Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt: Đà Nẵng chủ độngxây dựng nhiều mô hình linh hoạt theo một phương thức chung

ĐNA -

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022, với nhiều nội dung mới, trong đó, quan trọng nhất, là hàng loạt các quy định cụ thể về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quản lý chất thải nhựa. Chính quyền, ngành chức năng mỗi đô thị phải tự quyết định phương thức thu gom, phân loại cho mình, và hạn định triển khai chậm nhất trước 31/12/2024 (Điều 75). Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay, là các đô thị (địa phương) vẫn đang chờ các hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong xây dựng (mô hình) THÀNH PHỐ MÔI TRƯỜNG, phong trào phân loại rác thải sớm được triển khai từ những năm 1990. Ảnh trong bài: T.N.

Tại Đà Nẵng, yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt vấn đang được thực hiện (theo quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 và kế hoạch hàng năm của Chính quyền thành phố).

Quyết định số 1577/QĐ-UBND là kế hoạch có tính dài hạn (kéo dài trong 7 năm, từ 2019 – 2025); ngoài ra, Đà Nẵng còn có kế hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn (kế hoạch số 3770/KH-UBND ngày 23/8/2019 của UBND, triển khai Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố), và hằng năm, UBND thành phố đều có bổ sung kế hoạch cụ thể, định lượng công việc (phân loại rác thải tại nguồn) để triển khai thực hiện.

Trong 3 năm qua (2020-2022), thành phố đã, đang và tiếp tục đầu tư đồng bộ công tác triển khai phân loại (truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, thực hiện đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho phân loại, đến hạ tầng thu gom, xử lý,…). Các chủ trương và biện pháp thực hiện nhận được sự đồng thuận từ người dân, cộng đồng rộng rãi, đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế, các đối tác đã đồng ý tài trợ, hỗ trợ đồng hành.

“Trong thời gian đợi hướng dẫn chung (từ nay đến tháng 12/2024), Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố sẽ tổ chức các phiên tham vấn về mô hình và phương thức thu gom, phân loại, xử lý, theo hướng chủ động và linh hoạt. Chúng tôi cho rằng, những thông tin, chia sẻ về kết quả đạt được; cũng như yêu cầu rà soát về tính hiệu quả của những đầu việc đã thực hiện, xác định các vướng mắc từ thực tế triển khai; rút ra kinh nghiệm, và đề xuất thêm về giải pháp, hay gợi ý phương thức hữu hiệu cho kế hoạch triển khai thời gian đến, đều hết sức cần thiết và đáng quý”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng nhấn mạnh.

Chiều ngày 27/12/2022, đã diễn ra hội thảo khoa học “Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022”. Ngành chức năng kỳ vọng qua hội thảo, sẽ đi đến đề xuất được phương thức chung (mô hình) tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn sinh họat trên địa bàn thành phố năm 2023, trình UBND thành phố phê duyệt, và triển khai (giai đoạn 2023 – 2025) phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tình hình thực tế tại các địa phương.

Đây cũng là công việc khá cấp thiết, khi Đà Nẵng bắt đầu “pha thứ hai” của đề án xây dựng Thành phố môi trường” nói chung, yêu cầu quản lý chất thải, phân loại rác thải nói riêng.

“Đà Nẵng sẽ chủ động xây dựng nhiều mô hình linh hoạt theo một phương thức chung trong phân loại rác tại nguồn” – ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng.

“Năm 2022, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt ở các mức: 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố, 79,69% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 100% trường học (226/226 trường). Có 79,69% cơ sở, sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và 100% cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Báo cáo của 112/317 doanh nghiệp (hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao), cũng cho biết, đã có 74/112 doanh nghiệp đã có phương án thu gom, phân loại; 68/112 doanh nghiệp thực hiện phân loại thường xuyên; 15/112 doanh nghiệp thực hiện chưa thường xuyên và 11/112 doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện.

Mặc dù đây là những số liệu cần rà soát, đánh giá thực chất việc triển khai phân loại tại các đối tượng, địa bàn dân cư, nhưng có thể thấy rằng sự tích cực, đồng thuận rất cao từ người dân, cộng đồng dân cư chung tay trong công tác phân loại rác thải tại nguồn nói riêng và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố nói chung. Tuy chưa ở mức thuyệt đối (100%), từ khu dân cư, phường, xã, quận, huyện, rồi các sở, ban, ngành đều đã có nhận thức và lên kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn.Do vậy, chúng ta càng nỗ lực hơn, duy trì ở mức tốt hơn, một hoạt động rất có ý nghĩa đối với bảo vệ môi trường đã có, và đã hình thành nên nề nếp.”, bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), phân tích.

Năm 2022, mô hình tổ chức phân loại rác thải phế thải xây dựng, rác kích cỡ lớn tại Quận Sơn Trà được UBND quận đưa vào vận hành thí điểm (tận dụng khu đất trống 1,4 ha làm điểm tập kết xà bần tạm thời). “Chúng tôi có những đội tuần tra lưu động trên đường phố, thấy xe vận chuyển giá hạ, xà bần là hỏi ngay, bà con đang vận chuyển cho hay đang đưa đến điểm tập kết mà chính quyền quy định. Do vậy, tuy là cách giải quyết tạm thời, nhưng trước mắt, đã góp phần giảm đáng kể tình trạng xả thải xà bần không đúng nơi quy định, cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị trên địa bàn quận”, bà Hoàng Thị Long Viên, cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường Quận, cho hay.

“Trên địa bàn quận nhà, tình trạng xả thải xà bần không đúng nơi quy định giảm đáng kể” – bà Hoàng Thị Long Viên.

Ngành chức năng cũng ghi nhận (qua nguồn số liệu điều tra từ hộ gia đình, khu dân cư), năm qua, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thu gom, tái chế đạt hơn 1.717 tấn rác tài nguyên (cao hơn so với năm 2021). Tổng số tiền thu được từ rác thải tài nguyên khoảng 4,019 tỷ đồng. Khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại khoảng 330.922 kg, chủ yếu là pin, bóng đèn. Tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn khoảng 5.082 tấn.

“Tôi có tìm hiểu “hành trình” của rác tài nguyên là vật liệu nhựa, đồ dùng nhựa từ Đà Nẵng sẽ đi về đâu ? Câu trả lời là đã có địa chỉ tiếp nhận, xử lý trở thành vật dụng tái chế có ích cho đời sống”, ông Võ Nguyên Chương cho biết.

Phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt thành rác tài nguyên triệt để: Chuyện còn dài
“Tuy nhiên, có một thực tế là các nhóm chất thải sau phân loại và khi thu gom vẫn còn trộn lẫn, chưa thể phân loại và thu gom riêng tương ứng từng hình thức xử lý, điều này làm lãng phí tài nguyên và có thể gây thêm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe; và cũng vì vậy, chất thải tái chế tại các bãi chôn lấp vẫn còn ở tỷ lệ cao,… Tương tự, các loại chất thải nguy hại phát sinh từ nông nghiệp như: bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật,…hiện nay đã được thu gom trên đồng ruộng, đưa vào các bi chứa, nhưng chưa thực hiện tiêu hủy, xử lý triệt để. Hay như chất thải thực phẩm/hữu cơ có tỷ lệ lớn, đang lúng túng trong phân loại, xử lý, nên cũng nhưng chưa được tận dụng làm tài nguyên”, bà Nguyễn Thị Kim Hà phân tích.

Rác y tế cũng là câu chuyện trong phân loại xử lý chất thải rắn, bởi rác y tế (thông thường) và rác y tế nguy hại, là 2 kịch bản xử lý hoàn toàn khác nhau.

Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng khẳng định sẽ thí điểm phân loại (thí điểm) rác tại nguồn ở hai chợ Đống Đa và chợ Hàn.

Hiện tại, về công nghệ xử lý rác thải của Đà Nẵng, chỉ mới có 1 giải pháp là chôn lấp hợp vệ sinh; các dự án xử lý với công nghệ khác từ nay đến năm 2025 mới xác định đầu tư – vận hành. Và tiến độ đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định (liên quan) về thành phần các loại rác khác, cần triển khai phân loại ở thành phố.

Trong khi đó, đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường tại địa bàn khu dân cư chưa (đủ điều kiện và khả năng) tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nguy hại được phân loại tại nguồn theo quy định, khả năng dẫn đến tình trạng ứ đọng, gây ô nhiễm tại các điểm tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện phân loại, là rất hiện hữu.

Được biết, năm 2023, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tiếp tục được tổ chức phân loại. Mọi tổ chức, cơ quan, viện nghiên cứu, trường học, cơ sở công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cơ sở dịch vụ, du lịch; bệnh viện, cơ sở y tế; siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh, các hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đều phải thực hiện phân loại tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ môi trường, luôn có mặt trong nhiều chiến dịch truyền thông những năm qua

Căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, loại hình công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… tại địa bàn; Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã đề xuất phân loại tại nguồn theo các nhóm: Nhóm 1. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm các loại giấy, nhựa, kim loại); Nhóm 2. Chất thải thực phẩm (gồm thực phẩm nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến (thực phẩm thừa, quá hạn sử dụng, dầu thải,…); rác vườn…..; Nhóm 3. Chất thải rắn sinh hoạt khác (bao gồm cả nhóm nguy hại, nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác mở rộng, và nhóm khác còn lại) và Nhóm 4. Chất thải cồng kềnh (chất thải được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây…).

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định (thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt) phải được triển khai chậm nhất trước 31/12/2024. Tuy là địa phương từng sớm triển khai phân loại chất thải rắn (từ năm 1994), nhưng do tính phức tạp của vấn đề, Đà Nẵng vẫn trên lộ trình tìm ra một phương thức thu gom, phân loại cho đô thị mình. Hẳn nhiên, không riêng Đà Nẵng, mà nhiều địa phương cũng đang rất lúng túng …

Trong nhiều biện pháp và giải pháp cho yêu cầu phức tạp (phân loại chất thải rắn sinh hoạt); Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết sẽ công bố “Quy trình chi tiết” trong thực hiện thu gom các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại trên địa bàn (theo từng phường, xã) và các ngành, lĩnh vực tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm phân loại, thu gom chất thải thực phẩm tại các quận, huyện.

CTCP Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện “Ứng dụng phần mềm cho người dân về thu gom rác tài nguyên và phản ánh liên quan đến công tác thu gom rác thải”, để vận động, hướng dẫn và tổ chức thu gom rác tài nguyên trên địa bàn thành phố.

Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu – Phó Tổng giám đốc CTCP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đề xuất nhiều ý kiến, tháo gỡ vướng mắc, đưa yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt trở nên hiệu quả hơn.

Lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng cũng chia sẻ: “Chúng tôi đang nghĩ đến mô hình thí điểm “mỗi Quận chọn 1 Phường, mỗi Ngành chọn 1 đơn vị, tổ chức” và “thử phân loại triệt để, đồng bộ” như yêu cầu của Luật, rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng. Hy vọng khi đã có mô hình, sẽ dễ đưa đến một phương thức chung phù hợp cho cộng đồng, cho nhiều ngành”.

Phân loại rác tại nguồn cần tính đồng bộ, thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng và phải quyết liệt thực hiện một cách kiên trì, tránh các giải pháp mang tính phong trào, tránh kéo dài tình cảnh có hộ dân tích cực phân loại rác tại nguồn, nhưng hộ dân khác lại không thực hiện. Đặc biệt, phải có sự chuẩn bị kỹ càng về quy trình, công nghệ xử lý rác thải, thành phẩm cuối cùng là cái gì, phải rất cụ thể, để xác định “đó là từ tài nguyên rác”: phân bón, đồ dùng, phương tiện sinh hoạt tái chế. Hãy để chính người tham gia phân loại rác tại nguồn, thấy và cảm nhận được kết quả mà họ có phần đóng góp. Thành phố Đà Nẵng dự định sẽ nghiên cứu, đề xuất hình thức khen thưởng đối với cơ quan, hộ gia đình tích cực thực hiện phân loại tại nguồn, nhằm khuyến khích, động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.

Hy vọng Đà Nẵng sẽ đóng góp cho cả nước mô hình linh hoạt trong thu gom, phâm loại rác tài nguyên, ngay tại nguồn thải./.
T.Ngọc