Thứ năm, Tháng mười một 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phần Lan và Thụy Điển không dễ ra nhập NATO

ĐNA -

Thổ Nhĩ Kỳ chặn đàm phán về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Đại sứ của các nước NATO đã gặp nhau hôm thứ Tư, 18/5/2022, để bắt đầu các cuộc đàm phán kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, là 2 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh quân sự này. Nhưng do sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ nên cuộc bỏ phiếu đã bị đình trệ.

Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng của NATO có thể đồng ý hay không về nguyên tắc đối với việc nộp đơn của các nước Scandinavia trong vòng một đến hai tuần.

Về nguyên tắc, nghị định thư kết nạp và lời mời chính thức (tham gia liên minh) phải được tất cả 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng ông không thể ủng hộ việc đưa Thụy Điển và Phần Lan vào khối quân sự, vì như vậy tổ chức này sẽ trở thành “nơi có nhiều đại diện của những kẻ khủng bố”. Ông cho biết Ankara đã yêu cầu Stockholm và Helsinki dẫn độ 33 đại diện của PKK (Đảng công nhân cánh tả Kurd) và FETO (một tổ chức bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố), nhưng đã bị từ chối.

Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu nói về khả năng từ bỏ quan điểm trung lập lâu dài và gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh Nga thực hiện một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nói rằng tổ chức sẽ rất vui khi thấy các quốc gia Bắc Âu này sẵn sàng  đứng trong hàng ngũ của mình và tạo cơ hội cho họ hội nhập nhanh chóng.

Moscow đã nhiều lần lưu ý rằng NATO đang nhắm tới mục tiêu đối đầu. Như thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã nhấn mạnh, việc NATO mở rộng hơn nữa sẽ không mang lại an ninh lớn hơn cho châu Âu. Đồng thời, đại diện Điện Kremlin nói rõ rằng ông không coi sự tham gia có thể có của Helsinki và Stockholm vào NATO là một mối đe dọa hiện hữu đối với Moscow.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc nói NATO đang đắm chìm trong “làn sóng điên rồ mới”.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc đã nói về “làn sóng điên rồ mới” của NATO, hậu quả của việc này “sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục” – đó là phản ứng về kế hoạch kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Với việc “Mở rộng về phía Bắc” hay “Mở rộng về phía Đông” lần thứ sáu của NATO, phương Tây đang gây áp lực lên Nga nhiều hơn bao giờ hết. Trái ngược với việc liên tiếp đưa các nước Trung và Đông Âu vào liên minh sau khi Liên Xô tan rã, việc “bành trướng về phía bắc” để bao gồm các nước trung lập là Phần Lan và Thụy Điển sẽ gây ra sự thu hẹp nghiêm trọng hơn nhiều về khoảng trống chiến lược của Nga. Đất nước này sẽ còn bị đẩy xa ra hơn nữa khỏi châu Âu.

NATO là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và làn sóng mở rộng mới của khối này cũng sẽ là một “làn sóng điên rồ mới” được thiết kế để gặt hái thành quả của Chiến tranh Lạnh. Bài báo lập luận rằng NATO đang tìm cách mở rộng chu vi an ninh sau khi nền văn minh phương Tây “thất bại” trong việc mở rộng thông qua toàn cầu hóa kinh tế – điều này là cần thiết để huyền thoại về “chủ nghĩa phương Tây” tiếp tục tồn tại. Các tác giả bài báo chắc chắn rằng việc tìm kiếm kẻ thù, tạo ra các mối đe dọa và tiêu diệt những kẻ lạ mặt – đây là logic của sự mở rộng mà NATO đang chứng minh.

NATO tìm kiếm tính hợp pháp cho sự tồn tại của mình bằng cách mở rộng và tạo ra những kẻ thù có điều kiện, nhưng trên thực tế, NATO đã không thể tránh được logic “kẻ mạnh luôn đúng”, Thời báo Hoàn cầu kết luận.

Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu nói về khả năng từ bỏ vị thế trung lập lâu dài và gia nhập NATO trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra ở Ukraine. Tổng thư ký của tổ chức Jens Stoltenberg và Đại sứ Hoa Kỳ Julianne Smith đã ủng hộ ý tưởng này. Vào ngày Chủ nhật, cả hai quốc gia đã thông báo rằng họ đang nộp đơn xin gia nhập liên minh. Người đứng đầu liên minh, Jens Stoltenberg, nói rằng việc xem xét các đơn đăng ký sẽ được tiến hành một cách khẩn trương.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng việc mở rộng hơn nữa liên minh sẽ không mang lại an ninh lớn hơn cho châu Âu, NATO đã cho thấy rõ tính cách hiếu chiến của mình. Đồng thời, ông lưu ý rằng Moscow không coi việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

The Cuong (Theo RIA Novosti)