụ sở tại Duy Tân Tower – Đại học Duy Tân, số 3 đường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng. Thông tin này được lãnh đạo Đại học Duy Tân chính thức công bố tại buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21 tháng 6 năm 1925 – 2025).
Sự kiện Viện Hành Trình ASEAN chuyển từ Bangkok về Việt Nam, như TS.Võ Thanh Hải – Phó Giám đốc thường trực Đại học Duy Tân nhìn nhận: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một tổ chức hoạt động theo Hiến chương ASEAN đã lựa chọn Việt Nam, đặt trụ sở, với vai trò và vị trí là một trung tâm điều phối và phát triển toàn mạng lưới”.

Song điều ít ai biết, hành trình từ Bangkok đến Việt Nam đã có đến 13 năm “từ khai sinh, tạo dựng, hiểu biết về nhau đến cùng đồng hành” và nhất quán theo phương châm: “Một tầm nhìn – Một bản sắc và Một cộng đồng ASEAN”.
Một Đại học Việt Nam giữ vai trò khởi xướng sáng lập
Passage to ASEAN là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập chính thức vào tháng 6/2012 với các các sáng lập viên gồm Đại học Rangsit (Thái Lan), Đại học Duy Tân (Việt Nam), Đại học Norton (Campuchia), Viện Khoa học Máy Tính Myanmar và Đại học Quốc Gia Lào.
“Lúc đó, liên quan đến giáo dục-đào tạo khu vực Đông Nam Á đã có AUN (ASEAN University Network, Mạng lưới các trường đại học ASEAN, tổ chức này được thành lập năm 1995). Nhưng AUN thiên về khu vực công lập, quốc lập. Khối các đại học dân lập, tư thục khó tiếp cận AUN. Tôi có bàn với đại diện các trường ngoài công lập theo hướng cần có một tổ chức, làm đầu mối tập hợp và liên kết để tất cả cùng tiến lên. Trước hết là vì sinh viên của trường mình, các em cần môi trường rèn luyện, học hỏi lẫn nhau và hội nhập, hình thành một cộng đồng.
Sau đó thì đại diện của 5 trường (sau này được trân trọng ghi nhận là Sáng lập viên) đã cùng ký. P2A đã ra đời từ một quyết tâm lớn như thế: tất cả vì người học, vì tương lai sinh viên Đông Nam Á, các em phải có đủ tâm thế hội nhập, trước hết, hội nhập tích cực vào thị trường lao động cạnh tranh của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)” – TS.Lê Nguyễn Tuệ Hằng – Phó Giám đốc Đại học Duy Tân – cũng là một trong những người đầu tiên khởi xướng việc hình thành P2A, nhớ lại.

P2A gánh vác ngay từ đầu sứ mệnh cầu nối giữa các trường đại học và cao đẳng trong khu vực, thông qua các chương trình trao đổi giáo dục và hỗ trợ sinh viên phát triển sự nghiệp trong mỗi quốc gia ASEAN, hỗ trợ quá trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến tháng 7 năm 2016, từ một mạng lưới, P2A đã được nâng tầm vị trí thành Hiệp hội (Associations) và có đầy đủ pháp nhân của một tổ chức.
Với vai trò là thành viên tham gia sáng lập Hiệp hội P2A, Trường Đại học Duy Tân đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa bao gồm hội nghị thường niên của các thành viên P2A lần thứ IV tại thành phố Đà Nẵng; đón tiếp và tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Duy Tân và sinh viên các nước ASEAN; tổ chức các chuyến hành trình P2A để đưa sinh viên trong nước đi tham gia khám phá và giao lưu tại các trường Đại học trong ASEAN. Thông qua đó giúp sinh viên tăng cường hiểu biết về văn hóa, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, trang bị kiến thức thực tiễn và rèn luyện kỹ năng mềm để chủ động hội nhập.
Tính từ 2012 đến nay, Đại học Duy Tân đã nhiều lần gửi sinh viên Đại học Duy Tân tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi.
“Ban đầu, các em được tiếp xúc với bạn bè là sinh viên các Trường ở khu vực Đông Nam Á, được tiếp xúc trải nghiệm với nhiều nền văn hóa, từ đó tạo sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn “trong bản sắc chung ASEAN”. Đây cũng là tinh thần Cộng đồng ASEAN: Một ngôi nhà chung, cùng chung tầm nhìn. Kế đó, các em bắt đầu học hỏi rèn luyện, trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ, sau đó đến các lĩnh vực chuyên ngành, chuyên môn sâu. Đây là những tố chất cần thiết của một công dân toàn cầu. Tự tin và sẵn sàng hội nhập” – TS.Lê Nguyễn Tuệ Hằng nhấn mạnh.
P2A đã liên kết đa chiều, đa dạng, triển khai tổ chức nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, tạo cơ hội cho sinh viên ở tất cả quốc gia thành viên ASEAN. Đó là chưong trình giao lưu, trao đổi về văn hóa và học thuật, tạo sự kết nối giữa các trường thành viên (P2A Journey); Chương trình giao lưu học thuật trực tuyến và trực tiếp (P2A Hybrid Mobility in Disciplines): Sử dụng công nghệ để kết nối sinh viên tham gia các khóa học, dự án và thảo luận trực tuyến về các chuyên ngành cụ thế: Kinh tế và Khởi nghiệp; Công nghệ và Trí tuệ; Khoa học Sức khỏe; Du lịch và Lữ hành; Ngôn ngữ và Vãn hóa.

Phó Giám đốc (Phụ trách khối Thông tin Báo chí và Xuất bản) Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, bà Nguyễn Thu Phương đánh giá cao quyết định đặt trụ sở chính của P2A tại Đại học Duy Tân, thành phố Đà Nẵng Việt Nam.Bà nhấn mạnh rằng, đây là môi trường và điều kiện hoàn hảo để Đại học Duy Tân góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, quan trọng hơn, sinh viên của Trường, hội đủ các tố chất để tự tin trở thành những công dân toàn cầu.
Trụ sở chính của P2A đặt tại thành phố Đà Nẵng Việt Nam cũng khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trong cộng đồng ASEAN, Phó Giám đốc Nguyễn Thu Phương đề nghị các cơ quan báo chí lan tỏa thông tin có ý nghĩa này, thúc đẩy hành trình hội nhập mạnh mẽ hơn của giáo dục-đào tạo nói riêng, các ngành lĩnh vực nói chung, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Mở lòng vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai
Ngài Jeroen Schedler – Trưởng ban Điều hành – Hội đồng Thường trực P2A khi có mặt tại Đà Nẵng để chủ trì và cùng tham dự chuỗi sự kiện hội nghị đại biểu sinh viên- Điều phối viên Chương trình “P2A – ASEAN In One 2018”, đã từng chia sẻ rằng : “P2A được thành lập không phải để chỉ ra điểm khác biệt, mà để kết nối cộng đồng, kết nối con người. Chúng ta nên mở lòng hơn, cùng nhau tìm hiểu và cùng nhau góp sức xây dựng để phát triển.
Các bạn sinh viên là tương lai của ASEAN, là những nhân tố quan trọng để khởi đầu một tiếng nói, một hành động, tạo nên một khối đoàn kết vững bền cùng góp phần vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai”
Ngài Jeroen Schedler cũng mở lòng để chia sẻ một trăn trở, một bận tâm trong ông. Đó là vì sao khi nhìn vào sự khác biệt, mọi người chúng ta lại hay nhìn theo chiều hướng tiêu cực, thay vì điều tích cực.
“Mỗi nền văn hóa khác nhau đều có nét đẹp riêng, phong tục tập quán riêng, điều đó, khiến thế giới của chúng ta trở nên đa sắc màu hơn. Khi còn là sinh viên, tôi đã rất may mắn khi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Với “P2A – ASEAN In One 2018”, nhiều con người đến từ các đất nước khác nhau đã gặp nhau, tôi lại may mắn được gặp tất cả mọi người đến từ các quốc gia ASEAN, để chúng ta cùng biết đến vẻ đẹp của đất nước mọi người, được biết về Đà Nẵng-Việt Nam. Với tôi và với chúng ta những hiểu biết ấy, tất cả đã tạo nên một thế giới tươi đẹp”.

Trước khi P2A chính thức đặt trụ sở tại Đà Nẵng Việt Nam, dựng nên một cột mốc lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên, một tổ chức ASEAN chính thức đặt trụ sở chính tại Việt Nam, khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN; Đà Nẵng-Việt Nam cũng là nơi đã diễn ra chương trình “P2A – ASEAN In One 2018”, trong đó chủ đề “Khám phá tương lai ngay bây giờ và chuẩn bị sẵn sàng cho các thành phố thông minh, cho công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với sinh viên ASEAN”(Discover the Future now and Get Ready for Smart Cities and Industry 4.0: Opportunities and Challenges for ASEAN Students)”, đã được hơn 100 sinh viên và đại biểu đến từ Đại học Rangsit University, Thái Lan; Đại học UTM, Malaysia; Đại học Temasek Poly, Singarpore; Đại học Islam, Đại học Muria Kudus, Đại học PGRIS Semarang và Đại học Binus (4 Đại học của Indonesia); Đại học Dagon, Myanmar; Đại học Panpacific và Đại học Ateneo De Zamboanga, Philippines; các Đại học Việt Nam: Đại học Duy Tân, Đại học FPT và Đại học Đồng Nai, ngoài ra, còn có 25 sinh viên ưu tú đến từ các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam, tham gia thảo luận sôi nổi.
Ngài Lee Yoong Yoong, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Ban thư ký ASEAN, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng (lúc đó), ông Võ Công Trí, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường (nay là Phó Chủ tịch UBND thành phó), NGƯT. AHLĐ Lê Công Cơ, (lúc đó là) Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân, Đồng Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội P2A, … cũng đã có mặt trong phiên khai mạc trọng thể “P2A – ASEAN In One 2018” – sự kiện vào thời điểm đó được ghi nhận là “lớn nhất” của cộng đồng trí thức trẻ Đông Nam Á lần đầu tiên diễn ra ở Đại học Duy Tân – Đà Nẵng – Việt Nam, từ ngày 16 đến ngày 19/8/2018.

Trong phát biểu của mình với tư cách là lãnh đạo đơn vị đăng cai “P2A – ASEAN In One 2018, students and P2A Coordinators Meeting”, TS. Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng Đại học Duy Tân (từ ngày 1/8/2018), khẳng định rằng “tinh thần đoàn kết và sự trợ giúp lẫn nhau của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau trong khối P2A sẽ thúc đẩy sự hợp tác, cùng nhau phát triển nền công nghệ. Theo đà tiến bộ, công nghệ có thể cũ đi, nhưng hãy làm sao để cách chúng ta sử dụng lại rất mới. Và chính tất cả những yếu tố ấy, công nghệ – người sử dụng công nghệ đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn.
Sự kiện và cuộc gặp gỡ tháng 8/2018 tại Đà Nẵng-Việt Nam, sẽ rất đáng nhớ, bởi mỗi đại biểu sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và quan trọng hơn là chúng ta làm gì để chúng ta trở thành công dân của thành phố thông minh hơn trong tương lai không xa.
Dẫn lại một thành ngữ Việt Nam, TS. Lê Nguyên Bảo đã nói với các bạn sinh viên đến từ nhiều quốc gia ASEAN (một hình ảnh thi vị) rằng ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’, thay cho lời kêu gọi. chúng ta gặp nhau ở đây lần này để cùng nhau tìm hiểu và bàn về “Cơ hội và thách thức 4.0”, điều đó thật đáng để ghi nhớ !
Năm 2018, chỉ 6 năm sau ngày ra đời, bằng sứ mệnh và tầm nhìn của mình, P2A đã ngày càng thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các trường trong khu vực, thời điểm này, Hiệp hội P2A đã tăng từ 5 lên 81 thành viên, kết nối trên một triệu sinh viên của 9 nước thành viên ASEAN. Có 7 trường Đại học của Việt Nam (ban đầu là 1) trở thành thành viên chính thức của P2A, gồm: trường Đại học Duy Tân,Trường Đại học Văn Lang, trường Đại học FPT, trường Đại học Vũng Tàu , trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, trường Đại học Kinh tế -Luật TP. HCM và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đến nay (2025), khi chính thức chuyển trụ sở từ Bangkok về Đà Nẵng – Việt Nam, Viện Hành trình ASEAN – Passage to ASEAN, đã hình thành mạng lưới lên đến 145 thành viên (là các trường đại học và cao đẳng) của 10 quốc gia ASEAN.
Ngay sau khi đặt trụ sở tại thành phố Đà Nẵng – Việt Nam, Passage to ASEAN đã giữ vai trò là đơn vị khởi xướng và tổ chức hội nghị bàn tròn Du lịch (Tourism Roundtable) ASEAN – Hàn quốc (AK), chủ đề “Kết nối – Hợp tác và Bứt phá” (ngày 12/7/2025).
Nguyên Tổng Thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017), ông Lương Lê Minh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ông Yong Ho Seong; Tổng cục trưởng – Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, ông Kim Geun Ho ; Phó Tống Cục trưởng, Tổng cục Du lịch Bộ Du lịch và Thể thao Thá¡ Lan – ông Boonserm Khunkaew; Bà Martini Mohamad Paham – Thứ trưởng phụ trách Tài nguyên và Thể chế, Bộ Du lịch Indonesia ; Bà Erissa bini Azmi – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Ngành, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia ; Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cùng các đại diện là Chuyên viên cao cấp phụ trách Marketing Du lịch, thuộc Ban Thư ký ASEAN; Bộ Du lịch Indonesia; Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc ; … đã có mặt tại sự kiện bàn tròn về du lịch AK lần đầu tiên được tổ chức và Việt Nam là quốc gia đăng cai kỳ thứ nhất.
“Tôi đánh giá cao cách tiếp cận nội dung của Diễn đàn lần này. Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ thông tin hay trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, diễn đàn đã mở ra một không gian đối thoại sâu sắc và toàn diện, nơi chúng ta cùng nhìn vào những vấn đề then chốt đang định hình tương lai của ngành du lịch khu vực ASEAN – Hàn Quốc.
Từ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của du khách giữa các quốc gia; cải thiện chính sách thị thực theo hướng linh hoạt, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an ninh; thúc đẩy hiểu biết về đa dạng văn hóa; đến việc chú trọng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là thế hệ trẻ – tất cả đều là những yếu tố then chốt, mang tính dài hạn và có khả năng nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của ngành du lịch mỗi quốc gia cũng như toàn khu vực trong ký nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chúng ta kỳ vọng rằng thông qua các bài tham luận thiết thực của các nhà lãnh đạo ngành du lịch, cùng với nội dung trao đổi chuyên sâu của các diễn giả tại bốn phiên thảo luận, Diễn đàn sẽ mang lại nhiều bài học giá trị và khuyến nghị chính sách hữu ích. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng để các nước
ASEAN và Hàn Quốc cùng hoạch định chính sách và triển khai hoạt động hợp tác du lịch dài hạn, không chỉ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực trạng trao đổi khách giữa hai bên, mà còn góp phần tạo nền tảng phát triển du lịch bền vững, bao trùm và linh hoạt hơn trước những biến động trong tương lai.
Việc tổ chức Diễn đàn ASEAN – Hàn Quốc về Du lịch lần thứ nhất tại Việt Nam, mang ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ tạo ra diễn đàn đối thoại chính sách giữa các quốc gia trong khu vực, mà còn là minh chứng sinh động cho cam kết hợp tác chặt chẽ, cùng nhau phát triển du lịch giữa ASEAN và Hàn Quốc. Tôi đánh giá cao vai trò chủ động của Đại học Duy Tân trong phối hợp với các bên liên quan của Hàn Quốc và ASEAN để tổ chức thành công sự kiện”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ông Hồ An Phong nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên làm việc chung mở đầu cho sự kiện.

TS.Lê Nguyễn Tuệ Hằng – Phó Giám đốc Đại học Duy Tân, Viện trưởng Viện Hành trình ASEAN (Passage to ASEAN/P2A) cho biết thêm: “Hội nghị bàn tròn du lịch ASEAN và Hàn Quốc do Đại học Duy Tân phối hợp với Passage to ASEAN (P2A), tổ chức ASEAN với mạng lưới 145 trường đại học và cao đẳng đến từ 10 quốc gia, cùng phối hợp tổ chức, với sự tài trợ từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Quỹ FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).
Hội nghị này là một dự án, đã được khởi động từ tháng 8/2024 trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác kinh tế toàn diện giữa chính phủ các nước ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA). Dự án có mục tiêu thúc đẩy giao lưu và hợp tác du lịch giữa các quốc gia. Luân phiên trong 3 năm, mỗi năm tại một quốc gia, hội nghị kỳ thứ hai dự kiến sẽ diễn ra tại Indonesia và kỳ thứ ba dự kiến tại một quốc gia ASEAN, hoặc tại Hàn Quốc. Và điều đặc biệt, lần đầu tiên, sự kiện đã chọn Việt Nam để tổ chức, đánh dấu Viện Hành Trình ASEAN chuyển từ Bangkok về Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng sâu sắc của ASEAN đối với năng lực, tâm thế hội nhập và tầm nhìn khu vực của đất nước”./.
Trần Ngọc
Cùng chủ đề:
30 năm, Việt Nam gia nhập ASEAN
Hội nhập quốc tế từ hội nhập giáo dục Đông Nam Á
“Điểm đến” của các trường Đại học mạng lưới AUN